Đăng ngày: 27/08/2022
Công luận Tokyo nao núng vì liên hệ của giáo phái Moon có những hoạt động mờ ám với chính giới tại Nhật Bản. Bốn lý do thôi thúc Trung Quốc « thả neo » ở Thái Bình Dương. Ankara trở thành tâm điểm trên bàn cờ quốc tế trong cuộc chiến Ukraina. Bên cạnh những tai họa về môi trường và đối với con người, đợt hạn hán trên khắp thế giới mùa hè 2022 đôi khi cũng trả ơn cho nhân thế bằng một vài điều thú vị.
Ukraina kỷ niệm 31 năm độc lập, tách rời khỏi quỹ đạo của Liên Xô và cũng là thời điểm đánh dấu 6 tháng bị Nga xâm lược ; Đài Loan tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng đối phó với Trung Quốc ; Tổng thống Biden xóa một phần nợ cho sinh viên Hoa Kỳ vừa để giảm nhẹ gánh nặng cho những người mới bước vào đời, vừa để tranh thủ lá phiếu cử tri hai tháng trước bầu cử giữa kỳ ; Mỹ và Hàn Quốc mở đầu hai tuần lễ Mỹ và Hàn Quốc huy động hàng chục ngàn quân cho cuộc tập trận quy mô nhất từ 2018.
Trên đây những sự kiện nổi bật trong tuần. Tuy nhiên chặng dừng đầu tiên của tạp chí Thế giới đó đây hôm nay là Tokyo, nơi vụ cựu thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe bị ám sát hôm 08/07/2022 vẫn để lại nhiều dư âm.
Lãnh đạo ngành cảnh sát quốc gia ngày 25/08/2022 từ chức vì đã thiếu sót trong nhiệm vụ bảo toàn sinh mạng cho một chính khách hàng đầu của Nhật. Thủ phạm sát hại ông Abe thú nhận đã « ra tay » vì ông Abe có liên hệ với giáo phái Moon, một tổ chức đã hủy hoại gia đình nhỏ bé của anh ta. Nhiều tiết lộ cho thấy dường như giáo phái Moon với những hoạt động phạm pháp đã len lỏi vào đến thượng tầng cơ quan quyền lực Nhật Bản.
Thông tín viên Bruno Duval từ Tokyo thu thập một số ý kiến của dân cư :
« Gần một nửa thành viên trong chính phủ và cả trăm dân biểu Quốc Hội thuộc đảng cầm quyền đã tham dự các sự kiện do giáo phái Moon tổ chức. Thường thì họ đã được phong trào tôn giáo này hỗ trợ trong các cuộc vận động tranh cử. Các tín đồ giáo phái Moon giúp họ dán áp phích, phát tờ rơi thậm chí là tài trợ cho các ứng viên.
Điều này gây xôn xao trong công luận tại thủ đô Tokyo. Một người đàn ông chúng tôi gặp được tỏ ra lo lắng về ảnh hưởng của giáo phái này với các chính khách Nhật Bản. Song ông thừa nhận đây chỉ là mối quan tâm thứ nhì, đứng sau lo lắng về dịch Covid.
Một phụ nữ ở thủ đô Tokyo cho rằng đây là chuyện báo chí thổi phồng lên với mục đích bôi nhọ cố thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Người thứ ba chúng tôi gặp tiếc rằng \”giáo phái với hoạt động mờ ám này cũng đã len lỏi đến được thượng tầng quyền lực, điều đó không khiến mọi người an tâm chút nào\”.
Một người dân khác tại Tokyo nhấn mạnh là cần làm sáng tỏ về các nguồn tài chính : Giáo phái Moon có tài trợ cho các chính khách của Nhật hay không và điều đó có ảnh hưởng đến các quyết định của chính giới hay không ? Đó mới là cốt lõi của vấn đề.
Theo các cuộc thăm dò, công luận ở đây lên án mối liên hệ giữa các lãnh đạo Nhật Bản và giáo phái Moon. Một số thành viên trong giáo phái này đang bị xét xử vì tội gần như là tống tiền hay lừa đảo. Dù sao đi chăng nữa kể từ khi tai tiếng được phơi bầy ra ánh sáng, chỉ số tín nhiệm chính phủ giảm mạnh ».
Thái Bình Dương : Bốn lý do để Bắc Kinh vươn mình ra biển lớn
Trang mạng Aerion24.News chuyên tập hợp những bài viết giá trị về địa chính trị, về ngoại giao tuần này đăng bài « Vươn ra biển lớn : những tham vọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương » của chuyên gia về Đông Bắc Á, Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS của Pháp.
Tác giả nêu bật bốn lý do khiến Bắc Kinh từ đầu những năm 2000 đã huy động nhiều phương tiện để chinh phục Thái Bình Dương. Lý do thứ nhất và đã có từ lâu nay, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng ngoại giao của Đài Loan với các quốc gia trong khu vực này. Nay chỉ còn có 4 đảo quốc ở Thái Bình Dương duy trì quan hệ với Đài Loan, thay vì 6 như hồi năm 2016. Bắc Kinh cũng vừa lôi kéo thêm được quần đảo Salomon về phía mình và nhất là đôi bên đã ký kết hiệp ước an ninh.
Lý do thứ hai Trung Quốc quan tâm đến Thái Bình Dương nhằm « rút ruột tài nguyên thiên nhiên từ vùng biển này để nuôi dưỡng tăng trưởng ».
Tìm kiếm liên minh ngoại giao là động lực thứ ba thôi thúc chính quyền của ông Tập Cận Bình càng lúc càng quan tâm hơn đến Thái Bình Dương. Các nước bạn của Trung Quốc ở Thái Bình Dương tránh bỏ phiếu lên án Bắc Kinh đàn áp dân chủ Hồng Kông hay vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Sau cùng Thái Bình Dương là một vùng có tính chiến lược cao. Các đảo quốc nhỏ này đã trở thành công cụ để đối đầu với Mỹ tại một khu vực mà Trung Quốc giờ đây coi là « một mặt trận hàng đầu ». Chưa thiết lập căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương nhưng sau thỏa thuận hợp tác an ninh với Honiara hồi mùa xuân vừa qua, Trung Quốc đã có được một bến đỗ quý giá là quần đảo Salomon !
Thổ Nhĩ Kỳ, trọng tài trong xung đột Nga-Ukraina
Hòa bình vẫn chưa ló dạng sau nửa năm chiến tranh Ukraina. Trên bàn cờ ngoại giao, suốt tháng 8/2022, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã rất bận rộn. Ông đã đến gặp tổng thống Nga, Vladimir Putin tại Sotchi rồi cùng với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres họp với tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky tại Lviv hôm 18/08 với tham vọng đóng vai trò « trọng tài » trong cuộc chiến Nga-Ukraina. Ngoài ra, Ankara cũng đã có nhiều thay đổi ngoạn mục trong chính sách ngoại giao, như là « bình thường hóa quan hệ với Israel » hay tuyên bố ủng hộ tiến trình hòa giải giữa phe nổi dậy với chế độ Damas.
Thông tín viên Céline Pierre-Magnani, tại Istanbul ghi nhận viễn cảnh khủng hoảng kinh tế trước bầu cử tổng thống và Quốc Hội đã đem lại những bước thay đổi ngoạn mục đó trong chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ :
« Thứ hai tuần trước, một phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đến Mỹ tiếp tục đàm phán về kế hoạch mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Đây vốn là tâm điểm căng thẳng trong quan hệ song phương. Nếu như đối thoại giữa Ankara với các đồng minh phương Tây không tiến triển nhiều do vẫn còn nhiều bất đồng trên một số hồ sơ, thì ngược lại Erdogan đã rất năng động trên bàn cờ ngoại giao khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nối lại đối thoại với các đối tác lớn tại Trung Đông từ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đến Ả Rập Xê Út và Ai Cập. Ankara đứng ra làm trung gian giữa Nga và Ukraina từ đầu cuộc chiến đến nay. Kế tới ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi điểm trong nỗ lực nối lại đối thoại với Israel.
Bất ngờ không kém là tuyên bố ủng hộ tiến trình hòa giải giữa phe nổi dậy Syria với chính quyền của tổng thống Bachar Al Assad. Theo giới quan sát, kinh tế đang bị kiệt quệ là động cơ thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi chiến lược ngoại giao. Chưa đầy một năm trước cuộc tổng tuyển cử, để đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính quyền Erdogan có thể đánh mất quyền lực ».
Một vài phát hiện thú vị nhờ hạn hán
Mực nước sông Dương Tử ở Trung Quốc, sông Colorado tại Hoa Kỳ hay dòng sông xanh Danube chảy qua chín quốc gia châu Âu trong tháng 8/2022 xuống thấp đến mức báo động. Nhiều khúc sông bị khô cạn, hàng trăm ngàn người điêu đứng, các nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng, mùa màng bị thiệt hại, giới bảo vệ môi trường nói đến một « tai họa ».
Nhưng trong bức tranh đen tối đó vẫn có được một vài điểm son. Dân cư Vũ Hán băng qua sông như đi trên bộ. Còn tại Trùng Khánh, người ta may mắn được chiêm ngưỡng ba pho tượng Phật cổ, khoảng 600 năm tuổi, trong hang đá, ngủ yên dưới lòng sông.
Tại Hoa Kỳ dân Texas bất ngờ phát hiện dấu chân khủng long cách thời đại của chúng ta đến 113 triệu năm. Sông Paluxy liệu có còn giữ được bí mật đó nữa hay không khi mực nước đã cạn để lộ kho tàng ấy với các nhà khảo cổ, với những người săn lùng vết tích khủng long ?
Tại châu Âu, sông Danube bất ngờ để lộ một bí mật khác cho dân cư trong vùng ở Phahovo, Serbia, sát biên giới với Rumani : Đó là cả chục xác tàu từ Đệ Nhị Thế Chiến chính đội quân của Đức Quốc Xã tự đánh chìm.
Thông tín viên Laurent Rouy từ Beograd cho biết thêm :
« Nằm kẹt giữa hai dải cát, xác một chiếc tàu rỉ sét hiện ra ngay giữa lòng sông Danube, tận cùng phía đông Serbia, gần thành phố Prahovo của Serbia. Đây cũng là nơi giáp ranh với Rumani. Chung quanh, người ta trông thấy 5 chiếc tàu khác. Đó là những chiếc tàu chiến của Hải Quân Đức trong Thế Chiến Thứ Hai. Tàu chứa nhiều tấn đạn dược ở bên trong. Tháng 9/1944, quân đội Đức Quốc Xã tự phá hủy, đánh chìm tàu để cản đường Hồng Quân Liên Xô từ Hắc Hải tiến vào.
Năm nay do hạn hán, mực nước sông Danube xuống thấp đến mức để lộ xác những chiếc tàu đã ngủ vùi dưới dòng nước này từ bao năm qua. Hiện còn khoảng chừng 15 xác tàu khác bị chôn ở đâu đó trong lòng sông Danube. Nhưng rõ ràng là điều kiện đi lại của tàu bè trên sông lúc này rất khó khăn. Cả một con sông lớn như Danube mà ở khúc này, vùng nước mà tàu thuyền còn có thể đi lại đã bị thu hẹp lại chưa đầy 100 mét chiều rộng.
Dù sao, thì đây cũng là một dịp thú vị hiếm có để ngắm nhìn những xác tàu cổ lỗ, chôn mình trong lòng sông. Mùa xuân vừa qua, Serbia đã gọi thầu để vớt xác những chiếc tàu đó lên và trên nguyên tắc công trình sẽ được khởi động trong một vài tháng sắp tới ».