Đăng ngày: 25/08/2022
Theo dự kiến, ngày 27/08/2022, đức giáo hoàng Phanxicô, sẽ tấn phong 20 hồng y mới. Nhiều người trong số này, một ngày nào đó, có thể chọn giáo hoàng kế nhiệm. Sự kiện, được gọi là Công Nghị, đang được đặc biệt theo dõi, trong bối cảnh chính giáo hoàng Phanxicô gần đây đã gợi lên khả năng nghỉ hưu do sức khỏe giảm sút.
Theo hãng tin Pháp AFP, 20 tân hồng y được đề cử bao gồm những người được biết đến với quan điểm tiến bộ và công việc mục vụ. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, từ Brazil, Nigeria, cho đến Ấn Độ, Singapore và Đông Timor.
Sau lễ tuyên thệ vào thứ Bảy 27/08 tại Thánh Đường Thánh Phêrô, các tân hồng y sẽ tham gia một cuộc họp hai ngày của toàn bộ các hồng y bắt đầu từ thứ Hai 29/08. Cuộc họp đã được triệu tập từ đầu năm nay để thảo luận về vấn đề điều hành giáo hội, nhưng làm dấy lên suy đoán về khả năng đương kim giáo hoàng chuẩn bị đường từ nhiệm.
Tháng Bảy vừa qua, chính giáo hoàng Phanxicô, vốn đã hủy bỏ nhiều sự kiện trong những tháng gần đây và phải sử dụng xe lăn vì đau đầu gối, cho biết là “cánh cửa” để ngài rút lui đang “rộng mở”.
Nếu giáo hoàng Phanxicô theo gương người tiền nhiệm Benedictô XVI và từ chức, một “Mật Nghị” tập hợp tất cả các hồng y dưới 80 tuổi sẽ được triệu tập để chọn người kế vị.
Kể từ cuối tuần này, sẽ có khoảng 90 trong số 132 hồng y đủ điều kiện để bầu tân giáo hoàng, tức là khoảng 2/3 tổng số hồng y, một tỷ lệ cần thiết để thông qua bất kỳ ai được đề cử làm tân lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo.
Việc đề cử ai làm hồng y luôn luôn được xem xét kỹ lưỡng về tính cách là một chỉ dấu cho thấy định hướng tương lai của Giáo Hội Công Giáo và các ưu tiên của Giáo Hội đối với 1,3 tỷ tín đồ trên thế giới. Tuy nhiên, trả lời AFP, chuyên gia Pháp về Tòa Thánh Vatican Bernard Lecomte cho rằng lựa chọn của giáo hoàng Phanxicô không nhất thiết đảm bảo rằng vị giáo hoàng tiếp theo sẽ là người phản ánh các ưu tiên của chính Phanxicô.
Phanxicô: Một giáo hoàng “cấp tiến”
Dẫu sao thì từ ngày lên làm giáo hoàng đến nay, Phanxicô đã nỗ lực nhằm làm cho Giáo Hội hòa nhập hơn, minh bạch hơn và tập trung vào những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Năm nay, vị giáo hoàng người Achentina đã hoàn thành một công cuộc cải tổ lớn đối với guồng máy quản lý Vatican đầy quyền lực. Ngài đã đề cử những hồng y đã bác bỏ hệ thống cấp bậc hiện hành và hiện trạng của Giáo Hội, đồng thời góp phần phá bỏ thế thống trị kéo dài hàng thế kỷ của người châu Âu trong Giáo Hội.
Virgilio Do Carmo Da Silva, tổng giám mục giáo phận Dili, vào thứ Bảy tới đây, sẽ trở thành hồng y đầu tiên của nước Đông Timor nhỏ bé, một quốc gia có đa số dân Công Giáo áp đảo ở Đông Nam Á.
Một hồng y mới khác là Robert McElroy, giám mục 68 tuổi của thành phố San Diego, California (Hoa Kỳ), người đã ủng hộ người Công Giáo đồng tính và chỉ trích những động thái truất quyền rước lễ nhắm vào các chính khách Mỹ – như tổng thống Joe Biden chẳng hạn – đã ủng hộ việc phá thai.
Cách đây hai năm, đức giáo hoàng Phanxicô đã làm nên lịch sử khi đề cử làm một hồng y một người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên – tổng giám mục Wilton Gregory thuộc giáo phận Washington.
Và thứ Bảy tới đây cũng sẽ chứng kiến lễ tấn phong của vị hồng y trẻ nhất trên thế giới, nhà truyền giáo người Ý Giorgio Marengo, 48 tuổi, đang hoạt động tại Mông Cổ.