Đăng ngày: 30/08/2022
Thêm hai nước Đông Nam Á trước « bẫy nợ Trung Quốc ». Là chủ nợ chính của Lào, là điểm tựa tài chính gần như duy nhất của tập đoàn quân sự Miến Điện và vì lợi ích chính trị và chiến lược, Vientiane và Naypyidaw sẽ không bị Trung Quốc « bỏ rơi ». Nhà nghiên cứu Olivier Guillard, trung tâm nghiên cứu về châu Á CERIAS trường đại học Québec-Montréal, phân tích về hai trường hợp rất khác nhau của Lào và Miến Điện trước cùng một chủ nợ.
7 triệu dân và gánh nợ 6 tỷ đô la
Chỉ vì ham lợi từ một dự án đường sắt nối liền thủ đô Vientiane với thành phố Côn Minh, hơn 7 triệu dân Lào mang nợ Trung Quốc 6 tỷ đô la Mỹ. Nếu như Vientiane và Bắc Kinh cùng xem tuyến đường sắt này là bệ phóng cho ngành du lịch sau những năm tháng khủng hoảng y tế Covid, thì trái lại các nhà quan sát đồng loạt nói đến một công trình được xây trên « núi nợ » : Lào tự túc tài trợ cho dự án 30 % – 70 % còn lại là vốn đi vay của Trung Quốc.
Tuyến đường sắt nối liền Côn Minh của Trung Quốc với thủ đô Vientiane chỉ là một trong số rất nhiều kế hoạch đầu tư trong khuôn khổ Một Vành Đai Một Con Đường OBOR còn được gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới của thế kỷ 21 kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Trung Quốc hiện nắm giữ gần một nửa nợ nước ngoài của chính quyền Vientiane theo như thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới hồi tháng 4/2022. Hiện tại Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng gần 16,5 tỷ đô la tại quốc gia Đông Nam Á này, qua hơn 800 dự án, chủ yếu là trong ngành địa ốc và thủy điện. Chỉ một mình công ty điện lực quốc gia Lào hút 30 % tổng số nợ công của cả nước.
Tháng 6/2022 tình hình kinh tế của Lào đột ngột xấu đi : lạm phát tăng 23 % so với cùng thời kỳ năm ngoái, giá xăng nhân lên gấp đôi trong lúc hóa đơn khí đốt đắt hơn so với hồi 2021 đến 70 %. Nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này : một là Covid và hai là việc Nga xâm chiếm Ukraina đẩy giá nông phẩm, nguyên liệu xăng dầu lên cao.
Trả lời RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu Olivier Guillard thuộc trung tâm nghiên cứu về châu Á CERIAS trường đại học Québec-Montréal, Canada nhắc lại : tương tự như nhiều quốc gia đang phát triển, như là Pakistan hay Sri Lanka, trước đây, Lào và Miến Điện cùng cầu viện chủ nợ chính là Trung Quốc. Bắc Kinh đã phớt lờ kêu gọi triển hạn nợ cho chính quyền Colombo, để rồi Sri Lanka lâm vào khủng hoảng cả về kinh tế lẫn chính trị nghiêm trọng nhất từ nhiều thập niên qua. Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan tháng Giêng 2022 đã điều đình với ông Tập Cận Bình về một khoản viện trợ nào đó nhưng đã ra về tay không và ba tháng sau chính phủ của ông bị lật đổ. Lào và Miến Điện thì sẽ may mắn hơn. Olivier Guillard giải thích :
Olivier Guillard : « Bắc Kinh nhận tất cả những lời thỉnh cầu của các con nợ và cứu xét tùy theo từng hồ sơ. Mức độ ưu tiên tùy thuộc vào khả năng thanh toán, vào cơ hội để phục vụ quyền lợi của Trung Quốc về lâu dài nhất là nhìn từ góc độ chiến lược. Tất cả các quốc gia mang nợ phải cầu khẩn Bắc Kinh đều là những đối tác chính trị, kinh tế hay chiến lược của Trung Quốc. Thí dự như trong trường hợp của Lào ở Đông Nam Á hay Pakistan tại Nam Á: trong khuôn khổ dự án Vành Đai Con Đường, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào hai quốc gia này. Với Pakistan, Bắc Kinh cam kết hơn 60 tỷ đô la cho các công trình cơ sở hạ tầng. Với Lào, thì quan trọng nhất đến nay là công trình xây dựng đường xe lửa cao tốc đi từ Côn Minh đến Vientiane, tốn hơn 6 tỷ đô la. Trước Covid, kinh tế Lào rất năng động với khoảng 6-7 % tăng trưởng một năm, nhưng tất cả đã bị chựng lại vì khủng hoảng y tế và giờ đây là do tình hình thế giới.
Lào là một nền kinh tế nhỏ hơn nhiều so với Miến Điện, với khoảng 7 triệu dân. Một trong những hoạt động cột trụ là thủy điện. Trong những năm gần đây, Vientiane đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực này, chủ yếu là nhờ vốn của Trung Quốc. Trước đại dịch, kinh tế Lào hoạt động khá tốt. Nhưng dịch Covid đã làm thay đổi cục diện và chính quyền nước này bắt đầu mất khả năng thanh toán nợ đáo hạn. Vientiane phải cầu cứu chủ nợ chính là Trung Quốc và kể cả các định chế tài chính đa quốc gia như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ».
Tài nguyên của Miến Điện, tài sản của Trung Quốc
Trường hợp của Miến Điện thì khác : đây là một quốc gia có 55 triệu dân, và khoảng 2.000 km đường biên giới chung với Trung Quốc, sát cạnh Vân Nam, một trong những tỉnh kém phát triển nhất tại Hoa Lục. Từ năm 1988 Miến Điện là cửa ngõ tiêu thụ hàng sản xuất từ các nhà máy ở Vân Nam. Trong 15 năm, GDP của tỉnh này đã được nhân lên gấp ba lần. Lợi thế thứ nhì của Miến Điện là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ các mỏ ngọc thạch đến đất hiếm. Theo tuần báo Courrier International số ngày 22/07/2022, đành rằng Trung Quốc độc quyền kiểm soát thị trường kim loại hiếm, chiếm 60 % kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nhưng đối với một số mặt hàng trong danh sách này, như là dysprosium, gadolinium, hay terbium thuộc dòng đất hiếm nặng, thì Miến Điện mới là nguồn cung cấp số 1 cho thế giới. Điều ít biết đến là Miến Điện « gia công » cho Trung Quốc trên một thị trường mà 80 % sản lượng là để phục vụ cho các nhà sản xuất của Mỹ.
Bên cạnh đó sự gần gũi về mặt chính trị giữa tập đoàn quân sự Miến Điện với chính quyền Bắc Kinh cũng là những yếu tố khiến Trung Quốc còn tiếp tục đổ thêm tiền vào quốc gia Đông Nam Á này như phân tích của nhà nghiên cứu Olivier Guillard :
Olivier Guillard : « Tập đoàn quân sự Miến Điện có quan hệ rất tốt với Trung Quốc cả về chính trị lẫn chiến lược. Đối thoại giữa Naypyidaw với Bắc Kinh nhờ vậy thuận lợi, nhất là Trung Quốc tới nay là một trong những điểm tựa ngoại giao hiếm hoi của giới tướng lĩnh cầm quyền Miến Điện. Tại quốc gia Đông Nam Á này, Trung Quốc đã đầu tư vào một công trình xây dựng đường ống dẫn dầu, để giảm thiểu áp lực ở khu vực eo biển Malaka và bên cạnh đó còn có khá nhiều những dự án khai thác năng lượng, quặng mỏ và xây dựng hải cảng, sân bay. Miến Điện là một trong những con nợ mà Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giúp đỡ và Bắc Kinh sẽ là một trong số rất ít những nhà tài trợ quốc cấp thêm tín dụng cho Naypyidaw. Có một sự « gần gũi » về mặt chính trị giữa Trung Quốc với tập đoàn quân sự Miến Điện ».
Nợ, một công cụ phục vụ lợi ích chính trị của Bắc Kinh
Nói cách khác, nhìn từ góc độ kinh tế, chính trị đến địa chính trị cũng đủ thấy là Trung Quốc sẽ còn tiếp tục hỗ trợ Miến Điện. Có điều Miến Điện hay Lào chỉ là hai trong số 163 quốc gia kém phát triển trên thế giới đi vay Trung Quốc. Mùa thu năm ngoái đại học Mỹ William&Mary, bang Virginia công bố một báo cáo về tình trạng nợ nần của các nước nghèo với một chủ nợ duy nhất là Trung Quốc.
Theo tài liệu này trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới Bắc Kinh phân phát 850 tỷ đô la tín dụng cho các nước nghèo. Trung Quốc nắm giữ một khoản tín dụng tương đương với hơn 10 % GDP của 40 trong số 163 quốc gia kém phát triển nhưng đã hăng hái tham gia dự án OBOR còn được gọi là BRI. Báo cáo cuối 2021 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thẩm định 36 nước đang mang nợ Trung Quốc có nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài.
Gần một chục năm sau ngày Bắc Kinh khởi động sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường một số tiếng nói không ngần ngại cho rằng Trung Quốc đã « làm giàu trên xương máu của những ngước nghèo ». Chuyên gia về Nam Á và Đông Nam Á Olivier Guillard trung tâm nghiên cứu CERIAS đại học Canada phân tích :
Olivier Guillard : « Nhiều quốc gia trên thế giới tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, đó là một điều chắc chắn và không thể phủ nhận. Trong trường hợp của các nước đã đi vay nợ Trung Quốc, kinh tế đã sa sút hẳn so với 5 hay 7 năm trước đây : Pakistan lao đao vì tài chính. Sri Lanka thì như đã thấy trong thời gian gần đây. Một số vấn đề khác cũng đã được phát hiện tại Nepal, Bangladesh. Miến Điện là một trường hợp cá biệt : kinh tế sụp đổ do tác động từ cuộc đảo chính của bên quân đội tiến hành. Phần lớn các quốc gia ‘đối tác’ của Trung Quốc đều thất vọng. Tại một số nơi, dân chúng chống đối mạnh mẽ các dự án đầu tư của Trung Quốc bởi vì các chương trình đó chỉ có lợi cho phía Trung Quốc mà thôi. Bản thân Bắc Kinh cũng đã rút lại một số kế hoạch đầu tư : thí dụ như có 8 hay 9 chương trình tại Bangladesh đã bị hủy. Nhiều quốc gia cho rằng OBOR là nguyên nhân gây ra khó khăn cho các nước nhận đầu tư của Trung Quốc. Dân chúng ‘nổi dậy’ trước cái mà họ gọi là ‘bẫy nợ’ Trung Quốc ».
Tín dụng Trung Quốc, một chiếc hộp đen
Mùa xuân 2021 bốn viện nghiên cứu của Mỹ và Đức khám phá một « kho tàng » tài liệu mật liên quan đến hàng trăm dự án đầu tư do Trung Quốc tài trợ tại 24 quốc gia có thu nhập thấp. Theo các tài liệu đó, trong giai đoạn 2000-2020 Bắc Kinh đã cấp 36,6 tỷ đô la tín dụng cho các quốc gia này trong những « điều kiện lạ lùng ». Chẳng hạn như số tiền đi vay và các điều khoản để nhận được đầu tư của Trung Quốc đều thuộc phạm trù « bí mật ». Bắc Kinh cũng đòi các đối tác đi vay, phải cam kết « không tham gia Câu Lạc Bộ Paris ». Đó là một tổ chức quy tụ nhiều nước lớn trên thế giới có thẩm quyền triển hạn hoặc xóa nợ cho các quốc gia mất khả năng thanh toán. Hay chí ít đó cũng là một không gian để các nước đi vay đàm phán lại với chủ nợ.
Một điều kiện bất thường không kém là gần một nửa các hợp đồng tín dụng nói trên liên quan đến một chủ nợ là Ngân hàng Phát Triển Trung Quốc. Các văn bản ghi rõ định chế này hoàn toàn có quyền đòi được trả nợ trước thời hạn nếu như con nợ « có lập trường hay hành vi làm tổn hại đến một cơ quan của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ». Sau cùng bốn viện nghiên cứu của Mỹ và Đức cũng đã tìm thấy một chi tiết thú vị khác trong các hợp đồng được giữ kín nói trên theo đó : cắt đứt bang giao với Bắc Kinh mặc nhiên đẩy con nợ của Trung Quốc vào cảnh mất khả năng thanh toán.
Các viện AidData thuộc Đại Học William&Mary, Center for Global Development, Peterson Institute for International Economics của Hoa Kỳ và World Economics của Đức đồng đưa ra nhận định : Nợ là công cụ phục vụ lợi ích chính trị, kinh tế và chiến lược của chính quyền Bắc Kinh.