2022.08.16
RFA
Ông Y Wô Niê trong phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 5/2022
Trong phiên toà phúc thẩm vào sáng thứ ba ngày 16/8, Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk bác bỏ kháng cáo của nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo Y Wô Niê (hay còn có tên gọi khác là Ama Quynh), giữ nguyên bản án bốn năm tù giam.
Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho vị chấp sự của Hội thánh Tin Lành Việt Nam tại địa phương thì phiên toà này chỉ kéo dài hai giờ đồng hồ và quyết định y án có hiệu lực ngay lập tức.
Phiên tòa \”ba không\”
Ông Y Wô Niê, 52 tuổi, người sắc tộc Ê Đê, sẽ phải ngồi tù bốn năm theo tội danh “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự như bản án sơ thẩm đưa ra bởi Tòa án Nhân dân huyện Cư Kuin trong phiên toà ngày 20/5.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho Đài Á Châu Tự Do biết thân chủ của ông đã thay đổi kháng cáo trong một phiên tòa \”ba không.\”
“Ông ấy thay đổi kháng cáo từ xin giảm nhẹ hình phạt thành kêu oan, ông nói rằng ông không có tội, không vi phạm theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Phiên toà diễn ra không có giám định viên tư pháp, không có nhân chứng, không có thân nhân, chỉ có bị cáo, luật sư và người phiên dịch tiếng Ê Đê-tiếng Việt.”
Vị luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết vợ và người thân của ông Y Wô Niê không được vào phòng xử án, nên họ cùng hơn 100 người Ê Đê khác đứng trong sân của trụ sở Toà án tỉnh.
Luật sư Miếng cho biết ông đề nghị triệu tập hai giám định viên của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk và một viên chức ngoại giao của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng không được toà chấp nhận.
Cáo trạng buộc tội ông Y Wô Niê cũng thể hiện việc đại diện Đại Sứ quán và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam gặp nhà hoạt động này tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai hồi tháng 6/2020, tuy nhiên Hội đồng xét xử tránh nhắc đến nội dung này.
Cách hành xử đối với cộng đồng Tin lành Tây Nguyên
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một cựu tù nhân lương tâm từ TPHCM nhận định, bản án như được định đoạt từ trước và không mang tính chất bảo vệ luật pháp căn cứ vào tranh tụng tại toà. Ông nói:
\”Khi bị can kêu oan thì mình phải xét để luật sư trình bày lý do kêu oan, tính độc lập của toà phải dựa trên sự tranh luận tại toà giữa luật sư và bên công tố và chứng cứ, điều này phiên toà không có và việc y án là điều rất tiếc.
Một nền tư pháp cho đến bây giờ việc cải cách chưa đi vào hiệu quả và vẫn nhắm vào thành phần bất đồng chính kiến và ai là người có ý thức khác biệt thì bị xử nặng, nhất là liên quan đến vấn đề Tây Nguyên và cách hành xử của cơ quan công quyền đối với cộng đồng Tin lành ở Tây Nguyên.”
Luật sư Miếng cũng chỉ ra sự bất thường của nội dung giám định các tài liệu dùng làm căn cứ xét xử ông Y Wô Niê:
“Bản giám định của Sở Thông tin và Truyền thông là không đúng theo quy định, thực chất bản giám định đó là do hai giám định viên của Sở Thông tin và Truyền thông tự giám định, ký tên rồi mang ra phường xác nhận.
Tuy nhiên, khi đọc bản giám định thì nó giống tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao còn phần kết luận giống y chang như bản cáo trạng.”
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân tỉnh Đắk Lắk nêu rõ, ông Y Wô tự tay viết ba bản báo cáo nhân quyền, chụp lại và gửi qua ứng dụng WhatsApp cho \”các đối tượng phản động ở nước ngoài.\”
Luật sư Miếng nói các tài liệu này gồm một bản về vi phạm quyền tự do tôn giáo thì nội dung trong báo cáo thể hiện gửi cho “Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc” và“Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.”
Hai bản báo cáo còn lại là \”Về tình hình tôn giáo, nhân quyền của người sắc tộc Ê Đê ở Tây Nguyên,” và “Về tình hình tự do tôn giáo nói chung và nói riêng cho người sắc tộc ở cao nguyên Trung phần.\”
Ông Y Wô Niê bị bắt vào tháng 9/2021 vì các hoạt động phản ánh tình trạng tự do tôn giáo ở khu vực nơi ông sinh sống.
Các hành động của ông Y Wô Niê bị kết luận là “gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước, làm giảm niềm tin của quần chúng vào chế độ, và ảnh hưởng đến hình ảnh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ ngoại giao quốc tế.”
Đây là lần đi tù thứ hai của ông Y Wô Niê. Ông từng bị tuyên phạt 9 năm tù về tội danh “Phá hoại chính sách đoàn kết,” một điều luật thường hay sử dụng để cầm tù những người hoạt động đòi tự do tôn giáo trong nhiều nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.
Báo cáo về tự do tôn giáo gần đây của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng chỉ trích Chính phủ Việt Nam đàn áp các nhóm tôn giáo của người Thượng ở Tây Nguyên.
Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, hiện có hơn 60 nhà hoạt động về tự do tôn giáo đang bị cầm tù với những bản án dài hạn theo tội danh “Phá hoại chính sách đoàn kết.” Đa số họ là người theo đạo Tin lành từ nhiều sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên.