Ấn Độ đối lập với Nga tại LHQ, lần đầu tiên từ khi Nga xâm lược Ukraina

Đăng ngày: 27/08/2022

\"\"
\"\"
Quang cảnh cuộc họp ngày 24/08/2022 tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà Ấn Độ là thành viên không thường trực đến tháng 12/2022. AP – Mary Altaffer

Trọng Nghĩa

Trong một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc ngày 24/08/2022, Ấn Độ đã bỏ phiếu chống lại quan điểm của Nga. Matxcơva phản đối việc mời tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tham gia trực tuyến một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thảo luận về sáu tháng xung đột, trong khi New Delhi thì ủng hộ. Tuy nhiên, sự kiện đó sẽ không ảnh hưởng đến tính trung lập của Ấn Độ trong cuộc xung đột Nga-Ukraina.

Thông tín viên RFI tại Bangalore, Côme Bastin, phân tích:

« Trong cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, mà Ấn Độ là thành viên không thường trực cho đến tháng 12/2022, câu hỏi được nêu ra là sự tham dự của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Phía Nga đòi tổng thống Ukraina phải đích thân đến New York dự họp.

Vì thế, trong một cuộc bỏ phiếu về việc mời tổng thống Zelensky dự họp theo hình thức trực tuyến, Nga đã bỏ phiếu chống, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng và Ấn Độ bỏ phiếu tán thành.

Báo chí Ấn Độ đã bình luận nhiều về dấu hiệu bất đồng đầu tiên mang tính biểu tượng, nhưng theo ông Nandan Unnikrishnan, chuyên gia về quan hệ với Nga, sự kiện đó chỉ có ý nghĩa tương đối. Ông giải thích:

“Đó là một cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục. Do vậy, đó là một cách để Ấn Độ cho thấy rằng họ có thể hành động độc lập. Ấn Độ quả là có thể biểu thị thái độ độc lập, nhưng chỉ trên một số vấn đề nhất định mà thôi. Riêng về Ukraina, Ấn Độ vẫn từ chối lên án hành động xâm lược của Nga.”

Bộ Ngoại Giao Ấn Độ hôm 25/08 cũng phủ nhận việc họ bỏ phiếu chống Nga, nói rằng cả hai nước đều đồng ý về sự tham gia của ông Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, đối với chuyên gia Nandan Unnikrishnan, lập trường phi liên kết của Ấn Độ có thể khó duy trì được lâu: “Thế giới mới mà chúng ta thấy đang trỗi dậy sẽ là một thế giới lưỡng cực. Nếu điều này trở nên rõ nét hơn, Ấn Độ có thể bị buộc phải gia nhập khối phương Tây”.

Tại cuộc họp ở Liên Hiệp Quốc, Ấn Độ đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở Ukraina. Hôm 25/08 vừa qua, New Delhi xác nhận việc gởi chuyến hàng nhân đạo thứ 12 đến Ukraina bao gồm thiết bị dược phẩm y tế. »

Bài Liên Quan

Leave a Comment