Lâm Hoài Thạch/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Niệm Phật Đường Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH), Santa Ana, long trọng tổ chức Đại Lễ Vu Lan vào sáng Chủ Nhật, 21 Tháng Tám, noi theo gương Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát, và lễ giỗ của cố Thiếu Tá Nguyễn Chánh Đáng, một chiến sĩ đã từng sát cánh với Đức Thầy.
Đây là lần đầu tiên Niệm Phật Đường PGHH tổ chức Đại Lễ Vu Lan. Hồi cuối Tháng Giêng, Niệm Phật Đường PGHH tổ chức lễ khánh thành tại 643 S. Maxine St., Santa Ana, CA 92704.
Vu Lan là nghi lễ của những người con Phật được thực hành hạnh nguyện tri ân và báo ân đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc. Truyền thống này được bắt nguồn từ Tôn Giả Mục Kiền Liên, một trong những đệ tử của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên đã vâng theo lời Phật dạy đến thỉnh cầu oai lực của mười phương chư Phật để cứu mẹ đang chịu cực hình dưới ngục A Tỳ. Nhờ thần lực của các chư bồ tát, Tôn Giả Mục Kiền Liên đã cứu mẹ thoát khỏi cảnh ngã quỷ.
Đức Huỳnh Giáo Chủ, một trong những đệ tử của Đức Phật, cũng đã có lời dạy cho các tín đồ PGHH rằng: “Mục Liên cứu mẹ bằng nay/ Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi.”
Đạo hữu Mai Chân, trưởng ban tổ chức, nói trong diễn văn khai mạc: “Xin được chia sẻ về ý nghĩa và tầm quan trọng của chữ hiếu trong tinh thần Tứ Ân, mà Đức Thầy đã dạy: ‘Ân giáo dưỡng một đời huệ mang/ Nghĩa sinh thành muôn kiếp khó đáp đền.’ Hiếu là gốc, là bước đầu căn bản để hành xử đạo làm người và lòng yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ lẫn dân tộc. Ai mà không làm được những điều căn bản đó thì không phải là người tốt trong xã hội. Chúng ta đã thấm nhuần giáo lý của nhà Phật, nên chúng ta phải thông hiểu giáo lý này: ‘Tột cùng thiện là hiếu, tột cùng ác là bất hiếu.’”
Đạo hữu Trần Nhật nói về tuổi trẻ và ý nghĩa của lễ Vu Lan: “‘Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.’ Vu Lan và chữ hiếu, hai tiếng thân thương trong truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta mà ngàn năm qua, phẩm chất quý báu này là sợ chỉ kết nối giữa tình cảm gia đình và dân tộc đã tạo nên một lối sống nghĩa tình. Lòng hiếu thảo là một trong những phẩm chất tốt đẹp cần có trong mỗi con người.”
Sau khi Ca Đoàn Văn Lang của Niệm Phật Đường PGHH đồng hát bài “Hành Khúc PGHH Ca,” đạo hữu Lý Cường trang trọng cử hành nghi thức tôn giáo, và đồng đạo Trần Văn Bé Cao trong nghi lễ dâng hương. Sau đó, hai đạo hữu Mai Huyền và Bích Thuận đồng diễn ngâm bài “Mười Điều Ơn” của Đức Thầy.
Nhân dịp này, Niệm Phật Đường PGHH cũng tổ chức lễ giỗ cố Thiếu Tá Nguyễn Chánh Đáng, một chiến sĩ đã từng sát cánh với Đức Thầy từ lúc đầu tiên đến khi Đức Thầy vắng mặt. Vì trong Bốn Trọng Ân của PGHH đó là Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân tam bảo, Ân đồng bào và nhân loại, mà cụ Đáng đã theo Đức Thầy để vẹn tròn Ân đất nước, Ân đồng bào và nhân loại.
Ông Đáng sinh ngày 1 Tháng Giêng, 1920, tại chợ Bà Vệ, Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ông đã sớm quy y với Đức Huỳnh Giáo Chủ vào những ngày đầu Đức Thầy khai sáng nền đạo PGHH vào 18 Tháng Năm, năm Kỷ Mão (1939), tại làng Hòa Hảo.
Năm 1945, đạo hữu Nguyễn Chánh Đáng là đại đội phó Đại Đội 35 PGHH, Thiếu Tá Tư Đầy làm đội trưởng, dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Trần Văn Soái. Đêm 9 Tháng Chín, 1945, tại Sài Gòn, tên Việt gian Trần Văn Giàu ra lệnh cho Quốc Gia Tự Vệ Cuộc của Nguyễn Văn Trấn bao vây trụ sở PGHH ở số 8 đường Sohier để bắt Đức Thầy nhưng không bắt được, vì khoảng một tiếng trước đó, ông Đáng và một số đồng đạo đã cùng với tài xế đưa Đức Huỳnh Giáo Chủ vượt thoát. Đầu năm 1946, ông Đáng được tăng cấp thiếu tá và được bổ nhiệm làm đại đội trưởng Đại Đội 117 PGHH đóng quân tại Cái Sách, Cần Thơ. Đến năm 2012, đồng đạo Nguyễn Chánh Đáng đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 25 Tháng Bảy tại thành phố Long Xuyên, An Giang.
Sau đó, lễ cài hoa hồng được trịnh trọng đến với những bậc cao niên phụ mẫu hiện tiền cùng quan khách và đạo hữu đến dự, cùng lúc ca sĩ Quỳnh Thúy hát bài “Bông Hồng Cài Áo.”
Nói về ý nghĩa Vu Lan, đạo hữu Trần Văn Bé Cao cho biết: “Vu Lan nhắc nhở những tín đồ và con em của PGHH về bổn phận đạo làm con của mình. Hằng năm vào Tháng Bảy Âm Lịch, Phật Giáo thường gọi là mùa Vu Lan hay mùa Báo Hiếu. Còn đối với các tín đồ PGHH thì Đức Thầy có dạy là lúc nào, ngày nào cũng là trong mùa báo hiếu, vì theo ngài, mỗi ngày, buổi sáng chúng ta phải cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng phước thọ, đồng thời cũng cầu nguyện cho các vị Cửu Huyền Thất Tổ, cũng là cha mẹ, ông bà nhiều đời nhiều kiếp trước của chúng ta sớm được tịnh độ siêu sanh.”
Trong lễ Vu Lan, cựu Dân Biểu VNCH Bùi Văn Nhân, tức nhà báo Vi Anh, nói: “Dân tộc Việt Nam có lễ Vu Lan Báo Hiếu, tại Hoa Kỳ cũng có những lễ Mother’s Day và Father’s Day. Tất cả những lễ này đều có ý nghĩa là phận làm con phải nhớ ơn cha mẹ. Hai nền văn minh dù ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng đều có một phong tục tri ân và báo ân những bậc sinh thành rất tốt đẹp. Bởi vì, đạo hiếu rất quan trọng cho toàn cả nhân loại.”
Đạo hữu Trần Văn Vui, cố vấn Ban Điều Hợp PGHH Trung Ương Nam California, nói: “Chữ hiếu đối với Đức Huỳnh Giáo Chủ rất quan trọng của phận làm con. Vì thế, hằng năm, nơi nào có tín đồ PGHH đông đảo đều có tổ chức Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu.”