Đăng ngày: 12/08/2022
Theo chân láng giềng Litva vào năm ngoái, hôm qua 11/08/2022, hai nước Baltic còn lại là Latvia và Estonia đã loan báo rút ra khỏi diễn đàn hợp tác Trung Quốc – Trung và Đông Âu, với Bắc Kinh nắm vai trò chủ đạo. Quyết định của Latvia và Estonia là một thất bại mới của Trung Quốc trong ý đồ được cho là “chia để trị” nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu.
Trong một bản tuyên bố, bộ Ngoại Giao Latvia xác định rằng việc họ tiếp tục tham gia vào cơ chế hợp tác với Trung Quốc không còn phù hợp với các mục tiêu chiến lược hiện nay của Latvia trong môi trường quốc tế hiện nay.
Hãng tin Mỹ AP trích dẫn bản thông cáo ghi rõ: “Theo các ưu tiên hiện tại trong chính sách đối ngoại và thương mại của mình, Latvia đã quyết định ngưng tham gia khuôn khổ hợp tác giữa các nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc”.
Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao Latvia khẳng định là vẫn cố gắng duy trì “các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực tế với Trung Quốc, cả trên bình diện song phương lẫn thông qua hợp tác Liên Âu-Trung Quốc dựa trên lợi ích chung”, nhưng trên cơ sở “tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế”.
Bộ Ngoại Giao Estonia cũng đưa ra một tuyên bố tương tự, đồng thời nhắc lại rằng họ đã tham gia nhóm nước Trung và Đông Âu hợp tác với Trung Quốc từ năm 2012, nhưng đã thôi không tham dự bất kỳ cuộc họp nào của nhóm này từ sau thượng đỉnh vào tháng 2 vừa qua.
Litva là nước đầu tiên tẩy chay nhóm hợp tác này sau khi bị Trung Quốc trừng phạt vì đã cho phép Đài Loan mở văn phòng tương đương với một đại sứ quán tại thủ đô Vilnius.
Nhóm quốc gia mà cả ba nước Baltic rời bỏ mang tên chính thức là Diễn Đàn Hợp Tác Trung Quốc với Trung và Đông Âu, được Bắc Kinh thành lập vào năm 2012, thoạt đầu được gọi là 16+1, sau đó trở thành 17+1 khi Hy Lạp tham gia vào năm 2019.
Với việc cả ba quốc gia Baltic bỏ đi, nhóm 17+1 như vậy chỉ còn là 14+1, trong đó vẫn có 9 nước Liên Âu là Ba Lan, Bulgari, Croatia, Cộng Hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Rumani, Slovakia và Slovenia, cùng với 5 nước ngoài Liên Âu là Albani, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia.
Trung Quốc được cho là đã thiết lập diễn đàn này để tăng cường quan hệ với các thành viên EU cũng như với Serbia và các nước khác, qua đó phát triển sáng kiến « Một Vành Đai Một Con Đường », trên lục địa châu Âu.
Theo AP, diễn đàn đã bị chỉ trích là nằm trong một chiến dịch rộng lớn của Bắc Kinh để cùng với Nga, lợi dụng những bất đồng giữa các quốc gia nhằm phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Đối với AP, động thái rời bỏ nhóm hợp tác của Latvia và Estonia có thể xuất phát từ việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Nga, nước mà cuộc xâm lược Ukraina được coi là bước đầu tiên trong ý đồ chinh phục trở lại các nước từng là một phần của Liên Xô, trong đó có ba quốc gia Baltic.