Do căng thẳng Ấn-Trung, New Delhi vẫn mập mờ về chính sách “Một nước Trung Hoa”

Đăng ngày: 16/08/2022

\"\"
\"\"
Ảnh tư liệu : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) bắt tay thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 27/04/2018. India\’s Press Information Bureau/Handout via REUTERS

Thu Hằng

Quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc « không thể bình thường vì tình hình biên giới không bình thường ». Phát biểu tại Bangalore ngày 12/08/2022, ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nhận định nếu Trung Quốc làm xáo trộn hòa bình và ổn định ở các khu vực biên giới, điều đó sẽ tác động nhiều hơn đến quan hệ song phương. Những bất đồng về biên giới Ấn-Trung dường như khiến New Dehli thêm mập mờ về nguyên tắc « Một nước Trung Hoa 

Trả lời câu hỏi của thông tín viên Tân Hoa Xã trong buổi họp báo cùng ngày với ngoại trưởng Jaishankar, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Ấn Độ chỉ nhắc chung chung : « Các chính sách của Ấn Độ đã được biết đến và vẫn nhất quán. Không cần phải nhắc lại ». Theo giáo sư C RaJa Mohan, Viện Chính sách Xã hội châu Á New Delhi, hiện là giáo sư khách mời của Viện Nghiên cứu Nam Á (ISAS), trường Đại học Quốc gia Singapore, « đằng sau việc từ chối tái khẳng định chính sách « Một nước Trung Hoa » ẩn dấu sự thay đổi tương đối về lập trường của Ấn Độ ».

Ấn Độ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngay từ năm 1950, cắt đứt quan hệ với Đài Loan, ủng hộ CHND Trung Hoa thay Đài Loan ở Liên Hiệp Quốc và sau đó liên tục ủng hộ chính sách « Một nước Trung Hoa » dù chính quyền Bắc Kinh sáp nhập Tây Tạng. Chỉ đến năm 1995, Ấn Độ mới tái lập quan hệ với Đài Loan, nhưng luôn chú ý duy trì ở cấp độ thấp hơn để tránh làm phật lòng Bắc Kinh.

Nhưng từ gần 20 năm nay, New Delhi đã bớt mặn mà ủng hộ nguyên tắc « Một nước Trung Hoa », phát biểu cuối cùng là vào năm 2008. Tình hình căng thẳng ở biên giới với những cuộc xung đột thường xuyên xảy ra, thậm chí là xung đột đẫm máu, vào những năm 2013, 2014, 2017 và 2019 đã phá hủy thời kỳ hòa bình và ổn định ở biên giới hai nước. Theo giáo sư RaJa Mohan, sự thay đổi rõ nét nhất là vào năm 2014, khi ông Narendra Modi trở thành thủ tướng. Dù ông muốn có mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh, nhưng đảng BJP của ông, nổi tiếng với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, không muốn bị lép về trong vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong cuộc họp đầu tiên với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tháng 06/2014, ngoại trưởng Ấn Độ Swaraj đã yêu cầu Trung Quốc phải làm tương tự với chính sách « một nước Ấn Độ duy nhất » vì Ấn Độ « ủng hộ chính sách nước Trung Hoa duy nhất ». Một mặt, New Delhi bất bình về những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với những vùng đất mà Ấn Độ cũng khẳng định sở hữu. Mặt khác, Ấn Độ cũng cáo buộc Trung Quốc can thiệp chuyện nội bộ khi ủng hộ mạnh mẽ Pakistan về vấn đề chủ quyền đối với vùng Jammu và Kashmir.

Khi được hỏi nhân kỉ niệm 3 năm thay đổi hiến pháp về Kashmir trong buổi họp báo ngày 03/08, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, nhắc lại là « ba năm trước, cũng như hiện nay, chúng tôi nhắc lại rằng các bên liên quan cần phải kiềm chế và thận trọng, đặc biệt là các bên tránh đưa ra các biện pháp đơn phương làm thay đổi nguyên trạng hoặc làm leo thang căng thẳng ».

Người phát ngôn của Ấn Độ đã đọc lại đúng lời phát biểu của Trung Quốc khi được hỏi về tình hình căng thẳng Đài Loan. Ấn Độ là một trong 50 nước kêu gọi ngừng các hành động làm thay đổi nguyên trạng ở eo biển Đài Loan. Đài Bắc khẳng định tiếp tục duy trì « trao đổi và phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và tất cả các nước có chung cách nhìn, trong đó có Ấn Độ, để cùng bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật pháp và bảo vệ an ninh ở eo biển Đài Loan ».

Về lập trường liên quan đến nguyên tắc « Một nước Trung Hoa », theo giáo sư RaJa Mohan, New Delhi không chính thức từ bỏ, nhưng cũng không sẵn sàng tái khẳng định trong bối cảnh xung đột gia tăng với Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền. Theo ông, New Delhi và Đài Bắc có lẽ đang muốn tạo một đối trọng ổn định ở châu Á để có thể kìm hãm tham vọng của Bắc Kinh trong việc thay đổi nguyên trạng chủ quyền ở châu Á. Cả hai tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với Washington và các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, chính sách hợp tác giữa New Delhi và Đài Bắc, cũng như các chính sách về an ninh có lẽ vẫn là một thách thức trong ngắn hạn.

Bài Liên Quan

Leave a Comment