Đăng ngày: 11/08/2022
Cuộc oanh kích của quân Nga, trong đêm ngày thứ Ba qua ngày thứ Tư 10/08/2022, tại khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporijia, 14 người chết và 13 người bị thương, theo chính quyền tỉnh Dnipropetrovsk.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời thống đốc tỉnh Dnipropetrovsk, ông Valentin Reznitchenkoa, phát biểu trên mạng Telegram, theo đó quân đội Nga dùng tên lửa đa nòng Grad oanh kích thị xã Marganets, đối diện với nhà máy hạt nhân, bên kia sông Dniepr, và ngôi làng Vychtchetarassivka. Sáng ngày 10/08, làng Kouchougoum gần đó cũng là mục tiêu tấn công của 4 tên lửa. Theo thống đốc tỉnh, bốn ngôi nhà dân đã ‘‘hoàn toàn bị phá hủy. Hàng chục ngôi nhà khác không còn mái, và cửa sổ. Điện và nước bị cắt đứt’’. Thống đốc tỉnh cho biết là tổng cộng 80 trái hỏa tiễn đã được bắn đi, và quân Nga ‘‘đã cố tình bắn vào một số khu dân cư, nơi nhiều người đang ngủ tại nhà mình’’.
Sau cuộc oanh kích nói trên, tối ngày 10/08, tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, trong buổi họp báo hàng ngày, tuyên bố ‘‘các đơn vị vũ trang Ukraina, các lực lượng tình báo và an ninh Ukraina sẽ có các biện pháp đáp trả sau cuộc tấn công của quân Nga nhắm vào thị xã Marganets.
Nhà máy Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Hôm qua, nhóm 7 cường quốc công nghiệp phát triển (G7) đã ra một thông cáo yêu cầu Nga ‘‘trao trả ngay lập tức’’ toàn bộ quyền kiểm soát hợp pháp nhà máy điện này cho chính quyền Kiev. G7 cảnh báo : Nếu Nga tiếp tục kiểm soát nhà máy điện nói trên, an ninh toàn khu vực sẽ ‘‘lâm nguy’’.
Trong tuần qua, hai chính quyền Kiev và Matxcơva cáo buộc nhau về việc khu vực nhà máy điện hạt nhân bị oanh kích. Hiện tại, không có nguồn tin độc lập nào để xác minh thông tin của các bên. Chiều hôm nay, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có cuộc họp khẩn về chủ đề này, theo một số nguồn tin ngoại giao. Cuộc họp diễn ra theo yêu cầu của Nga, theo một trong số các nguồn tin.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIEA), Rafael Grossi, đã thông báo với Hội Đồng Bảo An về tình trạng ‘‘hết sức nghiêm trọng’’ tại nhà máy điện hạt nhân. Về phần mình, tổng thống Ukraina cảnh báo nguy cơ xảy ra một tai nạn hạt nhân, như kiểu vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl, miền bắc Ukraina, vào năm 1986, dưới thời Liên Xô.