RFA
2022.08.25
Bà Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều bản báo cáo nhân quyền song ngữ trong đó có \”Báo cáo Đồng Tâm\”
Trong phiên toà phúc thẩm kéo dài khoảng ba giờ đồng hồ ngày 25/8, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên mức án chín năm tù giam đối với nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang cho tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ.
Bà Trang, 44 tuổi, bị bắt vào đầu tháng 10 năm 2020, và sau đó bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết tội trong phiên sơ thẩm vào cuối tháng 12 năm 2021.
Có bốn luật sư bào chữa cho nhà báo người Hà Nội trong phiên tòa, cho biết bà không thừa nhận tội, giữ im lặng trong phần lớn thời gian xử án. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói qua điện thoại:
“Luật sư Nguyễn Văn Miếng khi ông đề cập tới sự xung đột về pháp luật giữa điều luật của Việt Nam và điều ước quốc tế, luật sư phân tích bị chủ toạ phiên toà chặn lại không cho phát biểu và nói rằng ở đây toà xử theo pháp luật Việt Nam.”
Luật sư Phúc cũng cho biết đồng nghiệp của ông cũng bị chủ toạ ngắt lời khi nói rằng thân chủ Phạm Đoan Trang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bằng việc trao nhiều giải thưởng uy tín cho bà nhưng lại bị nhà nước Việt Nam bỏ tù.
Ông cho biết thái độ của thẩm phán chủ toạ phiên toà tương đối ôn hoà trong khi đại diện Viện Kiểm sát tỏ rõ sự thù địch đối với thân chủ của ông. Trong khi chủ toạ phiên toà đồng ý để bà Trang ngồi khi phát biểu, công tố viên lại hay phản đối điều này.
Mạng báo Tuổi trẻ dẫn lại nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX) trong phiên tòa cho rằng, hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội. Xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
\”Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn tích cực thực hiện trong một thời gian dài, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh\”, HĐXX nhận định.
Bà Trang, vì lý do sức khoẻ và có lẽ cũng là thái độ của bà đối với phiên toà, ngồi trên ghế suốt quá trình xử án, và chỉ đứng lên một lúc khi chủ toạ phiên toà đọc phần đầu của bản tuyên án. Luật sư Phúc thuật lại:
“Về phần bào chữa không được sôi động như phiên sơ thẩm. Lý do một phần vì bị cáo – cô Phạm Thị Đoan Trang không thiết tha gì đến việc lên tiếng.
Khi toà hỏi, cô ấy nói không có nhu cầu hỏi đáp và tranh luận, toà có thể sớm xử và phán quyết thế nào thì cứ tuyên án….
Cô nói bản án đã sắp xếp rồi, án bỏ túi và cho dù cô ấy có nói gì cũng không đi đến đâu. Cô ấy từ chối một số câu hỏi của thẩm phán và nhiều câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát.”
Thậm chí, thay vì trả lời câu hỏi của công tố viên về môi trường và nhân quyền tác giả của nhiều báo cáo nhân quyền chất vấn ngược lại.
“Khi viện kiểm sát hỏi vì sao và căn cứ vào cơ sở nào bị cáo lại quan tâm đến vấn đề về môi trường và bị cáo có thẩm quyền gì để quan tâm, bà Trang hỏi ngược lại ‘văn bản pháp luật nào quy định công dân không được quan tâm đến môi trường?’” – Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói rằng, đại diện Viện kiểm sát cũng nhận được câu chất vấn tương tự khi hỏi về tôn giáo và nhân quyền.
Các luật sư cho biết, thân chủ của họ là công dân có ý thức trách nhiệm trước xã hội và cộng đồng, một nhà báo chân chính, dấn thân muốn lên tiếng về những vấn đề về môi trường, bất công, nhân quyền, bảo vệ phẩm giá con người … Những phát biểu và việc làm của cô ấy vượt ra khỏi khuôn phép hiện nay nhưng không có nghĩa là cô ấy hành động không chính đáng và vi phạm pháp luật.
Họ cho rằng việc kết án của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội trong phiên sơ thẩm là bất công và cần phải được xem xét để tuyên vô tội và trả tự do ngay tại toà. Kết thúc bài bào chữa của mình, ông Phúc nói:
\”Nếu nỗ lực bào chữa của các luật sư để bào chữa cho bị cáo, sự lên tiếng của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chưa làm thay đổi được quan điểm của cơ quan nhà nước và cơ quan toà án thì các ông cứ kết án cô Phạm Đoan Trang nhưng lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!\”
Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, cho RFA biết về cảm nghĩ của bà sau khi nghe phán quyết của tòa.
“Tình huống xảy ra như thế gia đình cũng đã lường trước rồi, cũng không ngỡ ngàng lắm. Bởi vì luật của Việt Nam là xử án bỏ túi mà. Họ chỉ đạo từ bên trên chứ đâu phải bản án được quyết định từ dưới này sau khi luật sư bào chữa đâu.”
Bà cho biết bà cùng con trai đến khu vực xử án từ sớm nhưng không được bảo vệ cho vào trong. Đại diện một số cơ quan ngoại giao ngoại quốc của Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) và các Đại Sứ quán Hoa Kỳ, Cộng hoà Séc, Đức, và Thuỵ Sĩ đã đến nhưng không được vào phòng xử án cho dù họ đã có đơn đề nghị được vào quan sát phiên toà công khai.
Phía toà án nói đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài cần làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam chứ toà án không có thẩm quyền cho họ vào dự khán, bà Căn bổ sung.
Nhiều người thuộc giới bất đồng chính kiến ở Hà Nội phàn nàn trên Facebook rằng họ bị an ninh địa phương canh gác ở gần tư gia và không cho họ đi ra ngoài nhằm ngăn cản họ đến khu vực xử án để đồng hành cùng gia đình bà Phạm Đoan Trang.
Theo cáo trạng, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, bà Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bà Trang, từng làm phóng viên và cộng tác cho các tờ báo nhà nước Việt Nam, bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực và một số báo cáo song ngữ, trong đó có Báo cáo Đồng Tâm.
Bà đồng thời cũng là một trong các sáng lập viên hai tờ báo độc lập Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese, một tạp chí nhân quyền viết bằng tiếng Anh.
Vì các hoạt động nhân quyền và viết lách của mình, bà Phạm Đoan Trang đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hoà Séc), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).
Trước phiên xét xử, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), và Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trang.