Đăng ngày: 16/08/2022
Các báo giấy của Pháp trở lại sau ngày nghỉ lễ với chủ đề quốc tế chính là hai sự kiện : Một năm sau ngày Mỹ và đồng minh phương Tây rút quân khỏi Afghanistan. Nhà văn Salman Rushdie bị mưu sát sau hơn ba chục năm bị đeo bám bởi « giáo lệnh » của lãnh tụ Hồi giáo Iran Khomeyni, đòi lấy mạng ông chỉ vì vài chi tiết liên quan đến nhà tiên tri Mohammed trong cuốn tiểu thuyết của ông
Afghanistan một năm sau khi Taliban trở lại cai trị đất nước là sự kiện chính của nhật báo Công Giáo La Croix. Theo tờ báo, đó là một đất nước tiếp tục chìm sâu vào đói nghèo, bị quốc tế cô lập, thân phận của người phụ nữ ngày càng tồi tệ hơn bởi các luật lệ hà khắc của Taliban.
Người dân Afghanistan sống sót thế nào dưới chế độ của Taliban là mối quan tấm chính của La Croix. Phóng viên của La Croix ghi nhận, từ ngày 15/08/2021, ngày Taliban trở lại thủ đô Kaboul cũng là ngày họ chính thức nắm chính quyền kiểm soát đất nước. Từ đó đến nay, người Afghanistan phải đối mặt với hàng loạt các lệnh cấm trong đời sống hàng ngày. Đại đa số dân sống dưới ngưỡng nghèo đói, chỉ biết trông đợi vào viện trợ khẩn cấp, trong khi đó nguồn viện trợ phát triển vẫn bị các trừng phạt quốc tế phong tỏa. Các nguồn cứu trợ cho người dân Afghanistan không thiếu, nhưng luôn vấp phải những trở ngại từ cấm vận kinh tế. Theo La Croix, từ một năm nay, khủng hoảng kinh tế kịch phát ở Afghanistan. Các định chế ngân hàng bị tê liệt đặt ra nhiều thách thức cho các tổ chức nhân đạo.
Còn với chính quyền ? Trong bài « Một Nhà nước bị cắt khỏi hệ thống tài chính quốc tế », La Croix ghi nhận : Từ khi Taliban lên nắm quyền, ngân sách quốc gia đã giảm đi 3 lần. Aghanistan không còn được nhận viện trợ nước ngoài, ngân hàng trung ương bị phong tỏa tài sản. Để có tiền chi tiêu, chế độ Taliban giờ chủ yếu trông chờ vào nguồn thu thuế ở biên giới.
La Croix cho biết : « Từ một năm nay, Afghanistan phải đối mặt với hàng loạt cú sốc, đất nước chìm sâu vào trong hoàn cảnh kinh tế thê thảm. » Viện trợ của phương Tây bị ngừng, đồng tiền mất giá, lạm phát tăng vọt, 30% từ tháng 8/2021 theo Ngân Hàng Thế Giới. Thu nhập trung bình của người dân bị giảm một nửa, trong khi đó 70% hộ gia đình sống trong nghèo khó.
Hiện có khoảng 9 tỷ đô la dự trữ của Afghanistan nằm ở nước ngoài, trong đó riêng ở Hoa Kỳ là 7 tỷ. Nguồn tiền này đã bị phong tỏa. Taliban tìm nhiều cách để thương lượng thu hồi, nhưng tháng 2 năm nay, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh lấy một nửa số tiền trên để bồi thường cho các nạn nhân của loạt vụ khủng bố 11/09.
Nhật báo kinh tế Les Echos có bài : « Afghanistan nghèo và khép kín hơn bao giờ hết một năm sau Kabul thất thủ ».
Tờ báo ghi nhận, sau một năm cầm quyền, rõ ràng Taliban đã thất bại, không thể khôi phục trở lại nền kinh tế Afghanistan, chỉ còn trông đợi vào viện trợ nhân đạo.
Về chính trị, vẫn theo Les Echos, đến giờ không có một nước nào công nhận chính thức chế độ Taliban ở Afghanistan, dù có thực dụng đến thế nào. Những tháng gần đây, một số nước phương Tây mở văn phòng đại diện là vì muốn duy trì các liên lạc, tiếp xúc với « chính quyền thực tại » trên các hồ sơ như khủng bố, di dân và viện trợ nhân đạo.
Vụ mưu sát Salman Rushdie : Hận thù đeo bám
Một sự kiện khác làm náo động truyền thông quốc tế từ vài ngày qua đó là vụ mưu sát nhà văn Salman Rushdie, tác giả cuốn tiểu thuyết « Những vần thơ của quỷ Satan ». Tác phẩm văn học của ông bị người Hồi Giáo coi là sự báng bổ với nhà tiên tri Mohammed của họ và cũng vì thế mà ông bị treo án tử cách đây 33 năm bởi một giáo lệnh fatwa của lãnh tụ tôn giáo tối cao Iran Khomeyni.
Nhật báo Le Figaro nhận định : « Vụ mưu sát Salman Rushdie, những mập mờ của chế độ Iran ». 33 năm sau giáo lệnh fatwa của giáo chủ Khomeyni kết án tử hình tác giả của « Những vần thơ của quỷ Satan », chính quyền Iran phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công nhà văn hôm 13/08 vừa rồi tại New York. Tuy nhiên, Le Figaro nhận thấy, « 30 năm sau mối hận thù của chế độ Iran vẫn dai dẳng ».
Le Figaro cho biết, mặc dù còn phải làm sáng tỏ động cơ của kẻ tấn công Salman Rushdie, nhưng rõ ràng sự hận thù vẫn dai dẳng bám đuổi nhà văn người gốc Ấn Độ, từ khi fatwa được tuyên bố cách đây hơn 30 năm. Dường như chính sự hận thù đó đã khích lệ kẻ tấn công người gốc Liban, Hadi Matar ,ra tay hành động.
Tờ báo nhắc lại, khi Salman Rushdie xuất bản cuốn tiểu thuyết « Những vần thơ của quỷ Satan » năm 1988, chắc hẳn ông không nghĩ là cuộc sống của mình sẽ bị gặp nguy hiểm như vậy. Vừa ra mắt tại Anh, cuốn sách đã gây một phản ứng dữ dội theo dây chuyền lớn chưa từng có trong thế giới Hồi giáo. Đã có nhiều cuộc biểu tình lớn của người Hồi giáo ở khắp nơi trên thế giới, đốt sách và đòi « treo cổ Rushdie ». Các cơ sở Mỹ ở khắp nơi bị tấn công. Vài tháng sau, tháng 02/1989, giáo chủ Khomeyni đổ thêm dầu vào lửa, ra giáo lện,h kêu gọi đồng thời treo thưởng 3 triệu đô la cho bất kỳ người Hồi Giáo nào trên thế giới giết chết nhà văn, bị coi là kẻ báng bổ đạo của họ. Vào thời điểm đó, giáo chủ Khomeyni đang nắm quyền sau khi vua Iran bị lật đổ trước đó 10 năm, tìm cách khẳng định tiếng nói và vai trò của mình trong thế giới Hồi Giáo cũng như trên trường quốc tế. Theo nhiều chuyên gia , đó là một trong những lý do chính để vị giáo chủ Iran này ra giáo lệnh nói trên. Nhưng thông điệp của giáo chủ Iran đã gây một hiệu ứng lây lan chưa từng có trên khắp thế giới. Tất cả những gì liên quan đến cuốn sách và tác giả đều bị những kẻ cuồng tín nhất tấn công. Trong đó đặc biệt có vụ dịch giả cuốn sách người Nhật bị sát hại. Tác giả Salman Rushdie phải sống trong bí mật và được bảo vệ an ninh. Thời gian trôi đi, cùng những thay đổi chính trị, năm 2002 nhà văn được trở lại cuộc sống gần bình thường, vẫn đưới sự bảo vệ của an ninh Mỹ. Thế nhưng lưỡi hái tử thần của fatwa vẫn treo lơ ửng trên đầu nhà văn.
Xã luận báo La Croix đánh giá « Salman Rushdie là một biểu tượng sống cho cuộc đấu tranh vì tự do ngôn luận. Dưới sự đe dọa của khủng bố, ông vẫn tiếp tục bảo vệ cái quyền thiết yếu cho phẩm giá con người và cho đời sống xã hội ».
Trong khi đó, báo Libération đăng tải những ý kiến của nhà văn tại một số nước ca ngợi đồng nghiệp Rushdie là một nhà văn can đảm, đã không nhân nhượng chút nào trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tạo của nhà văn.