Đăng ngày: 30/08/2022
Liên Hiệp Châu Âu cùng các nước thành viên không ngừng tăng tốc tìm kiếm nguồn dự trữ năng lượng, ít nhất để qua được mùa đông tới, do Nga tiếp tục hạn chế cung cấp khí đốt. Pháp là « nạn nhân » mới nhất. Kể từ ngày 30/08/2022, Gazprom giảm thêm khối lượng khí đốt giao cho tập đoàn Pháp Engie với lý do bất đồng giữa hai bên về việc áp dụng hợp đồng, nhưng nguyên nhân sâu xa là nhằm trả đũa Paris trừng phạt Nga gây chiến ở Ukraina
Berlin hướng đến Na Uy, Canada và không giấu ý định tái khởi động dự án MidCat xuyên dãy Pyrénées, từ Tây Ban Nha đi qua Pháp và sang Đức. Dự án không được Paris ủng hộ vì tốn kém và do lo ngại giới bảo vệ môi trường phản đối. Dù vậy, đường ống dẫn khí MidCat vẫn là chủ đề nghị sự chính của hai thủ tướng Pedro Sanchez và Olaf Scholz trong cuộc họp ngày 30/08 ở Đức, kể cả phương án dự trù đi qua Địa Trung Hải đến Ý, nhằm « giảm tải tình hình cung ứng hiện nay ».
Châu Âu trông cậy vào khí đốt Algérie
Dù là bằng đường ống nào thì khí đốt cũng xuất phát từ Algérie. Quốc gia Bắc Phi này đã thay Nga trở thành nhà cung cấp số 1 của Ý với hợp đồng ký từ tháng 04 nhằm tăng khối khí đốt trung chuyển qua đường ống TransMed xuyên Địa Trung Hải. Trước đó, một số nước khác, như Tây Ban Nha, cũng đàm phán với Alger.
Chuyến công du Algérie gần đây của tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhằm mục đích thắt chặt hợp tác về năng lượng, dù không được nhấn mạnh như chủ đề hòa giải lịch sử. Tập đoàn Pháp Engie xác nhận hôm 28/08 với nhật báo kinh tế Les Echos là đang đàm phán với tập đoàn Nhà nước Sonatrach của Algérie mở rộng hợp tác đối tác (được ký vào tháng 07) về khí hóa lỏng và khí tự nhiên chuyển qua đường ống Medgaz từ Algérie sang Tây Ban Nha. Engie không tiết lộ chi tiết, nhưng theo đài Europe 1, có thể là tăng thêm 50% khối lượng. Con số được cho là cao, nhưng trên thực tế, Pháp chỉ nhập khoảng 8-9% khí đốt từ đất nước Bắc Phi này. Hai nhà cung cấp khí đốt chính của Pháp là Na Uy, chiếm 36% và Nga chiếm 17% trước chiến tranh Ukraina.
Những hạn chế về khả năng xuất khẩu của Algérie
Algérie là một trong những nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu thông qua ba đường ống nối với Ý và Tây Ban Nha (Maghreb-Europe, Medgaz và Galsi) và có nhiều cảng xuất khẩu khí hóa lỏng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Algérie khó có thể cung cấp thêm cho châu Âu vì nhiều lý do.
Thứ nhất, dù là một trong 10 nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới với khoảng 103 tỉ mét khối hàng năm, nhưng « Algérie đã xuất khẩu những gì họ có thể », trong khi « trước mắt lại không thể sản xuất nhiều hơn », theo ông Marc-Antoine Eyl-Mazzega, giám đốc Trung tâm Năng lượng và Khí hậu của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI). Miền nam Algérie có nhiều mỏ khí đá phiến nhưng chính quyền có thể « có thể gặp rắc rối về chính trị vì người dân địa phương ngần ngại » với các dự án khai thác.
Thứ hai là nhu cầu năng lượng của Algérie ngày càng tăng. Vào tháng 6, tập đoàn Sonatrach thông báo phát hiện một mỏ khí lớn, nhưng sẽ cần thời gian để đưa vào khai thác. Theo nhà phân tích Michael Stoppard của S&P Global, được Les Echos trích dẫn, dù khối lượng hàng năm có thể tăng lên thành 106 tỉ mét khối nhưng phần tăng thêm có lẽ sẽ được dành cho tiêu thụ trong nước vì nhu cầu hàng năm tại Algérie đã thêm 4% trong thập niên vừa qua.
Thứ ba là yếu tố địa chính trị. Trong số ba hệ thống dẫn khí đốt sang châu Âu, đường ống Maghreb-Europe nối từ Algérie, đi qua Maroc đến bán đảo Iberia ngừng hoạt động từ tháng 10/2021 do Alger và Rabat cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Nói chung, chừng nào Algérie chưa giảm được tiêu thụ trong nước thì sẽ khó tăng khối lượng xuất khẩu, và như vậy cũng không giúp giảm căng thẳng năng lượng tại châu Âu. Ông Thomas Pellerin-Carlin, Viện Jacques Delors, cho rằng « giải pháp thực sự có lẽ là một thỏa thuận đối tác chiến lược với Liên Hiệp Châu Âu để giúp Algérie phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng của nước này ».
Ngoài ra, Algérie cần những khoản đầu tư lớn cho khai thác dầu khí. Chuyên gia về năng lượng Thierry Bros, giảng viên trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, cho rằng « Algérie muốn các hợp đồng dài hạn, chứ không phải là những lời hứa suông. Do đó, hơi phức tạp cho họ một chút khi thấy Pháp muốn là nước đầu tiên thoát khỏi năng lượng hóa thạch ». Cũng vì chuyển đổi năng lượng, tập đoàn Engie của Pháp ngừng đầu tư vào các dự án khai thác và sản xuất dầu khí. Tuy nhiên, TotalEnergies của Pháp, cũng như nhiều tập đoàn phương Tây, đã triển hạn các hợp đồng khai thác tại Algérie. Nhiều doanh nghiệp Đức tỏ thái độ quan tâm, nhưng chưa ký được hợp đồng.