Kinh tế Hy Lạp chính thức thoát khỏi vòng giám sát của Ủy Ban Châu Âu

Đăng ngày: 21/08/2022

\"\"
\"\"
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, tại Athens, ngày 06/05/2022. AP – Thanassis Stavrakis

Trọng Nghĩa

Vào hôm qua, 20/08/2022, chế độ “giám sát tăng cường” mà Ủy Ban Châu Âu áp đặt trên Hy Lạp chính thức kết thúc. 12 năm trước, Hy Lạp đã phải chấp nhận quyền giám sát tài chính của Liên Hiệp Châu Âu để có được tài trợ quốc tế nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng nợ từng khiến nước này điêu đứng.

Vào năm 2010, do chính sách tài chánh lỏng lẻo, chi tiêu quá trớn từ trước, Hy Lạp đã lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng. Để được Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế giúp đỡ – với các gói cứu trợ tài chánh lên đến hơn 260 tỷ euro – Hy Lạp đã phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng, cải tổ nghiêm khắc và nhất là đặt mình dưới quyền kiểm soát của Ủy Ban Châu Âu.

Các biện pháp triệt để này đã dần dần có hiệu quả, và đến tháng 08/2018, Liên Âu xác nhận Hy Lạp không còn phụ thuộc vào các gói cứu trợ, nhưng vẫn chịu sự giám sát tăng cường của châu Âu thêm một thời gian. Chế độ này chính thức được bãi bỏ kể từ ngày 20/08/2022, đồng nghĩa với việc Hy Lạp lấy lại được quyền tự do trong việc thực hiện chính sách kinh tế, như bất kỳ một nước nào khác trong khu vực đồng Euro.

Tuy nhiên, theo Joël Bronner, thông tín viên RFI tại Athens, dù đã hồi phục, kinh tế Hy Lạp vẫn còn mong manh và chưa thể bỏ được các chính sách khắc khổ:

Trong những ngày cuối tuần mùa hè được đánh dấu bằng một đợt nắng nóng, thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã có một tin tốt lành để thông báo với dân chúng. Đây là điều rất tốt cho ông vì năm tới sẽ là một năm bầu cử và một tai tiếng nổ ra ngay giữa mùa hè liên quan đến việc theo dõi phi pháp một nhân vật đối lập đang khiến thủ tướng Hy Lạp gặp rắc rối.

Do đó, ông đã cố biểu lộ thái độ phấn khởi trong bài phát biểu trước quốc dân về việc Ủy Ban Châu Âu chấm dứt “sự giám sát tăng cường” đối với nền kinh tế Hy Lạp.

Ông nói nguyên văn như sau: “Như vậy là đã kết thúc 12 năm vốn mang lại khổ đau cho người dân, sự trì trệ của nền kinh tế và sự chia rẽ trong xã hội. (…) Hôm nay đánh dấu sự kết thúc của các Bản Ghi Nhớ và tất cả những gì đã được áp đặt nhân danh tài liệu này: Mức thuế cao không thể chịu nổi, tiền lương và hưu bổng bị cắt giảm, ngân hàng bị kiểm toán, tài sản công bị thế chấp, Quốc Phòng, Giáo Dục và Y Tế đều xuống cấp. Vị thế của Hy Lạp ở Châu Âu và trên thế giới cũng bị gạt ra ngoài lề. May mắn thay, tất cả những điều đó đã là dĩ vãng”.

Thủ tướng Hy Lạp còn khẳng định: “Hy Lạp ngày nay là một Hy Lạp khác”. Thế nhưng, bất chấp thái độ lạc quan được phô bày, trong thời gian dài sắp tới có lẽ người Hy Lạp vẫn còn phải chịu gánh nặng của một khoản nợ vốn vẫn chiếm 180% GDP và đang tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế của Hy Lạp.

Bài Liên Quan

Leave a Comment