Liên Âu họp bàn ngưng cấp thị thực cho công dân Nga

Đăng ngày: 30/08/2022

\"\"
\"\"
Cảnh sát tuần tra tại sân bay Vaclav Havel, CH Séc, ngày 22/03/2016. AP – Petr David Josek

Minh Anh

Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trong hai ngày 30 và 31/08/2022 họp tại Praha, thủ đô Cộng Hòa Séc, để thảo luận khả năng ngừng cấp giấy phép nhập cảnh cho công dân Nga. Một trong những biện pháp được nêu ra, đó là đình chỉ áp dụng thỏa thuận mà Liên Âu và Nga đã ký năm 2007 nhằm tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực ngắn hạn cho công dân Nga.   

Cộng Hòa Séc, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, hy vọng đạt được một đồng thuận để có thể thực thi biện pháp này từ đây đến tháng 10/2022 theo như đòi hỏi từ phía Phần Lan.

AFP nhắc lại thỏa thuận năm 2007 còn cho phép giảm nhẹ các thủ tục để cấp các visa có thời hạn tối đa 90 ngày cho nhiều đối tượng khác như nhà báo, vận động viên thể thao, nhân viên hoạt động trong các lĩnh vực giao thông, thăm viếng gia đình… Nhưng từ khi Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraina, khối 27 nước thành viên đã tạm ngưng áp dụng một phần thỏa thuận cho một số đối tượng có liên hệ với chế độ (các phái đoàn chính thức, những người giữ hộ chiếu ngoại giao, chủ doanh nghiệp…)

Đề xuất không cấp thị thực nhập cảnh cho toàn bộ công dân Nga đang gây tranh luận và chia rẽ trong Liên Âu. Các nước vùng Baltic, Ba Lan, Cộng Hòa Séc và nhất là Phần Lan, vốn xử lý 1.000 đơn xin nhập cảnh mỗi ngày, đòi hỏi phải ngưng thỏa thuận 2007, trong khi Đức và Ủy Ban Châu Âu lại không đồng tình.

Theo nhận định của thông tín viên đài RFI Anissa El Jabri từ Matxcơva, nếu biện pháp chưa từng có này được thông qua, người dân Nga một lần nữa cảm thấy như bị trừng phạt.

« Ở đây, có một dấu hiệu không thể nhầm lẫn : Hiếm khi người dân Nga tự mình đề cập đến những chủ đề thời sự, thậm chí còn ít hơn từ 6 tháng qua và nhất là ngay từ đầu của sự kiện được gọi là \”chiến dịch đặc biệt\” tại Ukraina chiểu theo luật lệ của Nga. Thế nhưng, kể từ khi có thông tin về khả năng ngưng cấp thị thực nhập cảnh vào không gian Schengen, thì không một cuộc nói chuyện bình thường nào với một nhà báo châu Âu như tôi mà lại không bắt đầu bằng chủ đề này, tại phòng khám bác sĩ, ở nhà hàng hay trong các cuộc họp mặt bạn bè, người dân Matxcơva – những người nằm trong diện chưa tới 30% số người Nga có hộ chiếu du lịch – chỉ nói về chủ đề này. Đây là tầng lớp trung lưu khá giả, những người có điều kiện đi du lịch, thường nói được một thứ tiếng nước ngoài, và có hiểu biết về châu Âu. Họ cũng chính là những người đã biểu tình hồi cuối tháng Hai năm nay chống lại việc gởi quân Nga sang Ukraina và thường phải trả những án phạt nặng.

Cũng chính một bộ phận những người này sử dụng VPN để lách bức màn sắt kiểm duyệt thông tin đang bao trùm nước Ngaở trong nước. Phần đông trong số họ cho biết có cảm giác bị trừng phạt vì một quyết định mà chính họ phản đối nhưng không thể làm được gì để chống lại. Tóm lại, ở đây, không ai hiểu được cơ sở của cuộc tranh luận này. »

AFP nêu rõ trong năm 2021, hai mươi sáu nước trong không gian Schengen (22 nước thành viên Liên Âu, cùng với Na Uy, Iceland, Thụy Sĩ và Lichtenstein) tiếp nhận ba triệu đơn xin thị thực ngắn hạn (90 ngày cho một giai đoạn 180 ngày) từ đủ mọi đối tượng (du lịch, du học, doanh nhân..), trong đó người Nga chiếm đến hơn 1/6 (536 ngàn).

Bài Liên Quan

Leave a Comment