Học Thuyết Hải Quân mới của Nga : xoay trục sang châu Á để đối đầu với Mỹ

Đăng ngày: 22/08/2022

\"\"
\"\"
Tàu chiến của Nga đến diễu hành tại Novorossiysk, nhân ngày Hải Quân của Nga, 31/07/2022. AP

Chi Phương

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Học Thuyết Hải Quân mới của Liên Bang Nga 31/07 vừa qua. Tài liệu hoạch định chiến lược cấp cao nhất, dài 55 trang, trình bày chi tiết cách tiếp cận của chính quyền Matxcơva đối với lĩnh vực hải quân. Theo đó, mức độ ưu tiên của khu vực Thái Bình Dương được đẩy lên mức cao hơn so với Học Thuyết được đưa ra vào 2015.

RFI Việt Ngữ xin giới thiệu bài viết của chuyên gia phân tích chính sách của Nga, ông Daniel Rakov, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và an ninh Jerusalem về những điểm mới trong Học thuyết Hải Quân Nga, trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, đăng trên trang The Diplomat ngày 19/08/2022.


Học thuyết Hải Quân mới nghiêng về một cuộc “đối đầu toàn cầu” với phương Tây, về những điểm nổi bật trong lăng kính an ninh của Nga, trong việc xác định mục tiêu quốc gia, định hướng lại chính sách đối ngoại đối với Nam Bán Cầu sau cuộc xâm lược Ukraina. Điện Kremlin dự trù tăng cường khả năng tác chiến của hải quân Nga trên toàn thế giới và tuyên bố có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn, trong việc sử dụng các phương tiện quân sự để thúc đẩy lợi ích của Nga trên các vùng biển quốc tế. Bao gồm cả ý định tăng cường hiện diện lực lượng hải quân trên các vùng biển. Để làm được điều này, Học Thuyết Hải Quân mới kêu gọi tái cơ cấu hoàn toàn ngành công nghiệp đóng tàu, mở rộng quy mô theo số lượng, liên quan đến khả năng sản xuất và sử dụng công nghệ, cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự.

Phát biểu tại ngày ngày Hải Quân Nga, 31/07, Vladimir Putin tuyên bố mối đe dọa chính của Nga là từ “chính sách chiến lược của Hoa Kỳ – muốn thống trị những đại dương của thế giới và việc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương xích lại gần biên giới Nga.

Những điểm gì mới đáng chú ý trong Học Thuyết Hải Quân 2022

Trong lĩnh vực năng lượng, học thuyết mới đưa ra những quy định phục hồi các hoạt động thăm dò đáy biển và sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Học thuyết năm 2015 nói đến nhu cầu thiết lập một “khu dự trữ chiến lược” tại những nơi đã được thăm dò để phục vụ cho những cuộc thăm dò trong tương lai. Thế nhưng, học thuyết mới không có nội dung này. Điều này ngụ ý rằng Nga sẽ khai thác tối đa lượng khí đốt (hydrocarbon) trong những năm tới. Có khả năng vì lo sợ rằng các kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ làm giảm khả năng xuất khẩu. 

Giống với học thuyết được đưa ra vào năm 2015, học thuyết mới vẫn chia thế giới thành 6 khu vực địa lý, mặc dù có sự thay đổi về trật tự. Đối với Bắc Cực và Thái Bình Dương, trước đó nằm ở vị trí thứ 2 và thứ 3 thì hiện nay chiếm 2 vị trí đầu tiên theo cấp độ ưu tiên, còn Đại Tây Dương nằm ở vị trí thứ ba. Một trong những mục tiêu chính của Nga về ba khu vực này là để bảo đảm “sự ổn định chiến lược” – một cách khác để nói về khả năng răn đe hạt nhân lẫn nhau. Vấn đề này được nêu trong học thuyết mới một cách quyết đoán và khẩn cấp hơn so với 2015.  

Xoay trục sang châu Á

Học thuyết 2022 giải thích rằng Bắc Cực đã trở thành một khu vực cạnh tranh kinh tế và quân sự toàn cầu và được coi là mục tiêu chính, duy trì vị trí hàng đầu của Nga trong khu vực này, đồng thời cũng là khu vực thăm dò rộng lớn các trữ lượng khoáng sản của Nga. Matxcơva dự trù sử dụng “Con đường đến biển phương Bắc” (NSR) làm vùng nội thuỷ. Nếu như ban đầu, Nga quảng bá NSR như là một giải pháp thay thế kênh đào Suez, thì hiện nay con đường này đã bị chuyển hướng sang phía đông kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Nga đã phải thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang châu Á. 

Dường như Nga đang tìm kiếm cách né tránh hình ảnh ngày càng bị phụ vào Trung Quốc từ những hậu quả sau cuộc xâm lược vào Ukraina. Trong khi phiên bản 2015 của Học Thuyết Hải Quân nói rõ rằng “sự phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là yếu tố quan trọng đối với chính sách hàng hải quốc gia trong khu vực Thái Bình Dươngthì học thuyết mới năm 2022 đưa ra các yếu tố quan trọng mới mà Trung Quốc không còn ở vị trí trung tâm. Đó là làm giảm các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga. Bảo đảm ổn định chiến lược trong khu vực và phát triển quan hệ hữu nghị với các nước châu Á Thái Bình Dương. Học thuyết chỉ ra rõ ràng rằng cả Bắc Cực và Thái Bình Dương đều được xem là khu vực đối đầu chiến lược giữa Nga và Mỹ cùng đồng minh. 

Nga mất hy vọng vào phương Tây

Khu vực Đại Tây Dương (bao gồm cả vùng Baltic và biển Đen, Địa Trung Hải và biển Đỏ) tụt hạng xuống vị trí thứ ba theo thứ tự ưu tiên, cho thấy điện Kremlin mất hy vọng vào các cam kết tích cực từ phương Tây do chiến tranh Ukraina. Do vậy, mục tiêu chính trong khu vực này đó là bảo đảm ổn định chiến lược. Tại khu vực phía đông Địa Trung Hải và biển Đen, Nga cũng tăng cường sự hiện diện quân sự, đặc biệt là tại Syria. Nga tập trung phần lớn tàu chiến ở khu vực này. Đây là điều không thường thấy kể từ khi Liên Xô tan rã. Điều này cho thấy ý đồ của Nga trong việc ngăn cản NATO can dự sâu vào chiến tranh Ukraina

Một thay đổi quan trọng khác đó là việc phân loại tất cả các vùng biển trên thế giới theo sự “sự giàu có” và mong muốn của Nga để sử dụng lực lượng vũ trang ở các khu vực này. Tuy nhiên, học thuyết mới thiết lập quyền tối cao của luật pháp Nga, cao hơn cả luật pháp quốc tế. So với học thuyết cũ, văn bản mới nâng tầm quan trọng của việc sản xuất và xuất khẩu năng lượng từ các kho dự trữ ở hải ngoại cũng như việc bảo vệ các đường ống dẫn ga dưới biển; tăng cường khả năng huy động tất cả lực lượng hải quân, bao gồm cả thường dân, trong trường hợp khẩn cấp.  

Sự khác nhau giữa học thuyết và thực tiễn

Kể từ khi Vladimir Putin lên nắm quyền, ông đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc khôi phục khả năng quân sự của Nga, bao gồm cả Hải Quân. Quân đội Nga đã bị suy yếu nghiêm trọng kể từ khi Liên Xô tan rã. Các doanh nghiệp thương mại của Nga cũng đã gia tăng các hoạt động khoan ngoài khơi, đặt đường ống dẫn ga và phát triển Bắc Cực. 

Bất chấp những chuẩn bị đầy tham vọng và đầu tư tài chính đáng kể, nhiều vấn đề hạn chế sự phát triển của Nga như một cường quốc hàng hải. Các ngành công nghiệp của Nga, cả quân sự và dân sự, đều thiếu kiến thức công nghệ, cơ sở hạ tầng sản xuất và thiếu nhân lực trình độ cao trong nhiều lĩnh vực. 

Nga vẫn giữ các tàu sân bay lỗi thời và khó bảo trì kể từ khi Liên Xô tan rã. Sau khi tàu của Nga bị chìm trong chiến tranh ở Ukraina, Nga vẫn còn 4 tàu tuần dương và 10 tàu khu trục. Tất cả những tàu này đều được sản xuất dưới thời Liên Xô. Trong lĩnh vực dân sự, Nga thiếu trình độ lắp đặt đường ống dẫn ga dưới biển hoặc tiến hành khoan ở mực nước sâu. Nga cũng thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất khí đốt tự nhiên hoá lỏng. Nga phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp phương Tây, hiện đã ngừng làm việc với nước này vì chiến tranh Ukraina. 

Chỉ có các tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân hiện được xem là cơ sở sức mạnh chính yếu của Hải Quân Nga, cho phép Matxcơva có thể đe doạ với các cường quốc khác. 

Tham vọng trở thành cường quốc hải quân

Trong những năm sắp tới, Nga hứa hẹn cho ra mắt một dàn tàu ngầm mang ngư lôi siêu thanh và được trang bị đầu đạn hạt nhân có sức phá huỷ mạnh. Trong lĩnh vực vũ khí thông thường, Nga sản xuất các loại tàu như khinh hạm (tàu frigate), tàu hộ vệ hay tàu ngầm diesel, các loại tàu này sẽ được trang bị tên lửa hành trình hiện đại và có độ chính xác cao.   

Nga cũng là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, cần thiết cho sự phát triển ở Bắc Cực. 

Tuy nhiên, tất cả các dự án của Nga đều gặp vấn đề về việc có nhiều kiểu tàu, khiến cho việc bảo trì trở nên khó khăn. Chất lượng kém và sơ xuất dẫn đến các vụ tai nạn lao động thường xuyên xảy ra, hay cả việc lộ trình sản xuất và việc phát triển sản phẩm bị trì hoãn.

Các trừng phạt của phương Tây làm trầm trọng ngành công nghiệp Nga vốn đã gặp khó khăn trước chiến tranh Ukraina. Điều này sẽ đặt ra nhưng thách thức đáng kể cho sự phát triển của hải quân Nga, được thể hiện trong học thuyết mới. 

Học thuyết Hải Quân 2022 của Nga là tài liệu an ninh quốc gia đầu tiên được công bố kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, phản ánh tư duy chiến lược của điện Kremlin ở thời điểm hiện nay. Những thay đổi từ năm 2015 đến năm 2022 phản ánh sự định hướng lại chính sách đối ngoại của Nga đối bán cầu Nam, sau cuộc chiến ở Ukraina và nhận thức về Bắc Cực như một nguồn thu mới dễ dàng cho nền kinh tế Nga. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment