Đài Loan chưa được thông báo về cuộc họp “Chip 4”

Đăng ngày: 20/08/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Luật đầu tư về Chip điện tử và Khoa học, Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 09/08/2022 : Chip điện tử, trung tâm cuộc tranh hùng Mỹ-Trung. AP – Evan Vucci

Trọng Nghĩa

Đài Loan hôm 19/08/2022 đã phàn nàn về việc họ không được thông báo về một cuộc họp được mệnh danh là “Chip 4” bao gồm 4 nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu là Đài Loan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong một thông báo gởi đến hãng tin Aanh Reuters, bộ Kinh tế Đài Loan cho biết chưa nhận được những thông tin về một cuộc họp sơ bộ sắp tới đây của bốn quốc gia sản xuất chip, mở ra theo sáng kiến của Hoa Kỳ.

Thông tin về cuộc họp chip 4 được ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin tiết lộ và ông cho biết Seoul dự kiến ​​sẽ tham dự.

Chip 4 là một sáng kiến mới của Mỹ nhằm tiếp cận gần hơn với ba nhà sản xuất chủ chốt trong lĩnh vực này là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản trong khi cố gắng loại trừ Trung Quốc ra khỏi chuỗi sản xuất càng nhiều càng tốt. Nhờ hàng chục tỷ đô la đầu tư, Washington muốn đưa việc sản xuất các linh kiện quan trọng đó trở lại lãnh thổ Mỹ.

Dự án này dĩ nhiên không được Trung Quốc ưa thích, đồng thời cũng đặt các công ty Đài Loan, và nhất là Hàn Quốc, vào tình thế khó xử, bị giằng co trước những cơ hội hợp tác chiến lược với Mỹ và tiềm năng của thị trường Trung Quốc. 

Thông tín viên RFI Nicolas Rocca tại Seoul giải thích:

“Đưa công ty sản xuất chất bán dẫn hồi hương về đất Mỹ, đảm bảo chuỗi cung ứng nhờ các đồng minh ở châu Á trong khi cố gắng loại trừ Trung Quốc càng nhiều càng tốt. Dự án này, đối với Hàn Quốc, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, có vẻ như là một vấn đề thực sự đau đầu. Oh Jeon-seok, giáo sư kinh tế tại Đại học Sookmyung ở Seoul giải thích : 

 “Hàn Quốc không thể chọn giữa Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ. Trước hết, có một sự phụ thuộc mạnh mẽ vào Hoa Kỳ, và liên minh giữa hai nước có tính lịch sử. Nhưng Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng đầu về chất bán dẫn, vì vậy nếu mất Trung Quốc thì Hàn Quốc sẽ mất 1/3 lượng chất bán dẫn xuất khẩu của mình”.

Để đổi lấy khoản hỗ trợ tài chính được Hoa Kỳ đảm bảo, các công ty sẽ phải đóng băng các khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc trong mười năm. Một yêu cầu khó được chấp nhận đối với Samsung Electronics, SK Hynix, hay TSMC, tập đoàn đứng hàng đầu thế giới của Đài Loan. Tất cả đều có nhà máy tại chỗ. 

Ông Park Sang-in, giáo sư quản trị kinh tế tại Đại Học Quốc Gia Seoul phân tích: “Mặc dù Hoa Kỳ có lợi ích riêng trong việc rất hung hăng chống lại Trung Quốc, điều đó có thể dẫn đến tổn thất đáng kể cho Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tôi khá nghi ngờ về khả năng liên minh Chip 4 đưa ra những hạn chế hung hăng như vậy.”

Các cuộc họp giữa các bên có liên quan sẽ diễn ra từ đây đến cuối tháng.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment