Công nghệ bán dẫn : Hàn Quốc, trọng tài trong cuộc đọ sức Mỹ – Trung

Đăng ngày: 26/08/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Mỹ Joe Biden, từ Nhà Trắng, nghe ông Chey Tae-won, chủ tịch tập đoàn SK Group phát biểu, Washington, Mỹ, ngày 26/07/2022. AP – Susan Walsh

Thanh Hà

Hàn Quốc đang nắm giữ một chìa khóa của công nghệ tương lai nhờ hai nhà sản xuất chip điện tử Samsung Electronics và SK Hynix. Đấy là phúc hay họa vào lúc công nghệ bán dẫn đã trở thành một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ? Bắc Kinh có những chiêu bài nào để vừa dụ, vừa dọa Seoul, một đồng minh chiến lược của Washington 

Viễn cảnh Hàn Quốc chuẩn bị tham gia liên minh Chip 4 với Hoa Kỳ, Nhật Bản và đương nhiên là nhà sản xuất bọ điện tử quan trọng nhất của thế giới là Đài Loan vào cuối tháng 8 hay đầu tháng 9/2022, là cái gai mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul. Chính quyền Biden đã có sáng kiến tổ chức một cuộc họp giữa 4 quốc gia dân chủ và tự do, 4 nhà sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thế giới và đều là những đồng minh của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh coi sự kiện này như một mối đe dọa « trực tiếp » nhắm vào nền kinh tế thứ hai của thế giới. Tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc, Park Jin tại Thanh Đảo hôm đầu tháng, ngoại trưởng Vương Nghị tránh nêu đích danh Hoa Kỳ nhưng đã lên án mọi hành vi « chính trị hóa kinh tế, khai thác các chuẩn mực về thương mại, quân sự làm tổn hại đến ổn định của các chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu ». Ông Vương Nghị kêu gọi Hàn Quốc « duy trì an ninh và ổn định » cho các chuỗi cung ứng đó của thế giới.

Đối thoại giữa hai ông Vương Nghị, Park Jin chưa hạ màn, thì tại Washington tổng thống Joe Biden hôm 10/08/2022 ký sắc lệnh ban hành đạo luận « Chip and Science Act », đặt nền tảng phát triển công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ. Kèm theo đó là một ngân sách hơn 50 tỷ đô la trợ cấp cho các tập đoàn Mỹ và cả các công ty nước ngoài đầu tư vào Hoa Kỳ. Trong số đó có Samsung hay SK Hynix của Hàn Quốc. Để nhận được trợ cấp của chính phủ Mỹ, các đối tác nước ngoài phải cam kết ngừng đầu tư tại Trung Quốc trong vòng 10 năm.

Bắc Kinh thấy rõ viễn cảnh các nhà máy của Samsung tại Tô Châu, Tây An, của SK tại Vô Tích hay Đại Liên không được phát triển thêm trong thập niên sắp tới. Đây sẽ là một « tai họa » có nguy cơ chận đứng tham vọng biến Trung Quốc thành một mắt xích quan trọng của công nghệ mới, vốn lệ thuộc đến 13% vào linh kiện bán dẫn của Hàn Quốc. Theo lời một chuyên gia Hàn Quốc thuộc cơ quan tư vấn tài chính SK Securities, các nhà sản xuất chip của Trung Quốc còn « thua xa » hai tập đoàn Hàn Quốc.

Về phía Hàn Quốc, chính quyền của tổng thống Yoon Suk Yeol không mấy thoải mái trước đề nghị của Washington tổ chức hội nghị Chip 4. Về an ninh, về chiến lược, Seoul lệ thuộc vào Mỹ chủ yếu là trước đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Về đối ngoại, Hàn Quốc đương nhiên gần gũi với Hoa Kỳ hơn với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc là một thị trường lớn của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực, kể cả về công nghệ bán dẫn, linh kiện điện tử… Năm ngoái, 60% chip của Hàn Quốc xuất khẩu sang Hoa Lục và Hồng Kông. Tổng trao đổi mậu dịch giữa hai quốc gia đông bắc Á này đã được nhân lên gấp 50 lần so với cách nay 30 năm. Trung Quốc vừa là khách hàng vừa là một nhà đầu tư có trọng lượng trên xứ Hàn.

Hơn nữa, Bắc Kinh là một điểm tựa của chế độ rất khép kín ở Bình Nhưỡng trong tay ông Kim Jong Un. Đâu đó Trung Quốc nắm giữ một trong những chiếc chìa khóa về an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Seoul ý thức rõ được điều đó cho nên như xã luận của báo Nhật Yomiuri Shimbun (ngày 26/08/2022) ghi nhận tổng thống Yoon Suk Yeol vừa lên cầm quyền từ tháng 5/2022 luôn nhấn mạnh đến những giá trị phổ quát như « tự do »« dân chủ » và thể hiện quyết tâm củng cố quan hệ với hai đồng minh lớn là Mỹ và Nhật Bản. Nhưng tân lãnh đạo Hàn Quốc không xem nhẹ ảnh hưởng của Bắc Kinh với chính quyền Bình Nhưỡng.

Nhìn rộng ra hơn Seoul biết rõ « cái uy » của Trung Quốc đối với toàn khu vực châu Á lớn đến mức nào, ổn định của Biển Đông, eo biển Đài Loan hay biển Nhật Bản tùy thuộc vào những nước cờ và tham vọng của Bắc Kinh. Ảnh hưởng đó của Trung Quốc trên tất cả những vấn đề vừa nêu và nhất là trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên có thể là một công cụ cho phép Trung Quốc khi thì đấu dịu, lúc thì cứng rắn với các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc. 

Trong bối cảnh đó xã luận của báo Nhật Yomiuri Shimbun cho rằng hơn bao giờ hết Nhật Bản và nhất là Mỹ cần thắt chặt thêm nữa quan hệ với Hàn Quốc, cần làm tất cả để Seoul không ngả vào vòng tay của Bắc Kinh.

Bài Liên Quan

Leave a Comment