Châu Mỹ Latinh : Gầy dựng lại ảnh hưởng, Mỹ đã chậm bước trước Trung Quốc ?

Đăng ngày: 25/08/2022

\"\"
\"\"
Cerro Rico, Potosi, một mỏ bạc lớn của Bolivia. © Wikipedia

Minh Anh

Châu Mỹ Latinh, một ông khổng lồ khác của thế giới, Hoa Kỳ, sau 15 năm ngó lơ, chợt nhận ra đang bị mất dần ảnh hưởng tại nơi được cho là « sân sau » của mình. Những nỗ lực gần đây của chính quyền Biden nhằm tái tạo niềm tin đối với các nước trong khu vực nay vấp phải một sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ thế kỷ : Trung Quốc. Một số chuyên gia tại Pháp bi quan cho rằng, sự trở lại của Mỹ vào lúc này dường như đã muộn màng.

Châu Mỹ Latinh : « Xa Thượng Đế, Gần Hoa Kỳ »

Ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại châu Mỹ Latinh đã bị mất, mà bằng chứng cụ thể là việc tổng thống Mêhicô, Andres Manuel Lopez Obrador (còn được gọi tắt là AMLO) đã tẩy chay thượng đỉnh các nước châu Mỹ do tổng thống Joe Biden tổ chức ở Los Angeles hồi tuần đầu tháng Sáu năm nay. Ông chỉ trích mạnh mẽ đồng nhiệm Mỹ đã không mời Nicaragua, Cuba và Venezuela với lý do nhân quyền.

Theo quan điểm của báo Pháp L’Opinion, giống như phần còn lại của thế giới, hình thức quản trị của Mỹ không còn làm cho các nước láng giềng mơ đến nữa. Một nghiên cứu của đại học Vanderbilt, thực hiện hồi tháng 11/2021 tại 22 quốc gia châu Mỹ Latinh, cho thấy tình trạng xói mòn các giá trị dân chủ, khi chỉ nhận được 61% sự ủng hộ thay vì 68% trong năm 2010. Tại những đồng minh truyền thống, uy tín của Mỹ dao động từ 77% như tại Colombia xuống còn 62% ở Chi-lê, theo như một thăm dò của Morning Consult.

Với diện tích rộng gần 20 triệu km² và gần 650 triệu dân, châu Mỹ Latinh bao gồm Nam Mỹ, các nước vùng biển Caribê và Trung Mỹ, được ví như là một bức tranh mầu đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chính trị. Giầu tài nguyên khoáng sản, tiểu lục địa này từng là một trong những đầu tầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào đầu thế kỷ XXI, và hiện nắm giữ một kỷ lục buồn – khu vực bất bình đẳng nhất thế giới – từ lâu luôn sống dưới chiếc bóng nặng nề của Mỹ. Cựu tổng thống Mêhicô, Porfirio Diaz (1830 – 1915) từng nhận xét như sau về vị trí của đất nước : « Tuy xa Thượng Đế, mà gần Hoa Kỳ ». Một nhận định có thể áp dụng cho phần còn lại của cả khu vực : Sân sau, lệ thuộc,…

Thế nên, ngay từ những năm 1960, các nước châu Mỹ Latinh đã tìm cách thoát dần khỏi sự bảo hộ của Mỹ, tập hợp lại trong nhiều tổ chức khu vực để bảo vệ tốt hơn các lợi ích của mình. Một loạt các định chế ra đời : Từ Hiệp hội tự do mậu dịch châu Mỹ Latinh (1960), Cộng đồng dãy Andes (1969), Liên minh Thái Bình Dương (2012) cho đến Thị trường chung Nam Mỹ – Mercosur, Cộng đồng các quốc gia châu Mỹ Latinh và vùng Caribê vì sự hội nhập và phát triển – Celac, Liên minh Bolivar các nước châu Mỹ Latinh – Alba hay như Thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ – Alena (2018) sau trở thành Thỏa thuận Canada – Hoa Kỳ – Mêhicô… Một chiếc kính vạn hoa minh chứng cùng lúc mong mỏi và sự bất lực hợp nhất của châu Mỹ Latinh, theo như nhận xét của bà Sabine Jansen, giáo sư CNAM, tổng biên tập tạp chí Questions Internationales.

« Hòn đảo ngoại vi » của Mỹ, « mồi ngon » của Trung Quốc ?

Mặt khác, cũng theo vị giáo sư này, châu Mỹ Latinh – « hòn đảo ngoại vi » như thuật ngữ địa chính trị của Halford Mackinder – đã dần bị Hoa Kỳ bỏ lơ ngay từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc vào những năm 1990. Trên đài RFI, giáo sư Sabine Jansen giải thích :

« Quả thật từ cuối chiến tranh lạnh, đã có một dạng bỏ rơi và xu hướng này còn trầm trọng hơn sau vụ khủng bố năm 2001, do Mỹ tập trung nhiều vào vùng Trung Đông. Rồi kể từ năm 2011, người ta còn thấy có một sự chuyển trục sang châu Á, để rồi sau cùng châu Mỹ Latinh thật sự trở thành một kiểu sân sau bị bỏ lơ trong một quãng thời gian dài. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn dưới thời Donald Trump.

Ngày nay, người ta nhận thấy rõ là có một nỗ lực từ Joe Biden để tìm cách quay lại, làm chủ trở lại tình hình. Nhiều quan chức Mỹ tỏ ra lo lắng, kể cả giới chức quân sự, cho an ninh quốc gia và nhất là bởi vì Hoa Kỳ đang lao vào một cuộc đọ sức lớn với Trung Quốc. Nước Mỹ chợt nhận ra rằng họ đang phó mặc tiểu lục địa này, chỉ cách nhà mình có hai bước, cho Trung Quốc thao túng. »

Hai bề giáp đại dương là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, ngoại trừ một số nước nằm sâu trong lục địa, rất nhiều nước tại châu Mỹ Latinh dễ dàng kết nối với thế giới. Nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, đặc biệt là về nước ngọt và cây rừng, đã biến vùng tiểu lục địa này thành « miếng mồi » ngon rất được nhiều nước thèm muốn, nhất là Trung Quốc.

Trong vòng hai thập niên qua, Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ lớn các khoáng sản dãy núi Andes, dầu khí Nam Mỹ và nguồn tài nguyên nông nghiệp bao la của Achentina và Brazil – đã dần bắt rễ tại khu vực mà không làm Hoa Kỳ mảy may bận tâm. Theo ước tính, trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và châu Mỹ Latinh đã tăng vọt từ 18 tỷ đô la trong năm 2003 lên 450 tỷ vào năm 2021. Bắc Kinh trở thành đối tác hàng đầu của Brazil, Chilê, Pêru và Uruguay.

Sự quan tâm của Trung Quốc đối với khu vực không chỉ dừng ở thương mại và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, mà còn cả trên bình diện ngoại giao. Theo số liệu từ Council on Foreign Relations – Hội đồng Đối ngoại cung cấp, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã 11 lần đến thăm khu vực kể từ khi ông lên cầm quyền năm 2013.

Trong khi đó, Hoa Kỳ làm điều ngược lại, nếu tính số ngày tổng thống Mỹ Obama đến châu Á, cao hơn nhiều so với số lần đến châu Mỹ Latinh. Nhật báo Công giáo La Croix (29/05/2022) lưu ý thêm rằng đã có 21 nước trong khu vực tham gia dự án « Những con đường tơ lụa mới » của Bắc Kinh và nhất là những năm gần đây nhiều nước Trung Mỹ như Nicaragua và Panama đã ngừng công nhận Đài Loan.

Sự thức tỉnh muộn màng của Mỹ

Trước đà ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn tại khu vực, đô đốc Craig Faller, lãnh đạo bộ chỉ huy phía nam (Southcom), phụ trách vùng châu Mỹ Latinh trong phiên điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ hồi năm 2021 đã gióng chuông báo động : « Hoa Kỳ đang mất các lợi thế của mình tại vùng bán cầu này và cần hành động ngay tức thì để đảo ngược tình thế. »

Trong bối cảnh này, đối với tổng thống Mỹ Joe Biden, làm thế nào chống lại đà đi lên của Trung Quốc tại châu Mỹ Latinh là điều khẩn cấp. Washington lo ngại trước việc cả những đồng minh quan trọng của Mỹ như Colombia hay Chilê không kháng cự được sức cám dỗ từ Bắc Kinh. Những nước này đã mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, giao thông… Thế nên, tại Thượng đỉnh các nước châu Mỹ, chủ nhân Nhà Trắng đã thông báo một chương trình « Đối tác Châu Mỹ vì sự thịnh vượng kinh tế ».

Theo Nhà Trắng, mục tiêu của chương trình là tái kích hoạt các định chế khu vực như Ngân hàng Phát triển toàn châu Mỹ, nhằm khuyến khích các đầu tư tư nhân, kích thích tăng trưởng kinh tế xanh và chống tham nhũng, nhưng cùng lúc tăng cường trao đổi thương mại. Tuy nhiên, đối với Olivier Compagnon, giáo sư Lịch sử Đương đại thuộc Viện Nghiên Cứu Châu Mỹ Latinh, đây lại là một sự thức tỉnh khá muộn màng từ Washington. Trong chuyên mục Tranh luận Địa chính trị đài RFI, ông phân tích :

« Ngày nay chúng ta có cảm giác là Washington đang thức tỉnh, vì những cân nhắc địa chính trị, nghĩa là trong khuôn khổ cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc, nhưng cùng lúc cũng vì những cân nhắc đôi khi mang tính thực dụng hơn vì còn có nhiều thách thức khác. Đừng quên rằng ngày nay còn có vấn đề liltium, một thách thức chiến lược cho những năm sắp tới. Tam giác lithium gồm Chi-lê, Bolivia và Achentina là một trong những thách thức lớn trong nửa thế kỷ còn lại trên phương diện khai thác. Đúng là ở đây có một thiện chí tái chinh phục vị thế nhưng rủi thay dường như đã bị thua xa. »

Cho vay : Vũ khí chiến thuật của Bắc Kinh

Quan sát này không được giáo sư Isabelle Vagnoux, chuyên gia về Hoa Kỳ trường đại học Aix – Marseilles trong cùng chương trình của RFI tán đồng khi cho rằng Mỹ vẫn có những lợi thế nhất định là nằm trên cùng châu lục và cũng là thị trường gần gũi nhất của tiểu lục địa, nhất là trong bối cảnh Washington đang nỗ lực tái di dời nhà xưởng về trong nước hay các nước lân cận. Điều này không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ và nhiều nước khác trong vùng, mà còn giúp bình ổn vấn đề di dân và an ninh khu vực.

Dù vậy, Sabine Jansen, tổng biên tập tạp chí Questions Internationales tỏ ra bi quan khi kết luận rằng Hoa Kỳ đã phần nào chậm bước so với Trung Quốc tại bán cầu nam của châu lục. Trên làn sóng RFI, bà nhắc lại :

« Đúng là hơi bị muộn. Trung Quốc đã cho một số nước châu Mỹ Latinh vay đến 180 tỷ đô la. Colombia, đồng minh của Mỹ, cũng đã cho Bắc Kinh thầu nhiều hợp đồng lớn như dự án tầu điện ngầm ở Bogota. Ngay cả những nước được cho là vùng an toàn của Mỹ, sự hiện diện của Mỹ vẫn còn đó, nhưng đang chứng kiến sự ảnh hưởng, sự hiện diện của Trung Quốc có ở khắp các cảng biển lớn của châu Mỹ Latinh. Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc đã đặt ra một số nền móng vững chắc để bảo vệ và họ sẽ không dễ gì ra đi như thế ! »

Đương nhiên, ý đồ này của Mỹ đã bị Trung Quốc lên tiếng « dằn mặt ». Khi ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken có vòng công du Nam Mỹ hồi tháng 10/2021, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của chế độ Bắc Kinh đã có bài bình luận giọng điệu răn đe : « Việc Hoa Kỳ ra sức thu hút các nền kinh tế khu vực chỉ vì lợi ích địa chính trị của mình là không thích hợp ». Bài viết ngạo mạn nhắc rằng Trung Quốc giờ đã là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước Nam Mỹ như Brazil, Chilê và Pêru từ nhiều năm qua, và nước này sắp trở thành một đối tác mới với Achentina.

Nhưng nhà nghiên cứu của Pháp Emmanuel Veron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại tại Inalco trong một nghiên cứu cũng nhắc thêm rằng Bắc Kinh sử dụng « nợ vay như là một vũ khí chiến thuật nhằm khẳng định chiến lược đa dạng hóa nguồn cung khoáng sản và nông nghiệp và để làm đối trọng với các cường quốc đối thủ, đi đầu là Hoa Kỳ. »

Bài Liên Quan

Leave a Comment