Ve vãn Ả Rập Xê Út, thêm một đòn ngoại giao Trung Quốc tấn vào Mỹ

Đăng ngày: 18/08/2022

\"\"
\"\"
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) tiếp đồng nhiệm Ả Rập Xê Út Faisal bin Farhan Al Saud tại Vô Tích (Wuxi), tỉnh Giang Tô (Jiangsu), Trung Quốc, ngày 10/01/2022. © AP – Anonymous

Thanh Hà

Nhiều yếu tố thúc đẩy nguyên thủ Trung Quốc dành chuyến xuất ngoại đầu tiên thời hậu Covid đến vương quốc dầu hỏa, Ả Rập Xê Út. Bắc Kinh muốn khai thác căng thẳng trong quan hệ giữa Riyad và Washington, củng cố vị trí của Trung Quốc tại Trung Đông.

Bắc Kinh chưa xác nhận nhưng một số nguồn tin quốc tế tiết lộ chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau hơn hai năm gần như « cấm cung » vì Covid, có thể « trong tuần này » công du Ả Rập Xê Út, vài tháng sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngoài yếu tố tìm kiếm nguồn năng lượng dầu hỏa bảo đảm cho cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc, động lực nào thúc đẩy ông Tập chọn Ả Rập Xê Út?

Phelim Kine của tờ Politico giải thích : trước hết chắc chắn là Riyad sẽ trải thảm đó đón ông Tập Cận Bình vào lúc mà Ả Rập Xê Út đang tìm cách « đa dạng hóa các đối tác » tránh để lệ thuộc vào một điểm tựa là Hoa Kỳ. Thêm vào đó, tại vương quốc dầu hỏa này, nguyên thủ Trung Quốc biết chắc ông sẽ không phải đối mặt với những cuộc biểu tình của dân chúng phản đối Bắc Kinh chà đạp nhân quyền, bóp nghẹt tự do và dân chủ Hồng Kông, uy hiếp Đài Loan hay cưỡng bức lao động người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Động lực thứ nhì thôi thúc ông Tập Cận Bình đến Ả Rập Xê Út, là lý do « vũ khí » : cây bút của tờ Politico cho rằng hiện tại Riyad đang « ít lệ thuộc vào trang thiết bị quân sự và công nghệ quốc phòng của Trung Quốc hơn so với quá khứ ». Tuy là đồng minh của Mỹ, nhưng vương quốc dầu hỏa này đã nhiều lần thất vọng vì Washington không thỏa mãn nguyện vọng, tránh để Trung Đông lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Thất vọng vì Mỹ, Ả Rập Xê Út từng cầu viện Bắc Kinh. Nhưng gần đây, chính quyền Biden thông báo kế hoạch bán vũ khí cho Riyad, kể cả tên lửa Patriot. Tổng trị giá hợp đồng lên tới hơn 3 tỷ đô la. Do vậy, rất có thể là trong các cuộc trao đổi với giới lãnh đạo ở Ả Rập Xê Út tới đây, ông Tập Cận Bình sẽ tranh thủ để nhắc nhở rằng trang thiết bị quân sự và công nghệ quốc phòng của Trung Quốc « không tệ ».

Lợi thế thứ ba là việc chọn công du Riyad để chứng minh Bắc Kinh là một đối tác « khác » của Trung Đông, mà đứng đầu là Ả Rập Xê Út. Trung Quốc cũng đáng tin cậy « không kém gì » Hoa Kỳ. Về thương mại chẳng hạn Trung Quốc là khách hàng quan trọng nhất nhập dầu hỏa của Ả Rập Xê Út. Tổng trao đổi mâu dịch hai chiều năm 2021 lên tới 87 tỷ đô la. Trong giai đoạn 2014-2019, Trung Quốc đã đầu tư hơn 40 tỷ vào cơ sở hạ tầng tại vương quốc này.

Năm 2016 Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đã ký kết một thỏa thuận « đối tác chiến lược » Chỉ 4 năm sau đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Riyad với Bắc Kinh cao hơn gấp ba lần so với Washington. Thêm một dấu hiệu khác nữa là Ả Rập Xê Út càng lúc càng thiên về việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc làm phương tiện thanh toán. Qua đó Riyad gián tiếp tăng thêm sức mạnh cho đơn vị tiền tệ của Trung Quốc và đẩy thêm một nước cờ trên con đường « phi đô la hóa ». 

Dù vậy, nhà nghiên cứu Michael Singh, một chuyên gia về Trung Cận Đông của Mỹ thận trọng cho rằng, phải đợi xem, sau chuyến công du này của ông Tập, « Riyad và những vương quốc khác trong vùng Vịnh sẽ bắn đi những tín hiệu nào về phía Hoa Kỳ ». Thí dụ như là « trong quyết định về đầu tư hay trang bị vũ khí ». Theo nhà quan sát này, một con én không làm nên mùa xuân : Ông Tập Cận Bình không có phép lạ để chỉ trong vài ngày công du, có thể thay đổi tương quan lực lượng Trung-Mỹ trong quan hệ với các nước Trung Đông.

Điều đó không cấm cản một số dấu hiệu hiển nhiên về nỗ lực của Trung Quốc ve vãn một đồng minh truyền thống của Mỹ là Ả Rập Xê Út, chẳng hạn như chỉ vài tuần sau khi tổng thống Biden đến Djeddah và niềm nở với hoàng thái tử Ben Salman mà ai cũng biết là vì mục tiêu thuyết phục Riyad mở van dầu hỏa, làm hạ nhiệt trên thị trường năng lượng, thì tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco đã ký một hợp đồng quan trọng với đối tác Trung Quốc là Sinopec.

Cuối cùng về mặt chiến lược, tranh thủ được cảm tình một đồng minh then chốt của Mỹ ở Trung Đông là một điều quan trọng. Chẳng vậy mà cả Bắc Kinh lẫn Riyad cùng tuyên bố muốn nâng đối tác song phương lên mức « toàn diện ». Từ năm ngoái, Trung Quốc đã khuyến khích Ả Rập Xê Út tham gia Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, một sáng kiến của Bắc Kinh đã quy tụ được nhiều thành viên như là Nga, hay Pakistan và nhiều nước Trung Á.

Một cựu quan chức trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ David Satterfield được Politico trích dẫn lưu ý, cái may đối với Hoa Kỳ trong cuộc đọ sức này, là Trung Quốc vàẢ Rập Xê Út, thường « thùng rỗng kêu go », tức là thường tuyên bố rất nhiều, nhưng thực chất không là bao.

Một nhà phân tích khác của Mỹ, cựu đại sứ Mỹ tại Ả Rập Xê Út, Robert Jordan thì nhấn mạnh đến một sợi chỉ đỏ khác gắn kết Riyad với Washington đó là Iran : không chắc vì quyền lợi kinh tế, vì những hợp đồng mua bán năng lượng mà vương quốc dầu hỏa này dám đánh đổi lấy an ninh, từ bỏ Mỹ để chạy theo Trung Quốc. Iran mới là « mối đe dọa nguy hiểm nhất » đối với Ả Rập Xê Út.

Như các ông David Satterfield và Robert Jordan cùng ghi nhận là Riyad thừa biết rằng Iran không phải là một « vấn đề » trong mắt Bắc Kinh. Trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai nước thù nghịch này trong vùng Vịnh, Ả Rập Xê Út cần có một một đồng minh, một điểm tựa vững chắc để đương đầu với Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.

Khó có thể tin rằng, nguyên thủ Trung Quốc không trông thấy điều đó. Có lẽ chuyến công du Ả Rập Xê Út lần này nằm trong vô số những nước cờ của Bắc Kinh để mặc cả với Mỹ trong cuộc đọ sức tranh hùng với siêu cường số 1 thế giới.

Bài Liên Quan

Leave a Comment