Đăng ngày: 11/08/2022
Đối sách của Trung Quốc trong hồ sơ Đài Loan và hỏa hoạn cùng với hạn hán ở Pháp là những chủ đề thu hút sự chú ý của các báo Pháp ra ngày hôm nay 11/08/2022.
Nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phân tích của cựu bộ trưởng Giáo Dục Luc Ferry về việc phương Tây có thực sự dám phát động chiến tranh với Trung Quốc hay không ? Nền dân chủ của Mỹ dường như thu hút được nhiều thiện cảm hơn chế độ độc tài của Trung Quốc hay Nga. Chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc ngày nay, tuy bớt khắc nghiệt hơn thời chủ tịch Mao Trạch Đông, nhưng vẫn là một chế độ rất hà khắc đối với đại đa số các nước phương Tây. Tổng thống Nga Putin cũng bị phương Tây mô tả là một nhà độc tài không hơn không kém.
Nhưng tất cả những điều này có thể biện minh cho mong muốn của Mỹ trở thành « hiến binh » hay « giám sát công lý » trên thế giới hay không, điển hình là chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Bởi chuyến thăm này của bà Pelosi dường như không có tác dụng nào khác ngoài việc khiến Trung Quốc xích lại gần Nga hơn vào thời điểm có thể nói là xấu nhất. Ngoài ra giờ đây, cả các nền dân chủ lẫn chế độ độc tài đều có những vũ khí hủy diệt có thể khiến thế giới bị diệt vong. Do vậy, Mỹ thực sự không còn đủ khả năng để có thể tự mình tuyên bố thống trị thế giới. Ngày nay, Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh « từ xa » chống lại Nga, thông qua Ukraina bằng việc viện trợ quân sự nước này và trừng phạt kinh tế Matxcơva. Chính quyền Mỹ sẽ không liều lĩnh có một cuộc xung đột trực tiếp với Nga bởi điều đó có nguy cơ khiến nước này sử dụng vũ khí hạt nhân. Hiroshima hay Nagasaki sẽ chỉ là quá khứ, bởi thật khó tưởng tượng rằng một quốc gia dân chủ ngày nay lại có thể quyết định san bằng cả một thành phố, cho dù đó có là thành phố của kẻ thù. Hành động này chắc chắn sẽ bị thế giới lên án và thủ phạm chắc sẽ bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh.
Ngay cả khi đối mặt với một Afghanistan nhỏ bé, Hoa Kỳ đã phải cuốn gói về nước. Vậy trước một Trung Quốc hiện đang gần gũi với Nga, họ có thể làm gì ? Cựu tổng thống Pháp Charles de Gaulle từng nói : \”Không thể tránh khỏi việc một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ cảm thấy đủ mạnh để đòi lại các khu vực mà họ đã từng phải nhượng. Vào thời điểm đó, chúng ta nên đứng ngoài cuộc. Thật vô lý khi chúng ta không có quan hệ với quốc gia đông dân nhất thế giới, đơn giản vì chế độ độc tài của họ không làm vừa lòng Hoa Kỳ”.
Vậy Hoa Kỳ sẽ làm gì vào thời điểm Trung Quốc quyết định sáp nhập Đài Loan, và đây có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian ? Ông Ferry nhận định rằng Washington sẽ khó lòng có thể đáp trả trực diện, nhất là về mặt kinh tế và thương mại, Hoa Kỳ cũng đang rất phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trung Quốc tiếp tục gây áp lực với Đài Loan
Vẫn về chủ đề Đài – Trung, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết về các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan đã chính thức kết thúc nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì sự hiện diện của quân đội xung quanh hòn đảo.
Juliette Genevaz, phó giáo sự tại Học viện về Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương (INALCO) nói : “Kể từ năm 2008, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã sử dụng quân đội để tạo ra sự cân bằng quyền lực mới trong khu vực. Đặc biệt là ở khu vực Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đã gần như quân sự hóa hoàn toàn từ năm 2009. Tôi nghĩ là chính quyền Trung Quốc đang muốn đóng vai « cảnh sát » của các vùng biển lân cận, và ở đó chúng ta đã thực sự bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới\”.
Quân Giải phóng Nhân dân đang ở giai đoạn cuối của một quá trình cải cách lớn, được khởi động vào năm 2015, nhằm thực hiện những điều chỉnh cơ cấu cần thiết, 20 năm sau khi tăng ngân sách quốc phòng. Bà Genevaz giải thích rằng cuộc cải cách này đã bị trì hoãn một chút vì đại dịch, nhưng bộ chỉ huy đã được cơ cấu lại, 7 vùng quân sự đã trở thành 5 khu chỉ huy và Trung Quốc đã chia 4 tổng hành dinh thành 15 tiểu ban trực thuộc quân ủy trung ương. Đối với Bắc Kinh, việc phô trương vũ lực đối với Đài Loan là một minh chứng cho quyết tâm sử dụng vũ lực của họ.