Đăng ngày: 31/08/2022
Ngày 18/07/2022, một trong những ngày nắng nóng kỷ lục ở Pháp nói chung và thành phố Marseille nói riêng, kèm theo đó là báo động ô nhiễm ozone cấp độ 2 ở thành phố miền nam Pháp, trong khi chỉ 1 số loại xe hơi đáp ứng tiêu chuẩn mới được phép lưu thông ở trung tâm, thì từ ống khói của tàu du hành biển Valiant Lady tỏa ra một cột khói đen trong suốt nhiều giờ đồng hồ khiến chính quyền và cư dân nổi giận.
Le Figaro ngày 25/07/2022 trích dẫn phát biểu của Benoit Payan, thị trưởng Marseille, gọi đó là « sự khiêu khích quá đà » của những « gã khổng lồ trong ngành du lịch biển », bởi « điều đó đẩy sức khỏe của hàng ngàn cư dân Marseille vào cảnh nguy hiểm ». Nhiều dân biểu và cư dân địa phương đã khởi kiện tàu du lịch Valiant Lady vì gây ô nhiễm trên biển và làm trái với quy định.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng lên hồi năm 2020, mỗi năm có tới 2 triệu lượt khách đi du lịch bằng tàu biển ghé vào thăm thành phố, lợi ích kinh tế đối với thành phố thì có, nhưng theo Laurent, Lhardit, phó thị trưởng chuyên trách du lịch, lợi ích kinh tế do nhóm du khách này mang lại không đáng kể so với những thiệt hại cho môi trường. Mỗi con tàu như « một thành phố với 6000-8000 dân », nên đương nhiên là nhu cầu năng lượng của tàu sẽ rất cao, gây sức ép về môi trường, trong khi « thời gian tàu dừng ở cảng để khách lên bờ đi thăm quan là quá ngắn”, và « đa phần khách thì vẫn ở lại trên boong tàu » nên cũng không đóng góp được nhiều cho kinh tế Marseille.
Theo ông Lhardit, chặng dừng ở Marseille chỉ được khách xem như « một balcon tuyệt vời để từ đó ngắm nhìn thành phố ». Điểm đỗ tàu lý tưởng nhất là ở cảng biển phía dưới chân Nhà thờ lớn, từ nhiều năm nay, không ít cư dân than phiền rằng « khói xả từ tàu xộc cả vào các căn hộ » quanh đó. Tuy nhiên, Marseille không phải nơi đầu tiên và duy nhất cả ở Pháp và châu Âu phản đối các tàu du lịch biển. Trả lời đài RFI Tiếng Việt ngày 12/07, ông Jacky Bonnemains, phát ngôn viên tổ chức bảo vệ môi trường Robin des Bois (Hiệp Sĩ Rừng Xanh) cho biết :
« Quả thực, sự phản đối khởi đầu ở Barcelona, Tây Ban Nha, do có quá nhiều điểm dừng cho tàu, nạn ô nhiễm không khí tích tụ khi các con tàu neo ở cảng. Rồi sau đó, làn sóng phản đối lan sang vùng Địa Trung Hải, lan đến các thành phố Venise (Ý), Marseille và Nice của Pháp, rồi ngày càng lan đến nhiều cảng, kể cả ở phía bờ Đại Tây Dương, như thành phố Cherbourg hay Le Havre của Pháp, nơi có rất nhiều điểm dừng cho những con tàu khổng lồ, đặc biệt các chuyến ghé thăm khu vực từng là nơi đổ bộ lên bờ biển vùng Normandie (trong Đệ Nhị Thế Chiến) ».
Các kiểu ô nhiễm
Gây ô nhiễm chính là lý do khiến các chuyến tàu du lịch biển bị nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cũng như cư dân nhiều điểm đến du lịch phản đối dữ dội. Trên diễn đàn báo Le Monde, nhà xã hội học Alain Adrien Grenier năm 2019 cho biết chỉ riêng Carnival, một trong những công ty du lịch bằng tàu biển lớn nhất, hồi năm 2017 gây ô nhiễm không khí nhiều gấp 10 lần so với 260 triệu xe hơi được sử dụng tại châu Âu. Nhưng cụ thể, đâu là những mối nguy cho môi trường sinh thái mà các tàu du lịch biển gây ra ?
Phát ngôn viên tổ chức bảo vệ môi trường Robin des Bois (Hiệp Sĩ Rừng Xanh) giải thích : « Các tàu du lịch ngày càng lớn hơn, chở ngày càng nhiều hành khách cũng như thành viên thủy thủ đoàn và đã gây ra nhiều kiểu ô nhiễm. Trước hết là về nước thải sau khi tắm rửa, giặt đồ, vệ sinh. Đối với những con tàu đẹp nhất, lượng nước thải từ các hoạt động nói trên (nước thải xám- không chứa chất thải của người và nước thải đen – có chứa chất thải của người) lên tới khoảng 2 triệu lít mỗi ngày.
Trên các con tàu du lịch, có các trạm xử lý nước thải xám và nước thải đen, nhưng dĩ nhiên là các trạm xử lý này không đủ lớn và nước thải ra từ trạm xử lý nước thải của tàu đặc biệt chứa nhiều vi khuẩn và dư lượng thuốc, bởi vì nhóm du khách hàng đầu của các tàu du lịch biển là những du khách khá lớn tuổi và họ phải dùng nhiều dược phẩm. Như vậy, sự ô nhiễm đầu tiên là từ hải trình xa bờ : ô nhiễm nước thải do những loại nước thải trên tàu không được xử lý đầy đủ.
Ngoài ra, còn có một nguồn ô nhiễm khác đang bị các cư dân và các nhà bảo vệ môi trường ô nhiễm chỉ trích : ô nhiễm không khí. Hiện nay, một con tàu du lịch lớn có thể chở 8.000 người, gồm thành viên phi hành đoàn và hành khách. Khi tàu neo ở cầu cảng, các khí gây ô nhiễm được thải qua các ống khói nhiều tương ứng với mức ô nhiễm do khoảng 50.000 xe hơi gây ra. Chính vì vậy, ở các cảng ngày càng có nhiều sự phản đối các con tàu du lịch này.
Và hiển nhiên là có một nguy cơ khác ngay trên con tàu. Những ai muốn đi du lịch bằng tàu biển cần biết là có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên tàu. Dĩ nhiên là chuyện này đã xảy ra với đại dịch Covid-19 hồi năm 2020 – 2021, với các nguy cơ là con tàu bị phong tỏa, cách ly, bị cấm cập cảng, nhưng không chỉ có dịch bệnh Covid-19, mà còn thường xảy ra các dịch bệnh viêm dạ dày – ruột, gây nôn mửa và tiêu chảy ».
Symphony of the Seas, tàu du lịch lớn nhất thế giới, dài tới 362m, có 11 bể bơi, 25 nhà hàng, 24 thang máy và cả sân trượt băng. Có thể chở 6.680 khách và 2.220 thành viên thủy thủ đoàn, Symphony of the Seas cập bến được ví với một « thành phố nổi » gắn vào cảng. Gây ấn tượng mạnh nhưng đồng thời cũng thật đáng sợ ! Các tổ chức bảo vệ môi trường tố cáo « cuộc đua thành khổng lồ » của các hãng tàu du lịch không chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn mà còn khiến ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng hơn.
Le Parisien trích dẫn số liệu của tổ chức Robin des Bois, theo đó một con tàu du lịch chở 3.000 người mỗi ngày gây ô nhiễm gần bằng 15.000 xe hơi, thải thẳng 4 triệu lít nước thải màu xám ra biển. Gần 800.000 lít nước thải đen và 90.000 lít nước đáy tàu nhiễm dầu về mặt nguyên tắc đều phải được qua xử lý trước khi xả ra môi trường, thế nhưng trên thực tế, nhiều khi các trạm xử lý nước thải của các con tầu không đủ lớn, hoặc vận hành không tốt nên không thể xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường.
Hồi năm 2016, hãng du lịch tàu biển Carnival đã phải nộp phạt 40 triệu đô la vì cho tàu đổ thẳng chất thải nhiên liệu xuống biển. Đến năm 2019, công ty này lại bị tố cáo cho tàu xả nước thải màu xám vào một khu vực cấm ở Bahamas và Alaska, kể cả rác nhựa và rác thực phẩm cực kỳ độc hại cho các hệ sinh thái biển.
Các tổ chức bảo vệ môi trường cũng đặc biệt lưu ý đến chất lượng nhiên liệu dùng cho tàu du lịch biển : dầu nhiên liệu nặng chưa tinh chế. Bà Charlotte Lepitre, người thường xuyên thực hiện các chiến dịch đo lường tại các cảng của Pháp cho tổ chức Pháp – Thiên Nhiên – Môi Trường (France Nature Environnement), nhấn mạnh với báo Le Parisien : « Được sử dụng cho các tàu du lịch, tàu chở hàng và phà, đây là loại nhiên liệu bẩn nhất đang tồn tại vì nó chứa rất nhiều lưu huỳnh và các hạt carbon. Ở một số khu vực trên thế giới, chẳng hạn như dọc bờ biển Mỹ, có sự kiểm soát phát thải chất gây ô nhiễm và các chủ tàu bắt buộc sử dụng dầu hàng hải ít lưu huỳnh hơn và được tinh chế nhiều hơn ».
Làm xấu cảnh quan
Không chỉ gây ô nhiễm, những con tàu khổng lồ, dài hơn 300m, phần tàu nổi trên mặt nước có thể lên tới 60m, cao hơn 10m so với Khải Hoàn Môn Paris, còn che khuất, làm biến dạng cảnh quan. Ông Jacky Bonnemains cho biết thêm :
« Mặt khác, những con tàu này to khổng lồ. Đây không thực sự là sự ô nhiễm nhưng nó làm biến dạng cảnh quan bởi. Những con tàu này cao lừng lững, nổi trên mặt nước như những tòa nhà cao 20 tầng, dài tới 300m và chúng hoàn toàn che khuất cảnh quan. Chính điều này cũng dẫn đến rất nhiều sự phản đối từ cư dân địa phương. Ví dụ như ở Venise, hiện nay các tàu du lịch không còn được cập bờ nữa, chúng buộc phải neo ngoài cảng và du khách được đưa vào đất liền trên một số con tàu chuyên chở nhỏ.
Thêm vào đó, còn có vấn đề về nạo vét : Các tàu du lịch tìm cách cập bờ lên các hòn đảo, quần đảo và vì chúng có mớn nước (tức là chiều cao của phần tàu chìm dưới nước thay đổi tùy theo tải trọng) rất lớn nên các cảng phải thực hiện các hoạt động nạo vét, gây biến đổi dòng chảy tại các cảng ra vào biển và chúng làm tối loạn hoạt động của các ngư dân ».
Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Giao thông và Môi trường (Transport and Environment), Venise của Ý là thành phố cảng ô nhiễm nặng thứ 3 châu Âu do khí thải của các tàu du lịch biển. Chẳng hạn, hồi năm 2017, 68 con tàu du lịch lớn nhất thế giới đã ghé qua thành phố thải xuống biển 27 tấn oxit lưu huỳnh, chất nổi tiếng gây axit hóa môi trường đất và nước.
Mặc dù mỗi năm các chuyến tàu du lịch mang lại hơn 400 triệu đô la cho địa phương, nhưng để hạn chế tác động đối với môi trường, cảnh quan, với sự đấu tranh của cư dân địa phương, các tổ chức bảo vệ môi trường và cả UNESCO, và tháng 07/2021, chính phủ Ý cuối cùng đã ra lệnh cấm các con tàu du lịch cập bến Venise. Từ 01/08/2021, biện pháp này được áp dụng với những con tàu trên 25.000 tấn, hoặc dài trên 180m, hoặc phần nổi của tàu cao trên 35m, hoặc chất thải chứa hơn 0,1% lưu huỳnh (so với chuẩn quốc tế 0,5). Đây được xem là một biện pháp mang tính hạn chế mạnh và rất dũng cảm của chính phủ Ý.
Các vùng cực cũng không thoát nạn
Để đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách, các chuyến tàu du lịch hiện giờ đã đi đến tận các vùng cực xa xôi, kéo theo đó là các nguy cơ đối với hệ sinh thái, theo phát ngôn viên tổ chức Hiệp Sĩ Rừng Xanh :
« Nhìn rộng ra, có thể nói rằng ngày càng có nhiều tàu du lịch ở các vùng cực, cả Bắc Cực và Nam Cực. Tiếng ồn mà các con tàu du lịch này phát ra, nước thải từ tàu thoát ra làm xáo trộn hệ sinh thái của loài chim cánh cụt ở Nam Cực, cũng như đối với loài gấu Bắc Cực. Chính vì thế các chuyến tàu du lịch cũng chịu nhiều lời chỉ trích từ của cư dân địa phương, đặc biệt là ở Bắc Cực, bởi vì hành khách rất đông và khi tàu cập bến, việc có quá đông du khách tạo ra một cú sốc văn hóa và người dân địa phương rất khó tiếp nhận, kể cả ở Bắc Cực và ở các quần đảo như Nouvelle Caledonie ».
Sau nhiều tháng đại dịch Covid-19 khiến các tàu du lịch vắng bóng, sự trở lại của những « gã khổng lồ trên biển » với số du khách kỷ lục lại làm dấy lên mối lo ngại của các tổ chức bảo vệ môi trường và buộc các địa phương phải lưu tâm đến việc cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường sinh thái.