Đăng ngày: 24/08/2022
Trung Quốc là một trong những nước hiếm hoi không lên án cuộc chiến do tổng thống Nga phát động ở Ukraina. Bị phương Tây cô lập và trừng phạt, Nga ngày càng xích lại gần với Trung Quốc. Mối quan hệ song phương từng được lãnh đạo ngoại giao hai nước khẳng định “vững như bàn thạch”. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp tổng thống Vladimir Putin vào tháng 11/2022 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tổng kết mối quan hệ Nga-Trung trong sáu tháng vừa qua :
“Đó có thể là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau gần 3 năm dịch Covid dù thông tin vẫn chưa được chính thức xác nhận. Lời mời đã được tổng thống Indonesia chuyển tới ông Tập ở Bắc Kinh vào tháng 7. Nếu chủ tịch Tập Cận Bình đến Bali vào tháng 11, ông sẽ gặp đồng nhiệm Nga, dù hình ảnh sẽ không giống như hồi tháng 02, khi Trung Quốc tìm cách phá vỡ thế khá cô lập do các nước phương Tây tẩy chay ngoại giao lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông.
Sau 6 tháng chiến tranh ở Ukraina, sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào thị trường Trung Quốc, mà nhiều người gọi là “chư hầu”, ngày càng rõ nét. Matxcơva gia tăng cơ hội xuất hiện với cường quốc thứ hai thế giới. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc dựa được vào đồng minh Nga để chống lại điều mà Bắc Kinh coi là “bao vây chiến lược” của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
Cùng phô trương sức mạnh quân sự và mối quan hệ chặt chẽ ở thượng tầng Nhà nước, ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đã gặp nhau trực tiếp khoảng 20 lần. Hai nhà lãnh đạo có chung tham vọng hồi sinh và tìm lại sức mạnh, đối lập với điều mà họ gọi là một “trật tự đơn phương” đến hồi suy tàn”.