Đăng ngày: 01/09/2022
Tại Anh, công nhân cảng biển, nhân viên bưu điện, nhân viên vệ sinh môi trường, giới tài xế, luật sư… đang chuẩn bị cho cuộc đình công lớn trong tháng 09/2022 để yêu cầu tăng lương trong bối cảnh điện và khí đốt có thể tăng giá hơn 80% kể từ ngày 01/10, lạm phát hơn 10%. Anh là nước có mức lạm phát cao kỷ lục trong nhóm G7.
Phong trào này tiếp nối hàng loạt cuộc đình công, biểu tình từ tháng 08. Lần đầu tiên kể từ 30 năm qua, khoảng 1.900 công nhân ở cảng hàng hóa Felixstowe lớn nhất nước Anh, nơi xử lý đến 48% khối lượng container nhập cảnh, đã đình công trong suốt 8 ngày, kể từ ngày 21/08, để phản đối mức lương quá thấp.
Từ ngày 19-21/08, khoảng 1.600 lái xe buýt, nhân viên một chi nhánh của ngành giao thông công cộng ở thủ đô Luân Đôn cũng được kêu gọi ngừng hoạt động để yêu cầu tăng lương với mức tương đương với tỉ lệ lạm phát. Trước đó, ngành đường sắt ở Luân Đôn cũng trải qua 10 ngày biểu tình, đình công.
Chưa dừng ở đó, nhiều hoạt động khác được lên kế hoạch cho tháng 9, sau mùa nghỉ hè. Giới nghiệp đoàn, người lao động được cổ vũ thêm tinh thần nhờ vào thắng lợi, đôi khi là phải giành giật, giữa giới chủ và các nghiệp đoàn. Ví dụ trong tháng 8, hai chi nhánh của tập đoàn xe buýt Stagecoachđã đạt được thỏa thuận tăng thêm lương từ 12,9% đến 13% cho nhân viên.
Sau lạm phát và suy thoái, bất ổn chính trị cũng là yếu tố khiến đồng bảng Anh mất giá so với đô la, giảm 15% trong vòng một năm, thậm chí là so với cả euro trong khi đồng tiền chung châu Âu cũng đã bị mất giá. Khó khăn chồng chất khó khăn khiến số người dân Anh ủng hộ phong trào « Don’t pay » (Không trả tiền) ngày càng đông đảo. Hơn 120.000 người dân Anh đã nhất quyết không thanh toán hóa đơn sắp tới.
Để hiểu thêm tình hình tại Anh và những biện pháp của chính phủ và Ngân hàng Trung ương, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Nguyễn Thoi, hội viên của Viện Chứng khoán và Đầu tư (Chartered Institute for Securities & Investment, CISI), cộng tác viên của tạp chí The Diplomat.
RFI : Xin chào anh Nguyễn Thoi, cuộc đình công kéo dài nhiều ngày, bắt đầu từ ngày 21/08, của công nhân khu cảng lớn nhất của Anh Flexistowe phản ánh phần nào tình trạng lạm phát tại Anh và sắp tới, theo dự kiến sẽ co nhiều cuộc đình công lớn khác trong tháng 9. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức nào ? Và tác động đến người dân ra sao ?
Nguyễn Thoi : Trong thời điểm hiện tại, lạm phát rất cao tại Anh và tác động rất nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân Anh.
Khi tỉ lệ lạm phát tăng, giá tiêu dùng của một hàng hóa, thực phẩm và dịch vụ sẽ tăng lên. Điều đáng lo lắng là nếu như lương của một người không thay đổi, thì người đó sẽ đối mặt những khó khăn về tài chính vì phải bỏ thêm tiền để chi tiêu hàng ngày.
Đó là lý do chính khiến nhiều nhân viên tại cảng Flexistowe đã đình công vì tiền lương không được như mong muốn để đối phó với chi phí tăng cao hàng ngày do lạm phát.
Người dân Anh đối mặt với vật giá tăng cao, chi phí tiêu dùng, đặc biệt là phải trả tiền điện hàng năm. Theo dự đoán, tiền điện và khí đốt lên tới 5.300 bảng một năm vào tháng 04/2023.
RFI : Chính phủ Anh và Ngân hàng Trung ương có những biện pháp nào để kiềm chế lạm phát ? Những biện pháp này đã cho kết quả ban đầu chưa ?
Nguyễn Thoi : Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England) đã quyết định tăng lãi suất một lần nữa, lên 1,75% và đây là lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ năm 2021. Các chuyên gia dự báo lạm phát tại Anh có thể tăng lên tới 13% vào cuối năm nay khi nền kinh tế Anh đi vào cảnh suy thoái.
Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu bỏ tiền tiết kiệm của người dân sẽ cao, vì thế đồng tiền nhàn rỗi sẽ tăng mạnh hơn trong các ngân hàng. Mọi người không muốn bỏ tiền ra nhiều để kinh doanh và điều đó sẽ làm chậm lại hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, khi lãi suất tăng đồng nghĩa với việc mọi người sẽ phải trả thêm tiền vay vốn mua nhà vì các ngân hàng cố tăng lãi suất cho vay tính lên khách hàng của họ. Trong khi đó, chi phí để mượn thẻ mua sắm và các khoản vay tiêu dùng cá nhân cũng sẽ tăng lên, giảm lại hoạt động chi tiêu của người dân.
Chính sách tiền tệ có thể giúp nhà nước kiềm chế tỷ lệ lạm phát. Ngoài việc in thêm tiền, tăng lãi suất là một trong những công cụ để giảm tỷ lệ lạm phát cho một nền kinh tế. Về mặt lý thuyết, việc tăng lãi suất sẽ làm chậm lại hoạt động kinh tế vì nó sẽ khiến lãi suất cho vay cao hơn, giảm nhu cầu vay tiền của doanh nghiệp để phát triển và gia tăng sản xuất, giảm các áp lực về giá cả và từ đó có thể kiểm soát lạm phát.
RFI : Như anh vừa nói, Ngân hàng Trung ương Anh dự báo kinh tế Anh sẽ đi vào suy thoái trong năm 2022 ? Xin anh giải thích thêm về vấn đề này.
Nguyễn Thoi : Kinh tế Anh Quốc đã đi vào suy thoái và tăng trưởng âm 0,1% trong quý II/2022. Tờ Financial Times cho rằng kinh tế Anh suy giảm là do mức chi tiêu của các hộ dân giảm mạnh, giá dầu tăng vọt, khủng hoảng chi phí và lĩnh vực dịch vụ y tế, đầu tư, xây dựng giảm nhẹ.
Không chỉ tại Anh Quốc, các quốc gia khác như Mỹ, Úc, Canada, Brazil cũng đều tăng lãi suất để chống lạm phát. Việc tỉ lệ lạm phát tăng nhanh trên toàn cầu là do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến cuộc chiến tranh giữa Ukraina và Nga, chính sách phòng chống dịch Zero Covid của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, sức ép lớn từ giá xăng.
Các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi lãi suất căn bản đi lên. Hiệp Hội Thương Mại Anh Quốc đã lo lắng về việc tăng lãi suất làm các doanh nghiệp sẽ chịu nhiều áp lực vì sức ép về chi phí, thiếu nhân công. Ở Anh Quốc, khi lãi suất căn bản tăng thì các ngân hàng bán lẻ và đầu tư sẽ điều chỉnh lãi suất cơ bản mà họ áp dụng. Nhiều doanh nghiệp tại Anh tin rằng việc tăng lãi suất cho vay sẽ hạn chế mức tiêu dùng. Ngân Hàng Trung Ương cũng dự báo nền kinh kinh tế Anh sẽ đi vào suy thoái trong năm 2022.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Thoi từ Luân Đôn.