Công nghệ cao : Gián điệp Trung Quốc « săn mồi » trên đất Pháp

Đăng ngày: 23/08/2022

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa : Một nhân viên Hoa Vi (Huawei) trình diễn công nghệ 5G tại một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh, ngày 26/09/2018. AP – Mark Schiefelbein

Thanh Hà

Trong cuộc điều trần trước Hạ Viện Pháp hôm 13/07/2022, lãnh đạo SGDSN cơ quan đặc trách về Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia khẳng định gián điệp Trung Quốc hoạt động ở « quy mô lớn » trên lãnh thổ Pháp, quan tâm đến « nhiều lợi ích của chúng ta ». Các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp là những « miếng mồi ngon ».

Không hẹn mà trong chưa đầy một tháng, Anh, Pháp và Mỹ đồng loạt lên tiếng về các hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm vào phương Tây. Đầu tháng 7/2022 giám đốc MI5 cơ quan tình báo nội địa Anh và lãnh đạo Cục điều tra Liên Bang Mỹ FBI báo động Trung Quốc « gia tăng các hoạt động gián điệp thương mại ».

Ngày 22/07 đến lượt ông Richard Moore, giám đốc cơ quan tình báo MI6 theo dõi các hoạt động của các thực thể nước ngoài, tuyên bố Luân Đôn sẽ « huy động nhiều phương tiện hơn về Trung Quốc ».

Giữa hai thời điểm đó, trung tuần tháng 7, tại Paris, tổng thư ký cơ quan đặc trách về Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia Pháp – SGDSN, ông Stéphane Bouillon, trong cuộc điều trần tại Hạ Viện khẳng định : « Nhiều người Trung Quốc quan tâm đến những lợi ích » của Pháp bằng cách « xâm nhập »« theo dõi », các đối tượng cần quan tâm. Tựa như một con ma cà rồng hút máu, ở mọi cấp, tình báo Trung Quốc « hút » những thông tin cần thiết.

Cũng trong cuộc điều trần đó, quan chức này của Pháp đã nhấn mạnh : « Mỗi khi một thực tập sinh từ một số quốc gia –và chúng tôi đặc biệt chú ý đến những trường hợp từ Trung Quốc và Iran đến, ghi danh vào các trường đại học trong các ngành vật lý và hóa học SGDSN cho mở điều tra và có quyền can thiệp để từ chối đơn của các thí sinh nước ngoài nếu đánh giá đó là những hồ sơ khả nghi ». SGDSN có nhiệm vụ ngăn chận « một số công ty, đặc biệt là của Trung Quốc, để số này không phát triển, chiếm một vị trí quá lớn tại Pháp ». Stéphane Bouillon nêu rõ « viễn thông và một số lĩnh vực được coi là nhậy cảm » đối với an ninh quốc gia

Một cách cụ thể hơn, trong trường hợp của Pháp, nhân viên tình báo Trung Quốc hoạt động dưới hình thức nào, đâu là những mục tiêu trong tầm ngắm của Bắc Kinh và Pháp có những phương tiện nào để tự vệ,  hiệu quả đến đâu ? RFI tiếng Việt mời Pierre- Antoine Donnet, tác giả cuốn sách phát hành năm 2021 mang tựa đề Chine, le grand prédateur – Trung Quốc một kẻ săn mồi lớn, NXB Editions de l’Aube trả lời các câu hỏi này. Ông Donnet nguyên là tổng biên tập hãng tin Pháp AFP và là cộng tác viên thường xuyên của báo mạng chuyên về châu Á, Asialyst.  

Từ khi nào Trung Quốc đã trở thành mối lo ngại hàng đầu của cơ quan đặc trách về an ninh Pháp, SGDSN và tại sao ?

Pierre-Antoine Donnet : « Tháng 9/2021 một báo cáo đươc công bố đã cho thấy hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm vào phương Tây nói chung và đặc biệt là vào châu Âu đã tinh vi đến mức độ nào. Đó là báo cáo của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Quân Sự Pháp-IRSEM, một cơ quan trực thuộc bộ Quân Lực. Theo tài liệu hơn 650 trang với rất nhiều chi tiết này, tình báo Trung Quốc đa hình đa dạng và hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau : từ kinh tế đến công nghiệp, quân sự hay dọ thám để định hướng dư luận. Mọi người đều biết, trong quá khứ một số lãnh đạo hàng đầu của Pháp từng rơi vào những tình huống tế nhị đối với Bắc Kinh (…)

Các hoạt động tình báo đó dựa trên cơ sở một bài diễn văn của Tập Cận Bình hồi năm 2014. Lãnh đạo Trung Quốc đã định nghĩa cái gọi là « an ninh toàn diện » trong 5 lĩnh vực. Quan trọng nhất tất nhiên là « an ninh về mặt chính trị » kế tới là « an ninh kinh tế », là sự « ổn định của chế độ », là « an ninh về đối ngoại » và sau cùng là những điều cơ bản trong các hoạt động tình báo dựa theo mô hình của Nga, mà đứng đầu là những hoạt động dọ thám trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Chính trong mục tiêu này Bắc Kinh đã gài người vào các cơ quan nhà nước của quốc tế, vào các chính quyền để phục vụ quyền lợi của Trung Quốc ».  

Trong tác phẩm gần đây nhất ra mắt độc giả năm 2021, Pierre-Antoine Donnet đã dành nhiều trang để nói về các hoạt động dọ thám của Trung Quốc. Với RFI tiếng Việt ông giải thích : Trung Quốc chịu tung tiền để mua chuộc các quan chức phương Tây và đã « có nhiều chính khách hàng đầu của Pháp rơi vào bẫy ». Ở vào thời đại mà mạng xã hội là vua, thao túng thông tin, phao tin thất thiệt hay bóp méo sự thật, sử dụng cả một đội ngũ hùng hậu những « người lính cyber » để bôi nhọ đối phương, hướng dẫn dư luận không phải là chuyện khó làm.

Trong trường hợp của Pháp, gián điệp Trung Quốc nhắm vào những mục tiêu nào ? 

Pierre-Antoine Donnet : Những công nghệ của Pháp đã cho phép các kỹ sư Trung Quốc tiến bộ rất nhanh trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, trong ngành xây dựng các hệ thống đường sắt cao tốc LGV, trong ngành công nghiệp hàng không dân sự và quân sự. Nếu như Pháp và nhiều nước phương Tây khác mất hàng chục năm nghiên cứu và đã phải đầu tư rất nhiều mới đạt đến đỉnh cao trong những lĩnh vực này, thì Trung Quốc chỉ mất từ 10 đến 15 năm. Xin đơn cử một thí dụ rất rõ ràng : Trung Quốc đã xây dựng được một mạng lưới hơn 40.000 km đường sắt cho tàu cao tốc LGV trong chưa đầy 20 năm. Pháp đã phải mất đến 4 chục năm để có được chưa đầy 10.000 km. Nhân viên Trung Quốc đã hoạt động rất tốt trong nhiệm vụ đánh cắp thông tin công nghệ của Pháp.

Một hồ sơ gián điệp công nghiệp khác Pháp nói riêng và châu Âu nói chung vẫn chưa « nuốt trôi » liên quan đến ngành công nghiệp chế tạo máy bay dân dụng :

Pierre-Antoine Donnet : Airbus đã phát hiện là các dữ liệu mật của tập đoàn bị đánh cắp mà thủ phạm rõ ràng là những tin tặc Trung Quốc. Ít lâu sau thì Trung Quốc trình làng kiểu máy bay dân sự COMAC C919, giống loại A320 của Airbus như hai giọt nước. C919 của Trung Quốc đã dễ dàng vượt qua các đợt bay thử nghiệm. Thế nhưng nhà sản xuất Trung Quốc chưa làm chủ toàn bộ các khâu sản xuất và đang bị kẹt ở chặng thiết kế động cơ. Đây là một lĩnh vực mà Trung Quốc còn lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ và châu Âu.

Làm thế nào để giải thích Trung Quốc đã dễ dàng rút được những bí quyết công nghiệp, về công nghệ cao của Pháp như vậy ?

Pierre-Antoine Donnet : Ở đây có hai yếu tố quyết định. Thứ nhất là « tiền » : Ai cũng ham lợi. Thí dụ hiển nhiên nhất là các tập đoàn Pháp trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, từ AREVA, FRAMATOME đến EDF đều đã chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc vì muốn chen chân vào thị trường đầy tiềm năng này. Các tập đoàn đó chỉ nhìn thấy tiền và triển vọng tươi sáng ở Trung Quốc nên đã dễ dàng và bất cẩn ký hợp đồng với đối tác này. Nhờ vậy Trung Quốc giờ đây đã làm chủ toàn bộ ngành công nghiệp hạt nhân dân sự : từ khâu thiết kế nhà máy điện nguyên tử đến công tác bảo trì và nhất là các kỹ thuật tân tiến nhất. Nhờ công nghệ của Pháp, hai nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới EPR đã hoạt động tại Trung Quốc từ 2018 và 2019. Pháp thì nhà máy ở Flamanville đã trễ hơn 15 năm, giá thành liên tục bị đội lên.

Yếu tố thứ nhì là một sự ngây thơ đến phải hổ thẹn của phương Tây, để bây giờ mọi người mới bừng tỉnh, hốt hoảng nhìn lại vấn đề và tự hỏi « vì sao ra nông nỗi này ? ». Âu Mỹ từng lầm tưởng rằng Trung Quốc biết giữ chữ « Tín » và mãi mới phát hiện ra rằng, Trung Quốc không tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng, không sòng phẳng, không thẳng thắn. Giờ đây Pháp, Mỹ hay Nhật … mới thấy rõ rằng Trung Quốc không chỉ là cơ xưởng của thế giới mà đang trở thành « phòng thí nghiệm » của thế giới.

Mất trộm rồi mới rào giậu ? Liệu đã quá trễ hay chưa để ngân chận các hành vi đánh cắp thông tin mật về kinh tế, những bí quyết về kỹ thuật ? Trung Quốc có còn cần đến những bí quyết đó của phương Tây nữa hay không ? 

Pierre-Antoine Donnet : Cá nhân tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đạt đến đích, bởi vì phương Tây đang bừng tỉnh để nhận thấy rằng chính quyền nước này – tôi không nói là người Trung Quốc, mà chính quyền Bắc Kinh, gian dối. Trung Quốc từ lâu nay lừa bịp thiên hạ và còn tiếp tục theo hướng đó. Phương Tây thì bây giờ mới hiểu ra rằng không thể tin được Trung Quốc. Chính vì ngây thơ mà Âu Mỹ đã đánh mất hàng ngàn, hàng chục ngàn công việc làm và còn nhiều hơn thế nữa.

Pháp có thể làm được gì để giữ công nghệ và những phát minh trước các hoạt động ráo riết của ngành tình báo Trung Quốc ? Những công cụ đó nếu được áp dụng một cách nghiêm chỉnh có hiệu quả đến đâu ?

Pierre-Antoine Donnet : Trước hết là ngừng mọi chương trình chuyển giao công nghệ mà không có những bảo đảm hay những cơ sở pháp lý vững chắc. Trong mọi hợp đồng với các đối tác Trung Quốc, mỗi chi tiết đều phải được  « soi rọi », cân nhắc rất kỹ với những điều khoản rất, rất chính xác. Thứ hai nữa là Pháp có cả một cơ quan phản gián để ngăn chận những hoạt động tình báo của tất cả các quốc gia khác, đứng đầu là Trung Quốc, để ngăn chận những vụ bòn rút thông tin mật. Công cụ thứ ba theo tôi đơn thuần là chiến lược tự chủ về công nghiệp, về kinh tế. Trong giai đoạn dịch Covid chúng ta thấy là Pháp lệ thuộc đến 80 % vào chất giảm đau paracétamol nhập từ Trung Quốc và 20 % nhập từ Ấn Độ. Từ đó Pháp nói riêng, Liên Âu nói chung đã rút ra được một bài học đó là không để lệ thuộc vào quốc gia nào trong các lĩnh vực then chốt đối với kinh tế, an ninh … và nhất là trong các công nghệ mới mà chúng ta thường gọi là « công nghệ của tương lai ».

Cơ quan an ninh Pháp SGDSN không được thông báo về chương trình hợp tác giữa hệ thống các trường đào tạo kỹ sư ParisTech của Pháp với trường đại học nổi tiếng của Tây An bị nghi là có liên hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Tháng 10/2022 thượng nghị sĩ Stéphane Piednoir vùng Maine et Loire, miền tây nước Pháp, chất vấn bộ trưởng đặc trách về Giáo Dục cấp Đại Học, về các chương trình Nghiên Cứu và Phát Minh, bà Frédérique Vidal về các biện pháp ngăn ngừa các tổ chức nước ngoài xâm nhập vào các trường đại học và các viện nghiên cứu quốc gia. Ông cũng đã nêu bật trường hợp cụ thể về hợp tác với đại học Tây An. Từ đó tới nay, bộ Giáo Dục cấp đại học Pháp đã đổi chủ, Paris vẫn chưa trả lời câu hỏi của thượng nghị sĩ Piednoir.

Theo tiết lộ của báo Télégramme (03/07/2022), vùng Bretagne (tây bắc nước Pháp) có sức hấp dẫn cao đối với Trung Quốc nhờ vào các trường đại học, các trường kỹ sư công và tư vào các phòng thí nghiệm trong lĩnh vực phòng thủ không gian. Đây cũng là nơi có căn cứ hải quân và các trường võ bị.

Một vùng hẻo lánh khác là Châteauroux, cách thủ đô Paris 270 km về phía tây nam cũng có sức « thu hút cao » bởi đây là một trong bốn trung tâm Hải Quân Pháp liên lạc với các tàu ngầm hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Tờ báo địa phương này cho rằng không phải tình cờ mà Hoa Vi mở nhà máy tại Brumath, vùng Bas Rhin, (đông bắc). Chung quanh thành phố với chưa tới 10.000 dân cư này có nhiều căn cứ của « các đơn vị lục quân chuyên thu thập thông tin tình báo, và một cơ sở của Tổng Cục An Ninh Đối Ngoại DGSE ».  

Bài Liên Quan

Leave a Comment