42 quốc gia kêu gọi quân đội Nga rút khỏi nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

\"42

Cơ sở hạt nhân lớn nhất của Ukraine do Nga chiếm giữ, đang có nguy cơ nghiêm trọng về một thảm họa hạt nhân. Bức ảnh chụp cảnh một binh sĩ Nga đứng gác trên lãnh thổ bên ngoài lò phản ứng thứ hai của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Ukraine, hôm 1/5/2022. (Nguồn:Andrey Borodulin/Getty Images)

42 quốc gia kêu gọi quân đội Nga rút khỏi nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

 Bình luậnHuyền Anh • 17/08/22

Hôm thứ Hai (15/8), 42 quốc gia từ Hoa Kỳ, Châu Âu, Châu Á và các khu vực khác trên thế giới đã ký một tuyên bố kêu gọi Nga rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Ukraine. Các quốc gia lưu ý rằng sự hiện diện của Nga gây ra \”mối nguy hiểm to lớn\” đối với an ninh hạt nhân ở Ukraine và trên toàn cầu.

Đài Châu Âu Tự do đưa tin rằng tuyên bố, được công bố trên một trang web của Liên minh châu Âu (EU) hôm 14/8, lên án hành động gây hấn vô cớ của Nga ở Ukraine. Tuyên bố khẳng định, việc quân đội Nga đóng tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu khiến chính quyền không thể thực hiện nghĩa vụ an toàn hạt nhân và nghĩa vụ an toàn bức xạ.

\”Không thể phủ nhận rằng cuộc xâm lược của Nga và sự hiện diện liên tục của họ tại các cơ sở hạt nhân của Ukraine đã làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra tai nạn và thảm họa hạt nhân\”, theo tuyên bố.

\”Chúng tôi kêu gọi Liên bang Nga ngay lập tức rút quân cùng tất cả nhân viên trái phép khác khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, các khu vực lân cận và trên toàn lãnh thổ Ukraine để chính quyền Ukraine có thể nối lại trách nhiệm chủ quyền của họ trong biên giới được quốc tế công nhận và hợp pháp các nhiệm vụ của họ mà không có sự can thiệp, đe dọa từ bên ngoài hoặc điều kiện làm việc tồi tệ không thể chấp nhận được\”, tuyên bố cho biết.

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine bị bắn phá trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm

Theo tờ Reuters, nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở miền nam Ukraine đã hứng chịu một trận pháo kích kinh hoàng vào cuối tuần qua. Điều này mở ra khả năng xảy ra một vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng, chỉ cách địa điểm xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, thảm họa Chernobyl năm 1986, 500 km (khoảng 300 dặm).

Khu vực này đang bị chiếm đóng bởi các lực lượng Nga và dự kiến ​​sẽ là một trong những mặt trận quan trọng tiếp theo của cuộc chiến.

Nga đã cáo buộc Ukraine có nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân bằng cách pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ điều đó, cho rằng các lực lượng Nga đã lên kế hoạch vụ tấn công nhằm cố tình \”gài bẫy\” Ukraine.

Nhà điều hành hạt nhân Ukraine Energoatom báo cáo rằng, các cuộc pháo kích của Nga đã làm hư hại khu vực văn phòng chỉ huy, khu vực lưu trữ nguồn bức xạ và một trạm cứu hỏa gần đó. Trạm cứu hỏa nằm cách nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye khoảng 5 km về phía đông.

Trung tâm Truyền thông Chiến lược Ukraine chỉ ra rằng quân đội Nga đã cố tình khiêu khích tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và đang tiến hành một cuộc thử nghiệm nguy hiểm liên quan đến đường dây điện, nhằm đổ lỗi cho quân đội Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông Yevgeny Balitsky, lãnh đạo chính quyền quân – dân sự tỉnh Zaporizhia, miền nam Ukraine, tuyên bố rằng vụ pháo kích của Ukraine đã làm hỏng đường dây điện cao thế, gây ra hỏa hoạn.

Ông Mikhailo Podoljak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ cáo buộc. Ông tiết lộ rằng cuộc tấn công của Nga nhắm \”một phần của nhà máy điện hạt nhân cung cấp năng lượng cho miền nam Ukraine\”.

\”Mục tiêu của họ là cô lập chúng tôi khỏi (các nhà máy) và thay vào đó đổ lỗi cho quân đội Ukraine\”, ông Podoljak đã viết trên Twitter.

Viện nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington cho biết họ không thể xác minh độc lập bên chịu trách nhiệm về vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.

Nhưng cơ quan này lưu ý rằng, trước đây Nga đã cáo buộc sai sự thật về việc Ukraine tấn công các địa điểm quan trọng đối với người Ukraine.

Ví dụ, họ từng tuyên bố rằng Ukraine đã tấn công trại tù binh Olenivka bằng hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS ở Donetsk. Tuy nhiên, một cuộc điều tra của CNN kết luận rằng tên lửa HIMARS gần như không thể gây ra thiệt hại nơi giam giữ các tù nhân.

Do đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ lưu ý: \”Nga có thể tiếp tục một câu chuyện tương tự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye để ngăn chặn sự viện trợ của phương Tây đối với Ukraine\”.

Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ kêu gọi lập phi quân sự các nhà máy điện hạt nhân

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối tuần trước cảnh báo rằng vụ pháo kích gần đây vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đã làm gia tăng nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng lo ngại sâu sắc rằng một cuộc bắn phá khác vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye có thể gây ra một thảm họa hạt nhân và đã kêu gọi thiết lập một khu phi quân sự.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA cũng đã cảnh báo về một thảm họa hạt nhân trừ khi chiến sự chấm dứt. Các chuyên gia hạt nhân lo ngại cuộc giao tranh có thể làm hỏng các bể chứa nhiên liệu hoặc lò phản ứng của nhà máy.

Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi quân đội Nga ngừng ngay lập tức mọi hoạt động quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và hỗ trợ thiết lập một khu phi quân sự trong khu vực.

Bộ Ngoại giao cũng kêu gọi Nga trao trả quyền kiểm soát nhà máy cho Ukraine.

Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga đồng ý rút quân khỏi các cơ sở hạt nhân mà họ chiếm giữ hồi tháng Ba.

Quân đội Nga sử dụng nhà máy điện hạt nhân để tích trữ đạn dược

Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ trích dẫn nhiều báo cáo điều tra tiết lộ rằng, quân đội Nga đã thiết lập một kho đạn dược lớn gần nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và cũng đóng quân một số lượng lớn các lực lượng vũ trang ở đó.

Nga không phủ nhận rằng họ có quân đội đồn trú tại nhà máy, bất chấp nhiều lý do khác nhau về việc pháo kích vào khu vực này.

Có thông tin cho rằng nhà máy điện hạt nhân kiểm soát phần lớn bờ nam của một hồ chứa khổng lồ trên sông Dnepr ở miền nam Ukraine, và quân đội Ukraine canh gác các thị trấn ở phía bên kia đã bị bắn phá dữ dội bởi quân đội Nga kiểm soát khu vực nhà máy điện hạt nhân.

Kyiv đang lên kế hoạch phản công để chiếm lại Zaporozhye và các tỉnh Kherson lân cận, vùng lãnh thổ lớn nhất mà Nga đã chiếm giữ kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 và vẫn nằm trong tay quân đội Nga.

Trước chiến thuật tàn bạo của quân đội Nga, nhiều khả năng phía Ukraine sẽ tung đòn phản công ăn miếng trả miếng.

Theo Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo những binh sĩ Nga nổ súng vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, hoặc sử dụng nó làm căn cứ sẽ là \”mục tiêu đặc biệt\” của quân đội Ukraine.

Ông Zelensky nói trong một bài phát biểu: “Mọi binh sĩ Nga bắn vào nhà máy điện hạt nhân, hoặc sử dụng nhà máy làm vỏ bọc để tấn công Ukraine, phải hiểu rằng anh ta sẽ trở thành \”mục tiêu đặc biệt\” của quân đội chúng tôi\”.

Lam Giang

Theo Visiontimes

Bài Liên Quan

Leave a Comment