Đăng ngày: 22/08/2022
Tại Pháp, thời kỳ dịch Covid-19 đã góp phần thay đổi cung cách người tiêu dùng. Người Pháp tự nấu nướng thêm ở nhà hoặc đặt mua các phần ăn với giá phải chăng để giúp các hàng quán bớt vứt bỏ các thực phẩm dư thừa, nhất là các loại đồ tươi không thể giữ lâu. Xu hướng tránh phung phí thức ăn này bắt đầu xuất hiện tại các nước châu Á như Singapore, Hồng Kông hay Thái Lan.
Trên thị trường Pháp, đã có nhiều ứng dụng điện thoại di động tạo kết nối giữa người tiêu dùng với các công ty chuyên cung cấp thực phẩm. Chẳng hạn như phiên bản tiếng Pháp của mạng Too Good To Go thu hút gần 12 triệu lượt người sử dụng mỗi ngày. Họ truy cập thường xuyên để xem có thể mua gì hấp dẫn với giá rẻ. Còn về phía người bán, tính tổng cộng có hơn 33.000 cửa hàng từ tiệm ăn, quán sushi cho đến tiệm bánh ngọt hoặc bánh mì, cửa hàng pizza, burger hay tacos … các hàng quán này vào những ngày không bán hết các khẩu phần, sẽ tạo thành những giỏ thức ăn bán trên ứng dụng với giá phải chăng, thường là bằng nửa giá cho người nào có nhu cầu mua trong ngày.
Pháp : hơn một triệu tấn rưỡi thực phẩm bị vứt bỏ hàng năm
Một cách tương tự, ứng dụng OptiMiam hoặc Save Eat chủ yếu nhắm vào các cửa hàng nhỏ chuyên bán thực phẩm đã được chế biến, khách hàng nào thích ăn bánh ngọt hay bánh mặn thường chọn mua trên các mạng này. Trong khi ứng dụng Phenix hay Happy Hour Market dành cho những người đi chợ muốn mua những giỏ thịt cá, rau quả, các đồ ăn chế biến sắp hết hạn … các siêu thị chuẩn bị các thực phẩm này thành những giỏ thức ăn để bán với giá khoảng 4 hoặc 5 euro một phần, các ứng dụng cập nhật hàng thường xuyên trong ngày.
Theo Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng Ademe, tại Pháp mỗi ngày có hơn 4.500 tấn thức ăn bị vứt vào thùng rác, phần lớn là đồ ăn \’\’dư thừa\’\’ cũng như các loại thực phẩm chế biến đã quá hạn. Như vậy, khối lượng thực phẩm bị phung phí hàng năm lên tới hơn 1,6 triệu tấn chỉ riêng tại Pháp. Riêng trong ngành nhà hàng và các dịch vụ bữa ăn tự chọn (buffet), sự phung phí đạt tới một mức cao : hàng trăm ngàn tấn thực phẩm bị vứt bỏ hàng năm. Một trong những lý do chính vẫn là ngành nhà hàng mua và trữ thức ăn quá nhiều so với nhu cầu phục vụ thực khách. Thời kỳ đại dịch trong hai năm vừa qua lại càng làm nổi bật khuyết điểm này. Hầu hết các ứng dụng giúp người tiêu dùng tiết kiệm thực phẩm cũng như năng lượng cũng ra đời trong bối cảnh đó.
Sau một thời gian phát triển mạnh tại các nước Âu Mỹ, các ứng dụng nhằm biến thực phẩm dư thừa của các nhà hàng thành phần ăn giá rẻ, băt đầu trở nên phổ biến tại một số quốc gia châu Á. Theo mạng thông tin Bloomberg, nhiều công ty khởi nghiệp tại châu Á đang lao vào khai thác vùng đất còn bỏ trống này. Họ thuyết phục các khách sạn hay nhà hàng đối tác, biến các thức ăn còn dư (mà đáng lẽ ra phải vứt đi) thành những phần ăn giá mềm, nhắm vào những thực khách có nhu cầu, tìm mua trên điện thoại di động. Trong đó, có các ứng dụng nổi tiếng như Treatsure hay OnTheList.
Biến tiệc buffet thành nhiều phần ăn giá rẻ
Một bữa ăn tự chọn với hàng chục món khác nhau tại khách sạn 5 sao Pullman Bangkok King Power được bán với giá 1.350 baht mỗi suất (tương đương với 37 euro). Sofitel Sentosa bán khuyến mại tiệc buffet 138 đô la Singapore cho hai người (98 euro) và như vậy mỗi phần ăn trị giá 49 euro/người. Còn nếu muốn dùng tiệc buffet tại khách sạn Grand Hyatt Singapore, mỗi thực khách phải chi khoảng 68 euro. Trên ứng dụng tiết kiệm thực phẩm, khách hàng có thể mua một giỏ thức ăn với giá chỉ bằng một phần mười so với giá ban đầu của bữa tiệc buffet. Dĩ nhiên, giỏ thức ăn này không phải dành cho cả nhà, nhưng đối với một người thì lại quá đủ, mỗi thứ mỗi chút và giỏ thức ăn lại có tới cả chục món.
Tại châu Á, ứng dụng Treatsure đã được thành lập cách đây vài năm và chuyên hợp tác với các tập đoàn khách sạn quốc tế như Marriott, Hyatt, IHG hay Accor… Tại Singapore, các khách sạn 5 sao này cho phép khách hàng dùng ứng dụng để đặt mua một bữa ăn dưới dạng buffet trong hộp với giá mềm. Thường thì khách nên ghé lấy phần ăn, nếu muốn giao tận nhà sẽ tính thêm phí. Ứng dụng này thu hút hơn 30.000 người sử dụng, giúp tiết kiệm được khoảng 300 tấn thực phẩm mỗi năm. Đối với các khách sạn, nguồn thu nhập từ việc bán hàng này không có bao nhiêu, nhưng ban điều hành lại bớt vứt bỏ thức ăn thừa và buộc phải quản lý chặt chẽ hơn nữa trong việc đặt mua thực phẩm để chế biến buffet.
Tuy vậy, con số tiết kiệm vẫn còn thấp so với khoảng 820.000 tấn thực phẩm vứt bỏ ở Singapore vào năm 2021, tăng 23% so với năm 2020. Theo báo cáo hồi cuối tháng 09/2021 của Liên hiệp quốc về việc giảm phung phí thực phẩm (Food Loss & Waste Reduction), có từ 17% đến 22% sản lượng lương thực bị lãng phí trên thế giới mỗi năm. Khối rác thực phẩm này gây ra khoảng 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Vùng Châu Á-Thái Bình Dương (do đông dân số) là một trong những nơi vứt bỏ nhiều thực phẩm nhất trên thế giới.
Giải quyết kho tồn đọng giúp giảm phung phí thực phẩm
Cũng như Singapore, Hồng Kông mỗi ngày thải ra khoảng 3.300 tấn rác thực phẩm và như vậy khối lượng rác thục phẩm lên tới 1,2 triệu tấn hàng năm (so với 1,6 triệu tấn ở Pháp). Vấn đề là theo Cục Bảo vệ Môi trường Hồng Kông, lãnh thổ này không có nhiều bãi chôn lấp, khả năng xử lý rác thải có giới hạn trong khi mức thải lại có chiều hướng gia tăng. Tại Hồng Kông, ngành khách sạn nhà hàng ý thức trong việc bớt vứt bỏ thức ăn thừa.
Người tiêu dùng cũng tham gia tiết kiệm với ứng dụng OnTheList, được cho ra mắt vào năm 2021. Ứng dụng này ban đầu là của Phenix, một công ty khởi nghiệp Pháp được sáng lập vào năm 2014. Phenix tạo kết nỗi giữa các siêu thị và người tiêu dùng, giúp tiết kiệm được 150 triệu bữa ăn. Sau khi có thêm nhiều phiên bản ngoại ngữ, mở rộng hoạt động sang 4 nước châu Âu, ứng dụng Phenix sau đó đã hợp tác với tập đoàn bán hàng nhanh OnTheList để đưa ứng dụng này đến với người tiêu dùng ở châu Á.
Các cửa hàng hay siêu thị biến các kho thực phẩm tồn đọng thành nhiều giỏ thức ăn với giá phải chăng để bán trong ngày. Ứng dụng OnTheList (danh sách các thứ cần mua khi đi chợ) cho phép người tiêu dùng chọn một \’\’giỏ hàng\’\’ gồm các loại thực phẩm thường được bán tại cửa hàng chế biến thức ăn sẵn \’\’Prêt à Manger\’\’ cũng như tiệm bánh ngọt \’\’The Cakery\’\’ với mức giá rất mềm, giảm ít nhất 50%. Trong vài tháng, OnTheList đã bán được hơn 25.000 giỏ hàng, mỗi giỏ tương đương với một kílô thức ăn.
Nhật Bản thành công nhờ noi gương Đan Mạch
Dân Singapore hay Hồng Kông vẫn chưa có thói quen \’\’tránh phung phí thực phẩm\’\’, trong khi Bắc Mỹ và Tây Âu đã cho ra đời ứng dụng Frigo Magic, nhằm mục đích chế biến một món ăn từ những gì bạn có sẵn trong tủ lạnh, những loại rau củ còn dư để lâu, nếu không biết làm gì sẽ bị quăng vài thùng rác. Tại châu Âu, hai nước Pháp và Ý đã ban hành lệnh cấm các siêu thị vứt bỏ thực phẩm không bán được và nếu cần thì tặng cho các hiệp hội từ thiện hay các quán ăn tình thương (Les Restos du Coeur) đem phân phát cho người nghèo. Tây Ban Nha hồi tháng 06/2022 cũng thông qua luật phạt vạ các hàng quán vứt bỏ thức ăn, đổi lại ngành này có thể cung cấp thêm cho ngành chăn nuôi hay ngành nông nghiệp để chế biến phân bón, mục đích của Tây Ban Nha là giảm đi một phần ba khối lượng thuc phẩm phung phí, lên tới 1,3 triệu tấn hàng năm.
Phong trào giảm phung phí thực phẩm đã giúp phổ biến nhiều ứng dụng hữu ích như Too Good To Go, ra mắt lần đầu tiên tại Đan Mạch vào năm 2016 và hiện được triển khai tại 17 nước kể cả Anh, Mỹ, Canada. Tính tổng cộng, ứng dụng này tạo kết nối giữa người tiêu dùng với ngành cung cấp thực phẩm. Các giỏ thực phẩm tương đương với 150 triệu bữa ăn được bán giảm giá vào mỗi ngày, nhờ người tiêu dùng mà tiết kiệm được các loại thức ăn mà đáng lẽ ra ngành công nghiệp sẽ vứt bỏ.
Noi gương Đan Mạch, Nhật Bản đã cho ra đời vào năm 2018 ứng dụng tiết kiệm thực phẩm Tabete, phỏng theo mô hình của Too Good To Go. Ứng dụng của Nhật Bản đã giúp tiết kiệm được gần 400.000 suất ăn, với tổng số hơn nửa triệu người sử dụng và hợp tác với gần 2.200 cửa hàng. Về phía ứng dụng Olio của Anh, công ty này đã được triển khai tại nhiều quốc gia châu Á, hoạt động dựa trên sức mạnh của tập thể cộng đồng và khá phổ biến tại Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Singapore, Thái Lan và Philippines.
Nhờ ứng dụng Olio, người dùng đã tiết kiệm được gần 60 triệu phần ăn tại nhiều nước châu Á. Tuy nhiên, phát triển bền vững còn là một khái niệm tương đối mới đối với nhiều người tiêu dùng. Cũng như chuyện tiết kiệm điện nước sinh hoạt hàng ngày, dùng các phương tiện giao thông công cộng thay vì xe hơi cá nhân trong thời buổi giá xăng dầu đang tăng cao, chuyện bớt phung phí thức ăn sẽ cần thời gian để có thể trở nên phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người tiêu dùng.