Đăng ngày: 11/08/2022
Tình hình eo biển Đài Loan trong những ngày qua đã nóng bỏng hẳn lên, với việc Trung Quốc liên tục tập trận chung quanh hòn đảo, để đáp trả chuyến thăm Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi. Để đối phó, Washington đã liên tiếp nhắc lại lập trường ủng hộ đồng minh Đài Loan. Tuy nhiên, trả lời nhật báo Pháp Le Figaro ngày 10/08/2022, giáo sư Barthélémy Courmont, một người am hiểu tình hình khu vực, cho rằng không phải ai tại Đài Loan cũng tin tưởng vào những lời hứa của Mỹ.
RFI Tiếng Việt hôm nay xin lược dịch bài phỏng vấn mà giáo sư Courmont dành cho tờ báo Pháp.
Le Figaro: Trong cuộc khủng hoảng mới xung quanh Đài Loan, một số người cho rằng Hoa Kỳ đã khiêu khích Trung Quốc, còn một số khác cho rằng Bắc Kinh đã phản ứng thái quá. Như vậy thì ai đã đe dọa ai?
Nếu Hoa Kỳ muốn phá vỡ chính sách “mơ hồ chiến lược” mà họ vẫn duy trì từ nhiều thập kỷ nay trên vấn đề “một nước Trung Hoa duy nhất”, thì chính tổng thống Joe Biden sẽ đích thân thực hiện chuyến thăm. Đằng này, chuyến đi của bà Nancy Pelosi đến Đài Bắc đã khiến Washington phải rùng mình.
Chuyến thăm đó không phải là dịp để ký bất kỳ thỏa thuận nào, cũng không có thông báo, và trông giống như một nỗ lực vớt vát danh dự cuối cùng cho nhân vật lãnh đạo thuộc đảng Dân Chủ Mỹ, vốn ý thức được rằng chức chủ tịch Hạ Viện của bà có thể bị mất đi vào cuối nhiệm kỳ dự kiến trong ba tháng tới đây.
Bắc Kinh chỉ chờ cái cớ này để tung ra một cuộc phô trương vũ lực ngoạn mục, và Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng này.
Về phần tổng thống Mỹ, người hồi tháng 5 đã tái khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ là sẽ hỗ trợ quân sự cho Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công, ông chỉ lặp lại các điều khoản của Đạo Luật về Quan Hệ với Đài Loan ký năm 1979, theo đó thì Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan những bảo đảm về an ninh trong trường hợp Trung Quốc xâm lược, đánh đổi với sự công nhận “một nước Trung Hoa duy nhất”.
Từ đó đến nay, mục tiêu của Mỹ là không bao giờ để chế độ Bắc Kinh thấy rằng họ có quyền tự do muốn làm gì thì làm, nhưng cũng không hề cho biết một cách quá cụ thể về các bảo đảm dành cho Đài Loan.
Le Figaro: Nguyên trạng về Đài Loan suýt bị phá vỡ. Liệu nguyên trạng đó có thể tồn tại lâu hơn nữa hay không?
Theo định nghĩa, một nguyên trạng luôn là một tình huống tạm thời. Trên thực tế, một số người Đài Loan cảm thấy mệt mỏi với nguyên trạng này. Kể từ năm 1971, Đài Loan là lãnh thổ duy nhất trên thế giới có 23 triệu dân không tồn tại theo định nghĩa của luật quốc tế. Điều đó hàm ý rằng trong trường hợp bị xâm lược, họ sẽ không được cơ chế quốc tế nào hỗ trợ. Hơn nữa, hòn đảo này không xuất hiện trong bất kỳ bảng xếp hạng chính thức nào mặc dù đứng thứ 20 hoặc 21 trong số các cường quốc kinh tế trên thế giới.
Tuy nhiên, những người khao khát việc Đài Loan được công nhận lại lo lắng về tác động của việc phá vỡ hiện trạng. Không thể tránh khỏi xung đột với Trung Hoa Đại Lục. Họ tự hỏi là một cái giá phải trả như vậy liệu có đáng hay không? Nhất là khi tình hình rốt cuộc không quá bất lợi cho người Đài Loan, vẫn duy trì được quan hệ song phương với nhiều nước. Và những lời đe dọa của Trung Quốc không gây ra hoảng loạn. Trong nhiều thập kỷ, người Đài Loan đã học cách sống chung với hiện trạng đó.
Le Figaro: Trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công, liệu trò chơi liên minh giữa Hoa Kỳ và Đài Loan có chắc chắn dẫn đến Chiến Tranh Thế Giới Thứ Ba hay không ?
Trái ngược với những gì Hoa Kỳ hàm ý cho hiểu, một cuộc xâm lược Đài Loan không nhất thiết phải kích hoạt phản ứng đối phó của Hoa Kỳ. Hiệp ước 40 năm tuổi ràng buộc hai bên không đóng vai trò như một nghĩa vụ quốc tế. Ngoài ra, bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ vào một nước ngoài dài hơn 60 ngày đều phải được Quốc Hội bỏ phiếu. Với tình trạng chia rẽ nội bộ hiện nay giữa đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa, sẽ khó đạt được sự đồng thuận.
Chính vì nhận thức rõ được điều này mà Đài Bắc lo ngại về độ xác tín trong các tuyên bố của đồng minh. Ngay từ năm 2005, khi chế độ Bắc Kinh thông qua luật chống ly khai, đe dọa can thiệp vũ trang ngay khi Đài Bắc có bước đầu tiên để hướng tới độc lập, chính phủ Đài Loan đã quay sang phía Mỹ để tìm kiếm những cam kết bảo vệ. Tổng thống Mỹ George Bush thời đó đã phản bác lại rằng nếu nguyên trạng bị phá vỡ do hành động khiêu khích từ phía Đài Loan, Hoa Kỳ sẽ dành quyền không can thiệp. Đó là một gáo nước lạnh dội trên đầu Đài Loan. Mức độ đáng tin cậy của đồng minh Mỹ bị hoài nghi, một sự lo lắng càng gia tăng sau những bước tháo chạy liên tiếp của Mỹ ở Trung Đông, rồi ở Afghanistan.
Cứ giả sử rằng Trung Quốc thực sự xâm lược Đài Loan trong vài ngày qua, liệu Mỹ có can thiệp hay không? Không có gì chắc chắn cả, bất chấp những cam kết của Joe Biden.
Le Figaro: Giáo sư có tin vào khả năng một lối thoát hòa bình cho vấn đề Đài Loan hay không?
Vào những năm 2000, một tình trạng ấm lên nhất định trong quan hệ Trung Quốc-Đài Loan từng khiến chúng ta tin vào khả năng đó. Năm 2009, một hiệp định thương mại tự do đã được ký kết giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Cùng năm đó, lần đầu tiên, người Trung Quốc được phép đến thăm Đài Loan. Hơn 5 triệu đã đến đó vào năm 2010. Hai đường bay trực tiếp đã được mở ra giữa Đài Bắc, Bắc Kinh và Thượng Hải.
Nhưng quan hệ hữu hảo đó đã chia rẽ người Đài Loan. Một số nhìn thấy trong đó khả năng có một giải pháp hòa bình để ra khỏi nguyên trạng. Một số khác vẫn cảnh giác, sợ rằng việc mở cửa cho Bắc Kinh tương đương với việc phơi bày bản thân trước lòng tham của Trung Quốc. Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Mã Anh Cửu bị cáo buộc là ngây thơ.
Nỗi sợ hãi đó đã hồi sinh vào năm 2013 với sự xuất hiện của Tập Cận Bình. Đối với nhà lãnh đạo mới của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, việc thống nhất với Đài Loan là một ưu tiên hàng đầu. Vào mùa xuân năm 2014, khi một dự thảo hiệp ước mới được đề xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho người Trung Quốc làm việc trên đảo, sinh viên Đài Loan đã đứng lên và chiếm đóng Quốc Hội. Đó là “Phong Trào Hoa Hướng Dương\” nổi tiếng. Hai năm sau, bà Thái Anh Văn, gương mặt tiêu biểu trong đảng ủng hộ độc lập được bầu làm tổng thống, củng cố thêm đà đoạn tuyệt với Bắc Kinh.
Trong mọi trường hợp, sự thống nhất mà chế độ Trung Quốc mong muốn chỉ có thể đạt được bằng vũ lực. Nhưng mặt khác, ngay cả khi quân đội Trung Quốc rất hùng mạnh, việc không có đường biên giới trực tiếp với Đài Loan – hai bên cách nhau một eo biển 130km – sẽ làm cho một cuộc xâm lược trở nên phức tạp. Đối với Bắc Kinh, chiến thắng không hề là điều chắc chắn!
(Giáo sư Barthélémy Courmont là giảng viên môn Lịch Sử tại Đại học Công Giáo Lille, miền bắc nước Pháp. Ông đồng thời là một chuyên gia địa chính trị, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS, chủ nhiệm chương trình Châu Á-Thái Bình Dương. Là một người sành sỏi về Đài Loan, nơi ông đã sống và làm việc 7 năm, Barthélémy Courmont đã nhiều lần tháp tùng theo các phái đoàn Thượng Viện Pháp đến thăm hòn đảo này).