13 tháng 8 2022
Minh Thư
BBC News Tiếng Việt
Như đã kể trong kỳ một bài viết, sau khi rời Kyiv giữa làn đạn pháo, gia đình chị Nguyễn Thu Hương không tính đến chuyện về Việt Nam vì tiếng Việt của hai con gái không đủ giỏi để có thể theo học ở quê nhà.
Luôn mong muốn được sang tỵ nạn ở một nước nói tiếng Anh để thuận lợi cho việc học hành của hai con, gia đình chị lúc đầu đã làm hồ sơ xin đi Canada vì nghe nói “Canada có chính sách tiếp nhận người Ukraine rất thoáng.\”
Nhưng nhiều tuần kể từ ngày nộp đơn, gia đình vẫn chỉ nhận được câu trả lời ‘bạn hãy tiếp tục chờ thêm’. Chị đoán rằng có lẽ hồ sơ của gia đình chị bị đẩy xuống sau vì mặc dù hai con gái có quốc tịch Ukraine, hai vợ chồng chị vẫn mang quốc tịch Việt Nam.
Vận may đến với gia đình khi một người bạn học cùng chị từ thời phổ thông ở Việt Nam giúp chị Hương kết nối với một người quen sống ở Anh và được người này giúp làm hồ sơ.
“Chuyện nhà tôi sang Anh thật đúng như một câu chuyện cổ tích. Sao lại có những ông bụt bà tiên xuất hiện trong đời mình như thế. Nhà mình chắc là một trong số hiếm hoi gặp được sự may mắn như thế,” chị Hương tâm sự.
Được cấp visa sang Anh “với một tình cảm trân trọng”
Thời gian đầu khi cuộc chiến ở Ukraine mới nổ ra, chính phủ Anh bị chỉ trích mạnh về sự chậm chạp trong việc làm thủ tục để tiếp nhận người lánh nạn từ Ukraine sang. Tôi đã nghe chuyện nhiều người Ukraine, dù có người bảo lãnh ở Anh, đã phải chờ đợi nhiều tuần mới được cấp visa sang đoàn tụ với người thân.
Trải nghiệm cá nhân của chị Hương cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.
Chị cảm nhận được sự thân thiện và lịch sự của người Anh ngay từ những bước làm thủ tục xin visa đầu tiên.
Trường hợp của gia đình chị được giải quyết rất nhanh và chuyên nghiệp với những hướng dẫn chi tiết từng bước.
Đúng chín ngày sau khi nộp hồ sơ, cả gia đình đã nhận được visa để sang Anh sống trong ba năm.
“Họ không chỉ cấp visa cho mình mà còn làm điều đó với một tình cảm rất trân trọng,” Nguyễn Thu Hương kể.
Visa điện tử cho các con chị được cấp với một lá thư đi kèm, trong đó có một dòng làm cho chị Hương \’vô cùng xúc động\’.
“Họ nói chính phủ Anh mong muốn rằng những ngày tháng các bạn lưu lại ở Anh sẽ để lại trong trái tim các bạn những dấu ấn đẹp đẽ nhất về nước Anh. Nước Anh sẽ luôn luôn ở bên cạnh các bạn không chỉ với sự tôn trọng mà còn cả lòng ngưỡng mộ một dân tộc anh hùng.”
Nghe chị Hương kể chuyện với tấm lòng biết ơn và cảm kích về nước Anh, tôi thấy mừng là sau những lúng túng ban đầu, chính phủ Anh đã điều chỉnh cách tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Và những người không may phải bỏ lại cuộc sống bình yên ở Ukraine như gia đình chị đã có những trải nghiệm dễ chịu trong quá trình xin visa.
Nước Anh ‘ưu ái cho người từ Ukraine sang’
Vừa đến Anh, gia đình chị Hương ngay lập tức nhận giấy báo rằng trong vòng một tuần họ sẽ được nhận thẻ định cư có giá trị trong 3 năm, và nơi họ cần đến để nhận thẻ.
“Nước Anh làm rất bài bản và chuyên nghiệp. Họ không để mình phải đợi. Tất cả các thủ tục khác đều được hỗ trợ nhanh như thế, ” chị Hương nhận xét.
Được biết về tài chính, khi mới sang Anh, gia đình được nhận một khoản trợ cấp 800 bảng Anh. Sau đó hàng tháng, họ được nhận 300 bảng/người, chính sách chung cho tất cả những người di dân từ Ukraine đến.
Những ai không tìm được việc có thể xin thêm trợ cấp thất nghiệp và xin hỗ trợ tiền thuê nhà nếu cần.
Chính quyền địa phương cũng gửi giấy mời họ đi học các lớp tiếng Anh miễn phí.
Họ cũng có thể học các lớp ở trường cao đẳng Sutton nơi họ sống như kế toán, quản lý trường học, nhiếp ảnh, nghệ thuật trang điểm vv Các khóa học này thường dành cho những người thất nghiệp, hay có thu nhập thấp dưới 21.000 bảng Anh. Những người từ Ukraine sang được đối xử y như các công dân Anh.
“Nước Anh đã rất ưu ái cho những người từ Ukraine sang”, chị kết luận.
Và sự ưu ái đó không dừng lại ở phía chính quyền. Chị Hương và gia đình đã gặp rất nhiều những tấm lòng tốt của người Anh từ khi sang đây.
Ở Kyiv, hai con gái chị, Dasha và Sonia, từng theo học âm nhạc và đã đoạt giải một số cuộc thi tài năng ở Ukraine. Mong muốn cho các con được tiếp tục học nhạc, nhưng trong hoàn cảnh đi tỵ nạn, gia đình không thể tự trả học phí (mà có trường đến 50.000 bảng Anh/năm).
Nhờ người tiếp nhận kết nối, Nguyễn Thu Hương đã được giới thiệu tới một trường nhạc ở gần đó để xin học bổng. Tuy đã hết học bổng năm nay, nhà trường cho mượn một phòng học và hai thầy giáo đã dạy violon và piano miễn phí cho Dasha và Sonia.
Chị Hương cũng tiếp cận Guildhall School of Music and Drama (Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Guildhall), một trong những trường dạy nhạc và kịch nghệ nổi tiếng nhất ở Anh.
Dù đã hết thời hạn nhận hồ sơ cho năm học tới, hiệu trưởng trường đồng ý mở một cuộc thi riêng vào tháng Chín cho hai bé. Nếu thi đạt những yêu cầu của nhà trương, hai cháu sẽ được nhận học bổng.
Vẫn mong ngày trở về ‘quê hương Ukraine‘
Vì đã từng sống ở Ukraine 20 năm, nơi chị Hương thấy ‘còn quen thuộc hơn ở Việt Nam‘, người phụ nữ tỵ nạn vẫn mong lâu dài sẽ trở về đó sinh sống, mặc dù chị trân trọng cơ hội cho con cái có môi trường học hành tốt ở Anh.
“Khi các con lớn hơn một chút và có thể tự lập được, thì chắc mình sẽ về Ukraina, bởi vì đấy mới là quê hương thực sự của mình,” chị Hương bộc bạch.
“Khi mình phải đi như thế này, mình cảm giác rằng mình đã rời xa quê hương. Đến Anh mọi thứ rất lạ lẫm và phải bắt đầu lại từ đầu.
“Ở tuổi này, thực ra mình không muốn đi, vì các con mà đi thôi.”
Khi được hỏi về cảm xúc về cuộc chiến đang diễn ra, chị Hương nói với tôi chị đã được xem nhiều video những người lính Nga tuyệt vọng ở chiến trường Ukraine như thế nào.
“Thực sự mình xem mình đã chảy nước mắt. Mình rất thương những người lính trẻ phải dấn thân vào cuộc chiến mà không biết mục đích của họ là gì.
“Họ bị lừa tham gia vào cuộc chiến mà không biết họ sẽ phải đối diện với việc giết người,”
“Giá như cuộc chiến này chấm dứt được sớm thì đỡ được sự hy sinh của bao nhiêu người.
“Đây thật là một cuộc chiến vô nghĩa. Như mình, hôm nay ở Anh, thực sự là nạn nhân của cuộc chiến tranh chứ mình không định sang đây.“
Dù có một khởi đầu hết sức thuận lợi ở nước Anh, Nguyễn Thu Hương vẫn đau đáu theo dõi tình hình ở Ukraine với tâm trạng buồn và âu lo.
Chị chia sẻ là chị vẫn rất nhớ nhà – nhà ở đây không chỉ là Việt Nam mà là Ukraine.
Chia tay chị Hương, tôi mong chị và gia đình sớm ổn định và hòa nhập với cuộc sống mới ở Anh.
Một ngày nào đó, nước Anh sẽ trở thành quê hương thứ ba của chị, tôi tin vậy.