3 giờ trước
By Yvette Tan
BBC News
Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã cập cảng Hambantota của Sri Lanka bất chấp những lo ngại của Ấn Độ.
Tàu Yuan Wang 5 (Viễn Vọng 5) đã được phép cập cảng với điều kiện không được tiến hành nghiên cứu khi đang ở vùng biển Sri Lanka, các quan chức cảng cho biết.
Ấn Độ trước đó đã lên tiếng lo ngại rằng con tàu sẽ được sử dụng để do thám các hoạt động của nước này, truyền thông đưa tin.
Bộ Ngoại giao Sri Lanka cho biết con tàu sẽ được phép lưu lại cảng do Trung Quốc điều hành cho đến ngày 22/8.
Năm 2017, China Merchants Port Holdings đã chiếm phần lớn cổ phần với hợp đồng thuê 99 năm tại cảng Hambantota – nơi tàu Yuan Wang 5 hiện đang cập cảng – sau khi Sri Lanka phải vật lộn để trả khoản nợ phát sinh khi xây dựng nó.
Các nhà phân tích an ninh nước ngoài được Reuters trích dẫn mô tả tàu Yuan Wang 5 là một trong những tàu theo dõi không gian thế hệ mới nhất của Trung Quốc, được sử dụng để theo dõi vệ tinh,tên lửa và các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Một số tin tức của truyền thông Ấn Độ mô tả nó là một \”tàu gián điệp lưỡng dụng\”. Các trang web phân tích vận chuyển đường biển thì gọi nó là tàu nghiên cứu và khảo sát.
Theo báo cáo của trang tin Ấn Độ NDTV cho biết chính quyền ở Delhi lo ngại về \”khả năng hệ thống theo dõi của con tàu đang cố gắng theo dõi các cơ sở của Ấn Độ khi đang trên đường đến Sri Lanka\”.
Trang CNN cũng nói chuyến thăm của con tàu \”đẩy căng thẳng Trung-Ấn lên cao\”, và đặt câu hỏi vì sao Sri Lanka lại đón tàu TQ vào thời điểm này.
Gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, Sri Lanka đang cần cả sự hỗ trợ của Dehki và Bắc Kinh.
Báo The Guardian ở Anh cũng có bài, cho rằng dù đây là tàu \”nghiên cứu\”, người ta nghi nó có hoạt động do thám.
Bài của BBC News hôm 16/08 gọi đây là \”tàu gián điệp\” (spy ship).
An ninh và lợi ích
Đầu tháng Bảy, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết chính phủ đang theo dõi chuyến thăm dự kiến của con tàu, và nói thêm rằng Delhi sẽ bảo vệ an ninh và lợi ích kinh tế của mình.
Theo tin tức của Reuters, Ấn Độ đã có phản đối bằng miệng với chính phủ Sri Lanka về chuyến thăm của con tàu.
Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Sri Lanka đã yêu cầu Trung Quốc hoãn chuyến ghé cảng của con tàu, nói rằng nước này cần tiến hành \”tham vấn thêm\”.
Trung Quốc đáp trả, nói rằng \”hoàn toàn phi lý khi một số quốc gia viện dẫn cái gọi là \’lo ngại về an ninh\’ để gây áp lực lên Sri Lanka\” – mặc dù họ không nêu tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Sri Lanka sau đó thông báo rằng con thuyền sẽ được phép cập cảng.
Những lo ngại của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Sri Lanka – quốc gia hiện đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Delhi đã đi đầu trong việc gửi viện trợ cho Sri Lanka trong những tháng gần đây để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng tranh cãi mới nhất này có thể phủ bóng đen lên hoạt động viện trợ này.
Bắc Kinh cũng đã cho Colombo vay hàng tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản tài trợ đều có lợi cho Sri Lanka.
Phân tích của Vikas Pandey, phóng viên BBC News chỉ ra rằng tranh cãi về con tàu phản ánh điểm chặt chẽ về ngoại giao mà Sri Lanka tự nhận thấy mỗi khi phải lựa chọn giữa Ấn Độ và Trung Quốc.