RFA
2022.08.22
Một nhóm người Ede tưởng niệm nạn nhân của đàn áp tôn giáo tháng 8 năm 2022
Hàng chục cộng đồng tôn giáo ở nhiều địa phương của Việt Nam tổ chức kỷ niệm “Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin”, tuy nhiên chính họ lại trở thành nạn nhân của sự bạo hành đến từ chính quyền.
Từ năm 2019, Liên Hiệp Quốc lấy ngày 22/8 hàng năm là lễ tưởng niệm quốc tế cho các nạn nhân vì tôn giáo hay niềm tin của mình mà bị đàn áp, ngày này đặc biệt có ý nghĩa đối với các giáo phái độc lập không chịu sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam.
Công an buộc cam kết không tổ chức tưởng niệm
Ở tỉnh An Giang, trong buổi sáng 20/8, công an của phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên đưa người đến hương đạo Cao Đài Bình Khánh để buộc những người đang tập trung tại nhà của Chánh trị sự phái nữ Nguyễn Thị Thu Cúc phải giải tán.
Theo ông Nguyễn Trọng Tiếng, Chính trị sự Cao Đài, các đồng đạo hẹn nhau tại nhà của bà Cúc để tưởng niệm sau chầu cúng buổi sáng.
Vào lúc 8 giờ, khi mọi người đang căng băng rôn thì một nhóm bốn người dẫn đầu bởi công an khu vực đến và yêu cầu tất cả đồng đạo cam kết ngưng tổ chức việc tưởng niệm. Công an chỉ chịu rời đi lúc 17 giờ cùng ngày sau khi chủ nhà đồng ý ký nhận cam kết không tổ chức sự kiện này nữa.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Mới có lấy băng rôn để treo thì công an đã biết, người ta tới ngăn cản và lập biên bản. Gia đình cô Chánh trị sự Cúc phải điện cho đồng đạo đừng đến… Lời qua tiếng lại, cuối cùng cô Cúc phải ký biên bản cam kết không làm lễ tưởng niệm này.”
Ông Tiếng không chứng kiến vụ việc nhưng được gia đình Chánh trị sự Nguyễn Thị Thu Cúc báo lại là đã ký bản cam kết đó. Bà Cúc từ chối ký thay cho Chánh trị sự phái nam không có mặt tại buổi lễ trên.
Phóng viên liên hệ với gia đình bà Thu Cúc nhưng họ từ chối cung cấp thêm thông tin về việc bị công an sách nhiễu.
Ông Tiếng nói thêm rằng, ông dự định sẽ đến nhà bà Cúc để cùng tưởng niệm nhưng nghe được thông tin bị công an sách nhiễu nên ông không đến nữa.
Sự kiện bị sách nhiễu vừa qua trái ngược hẳn hai năm trước, khi cộng đồng Cao Đài Chi phái 1926 ở An Giang tổ chức tưởng niệm ngày này một cách bình yên.
Công an hẹn gặp ông Tiếng vào chiều 22/8 để làm việc về kế hoạch tưởng niệm sự kiện trên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Diến, Phó trị sự cũng ở thành phố Long Xuyên cho biết, cộng đồng Cao Đài chơn truyền nơi ông sinh sống tưởng niệm sự kiện trên và công an địa phương có lảng vảng gần đó nhưng không can thiệp.
Phóng viên liên lạc với Uỷ ban Nhân dân phường Bình Khánh theo số điện thoại trên trang web của phường nhưng không được. Chúng tôi có gửi email cho văn phòng uỷ ban nhưng chưa nhận được phản hồi.
Công an cũng có sách nhiễu một số cộng đồng Tin Lành ở Tây Nguyên. Nhà hoạt động về tự do tôn giáo Y Quynh Buon Dap, người hiện đang tị nạn ở Thái Lan, cho RFA biết “Công an có đến hăm dọa vài nơi, và nói sẽ mời làm việc. Riêng Buôn Akõ Dhông tại Đắk Lắk, công an mời làm việc sáu người.”
Một số nơi không tưởng niệm ngày 22/8 như thường thấy
Chính trị sự Cao Đài Nguyễn Bạch Phụng ở Vĩnh Long cho biết, hương đạo ở nơi bà ở không tổ chức tưởng niệm vì bị chính quyền địa phương theo dõi thường xuyên
Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nói với RFA rằng ông biết rất rõ về ngày tưởng niệm này nhưng chùa không có nhiều người để tổ chức sự kiện, hậu quả của việc đàn áp tôn giáo trong nhiều năm trời.
Ở tỉnh giáp biển phía nam này có hai ngôi chùa Phước Bửu và Thiền Quang của Giáo hội Phật giáo có từ trước năm 1975 và đều bị sức ép của nhà cầm quyền địa phương nhằm buộc họ phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam – thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thượng tọa Thích Vĩnh Phước cho biết, chính quyền địa phương tìm cách sách nhiễu Phật tử bằng cách lắp camera trên đường vào chùa và tìm cách xây mương nước để làm hẹp lối đi vào chùa.
Chính quyền còn mạnh tay hơn với chùa Thiền Quang, muốn cưỡng chế chùa này. Gần đây, họ lấy cớ làm mương nước để chặn đường vào chùa và chiếm một phần lớn đất của chùa. Vị Thượng toạ nêu ba lý do của việc này là:
“Ba yếu tố mà họ phải trấn áp. Cái thứ nhất là thầy Thích Thiên Phụng là đệ tử của tôi. Cái thứ hai là chùa của thầy độc lập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Và thứ ba chùa là nơi cưu mang cho hàng ngàn Phật tử truyền thống về chùa sinh hoạt mỗi khi có dịp lễ lạt.”
Chia sẻ với RFA, Hòa thượng Thích Không Tánh, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, nói cuối tuần qua, hội đồng có họp và nhân dịp lễ tưởng niệm này, sẽ ra một bản tuyên bố nói lên vi phạm tự do tôn giáo cùng danh sách cụ thể những nạn nhân của đàn áp tôn giáo trong năm qua.
Theo vị trụ trì chùa Liên Trì ở Quận 2 bị chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đập bỏ năm 2016, chính quyền Việt Nam đang gây sức ép lên hai cơ sở của Giáo hội Việt Nam Thống nhất là chùa Sơn Linh ở Kon Tum và Thiền Quang ở Bà Rịa-Vũng Tàu, với mục tiêu ép hai cơ sở này phải từ bỏ sự độc lập và nằm dưới sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
“Chùa Sơn Linh ở trên Kon Tum dịp lễ Vu Lan vừa qua, nhà chùa có tổ chức lễ báo ân nhưng công an và chính quyền địa phương vào lập biên bản, đàn áp, sách nhiễu ngăn cản không cho quý thầy và Phật tử làm lễ.”
Ông cho biết các tôn giáo khác như Cao Đài chơn truyền, Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý, hay Tin Lành cũng bị đàn áp sách nhiễu.
Theo trang Facebook cá nhân của ông Nguyễn Đình Thắng, Tổng giám đốc của tổ chức BPSOS, một tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ chuyên theo dõi tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, trong tuần qua có hàng chục cộng đồng tôn giáo ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam tổ chức thành công việc tưởng niệm các nạn nhân của đàn áp tôn giáo, bao gồm cộng đồng Hoà Hảo thuần tuý, Cao Đài chơn truyền, Tin Lành, và Công giáo.
Ông cũng cho biết tổ chức của ông sẽ theo dõi và báo cáo cho quốc tế việc sách nhiễu của nhà chức trách Việt Nam đối với bất cứ cộng đồng nào trong quá trình tổ chức việc tưởng niệm trên.