4 giờ trước
Thù lao của ông Phạm Nhật Vượng, tỉ phú giàu nhất Việt Nam, đang là đề tài được truyền thông Việt Nam quan tâm nhiều trong tuần này.
Nhiều báo đưa tin chủ tịch Vingroup \’không nhận thù lao\’ trong nửa đầu năm 2022.
Bài của các báo mô tả lương của ông Vượng được các cổ đông quan tâm sau khi Vingroup và Vinhomes ra báo cáo tài chính nửa đầu năm.
Theo báo cáo này, tập đoàn đã chi trả thù lao cho Hội đồng Quản trị (HĐQT) 24,1 tỉ đồng và ban tổng giám đốc 24,8 tỉ đồng nhưng ông Vượng và một vài thành viên HĐQT không nhận thù lao trong sáu tháng đầu năm 2022.
Tương tự vậy, trước đó, ông Vượng cũng không nhận thù lao trong sáu tháng đầu năm 2021, theo báo cáo này.
\”…Phó chủ tịch Vingroup Phạm Thu Hương – vợ ông Phạm Nhật Vượng, và phó chủ tịch HĐQT Phạm Thúy Hằng – em gái bà Hương, nhận lương cao nhất là xấp xỉ 1 tỉ đồng. Dù vậy, mức thu nhập này khá khiêm tốn so với khối tài sản của các lãnh đạo tập đoàn này,\” theo Tuổi Trẻ, bình luận trong bài \’Ông Phạm Nhật Vượng nhận lương thế nào khi Vingroup lãi ngàn tỉ\’.
Bài của báo này cho biết ngoài ông Vượng không nhận thù lao còn có ít nhất một phó chủ tịch và một thành viên HĐQT cũng có mức lương \”0 đồng\”.
HĐQT Vingroup gồm 9 thành viên, gồm 1 Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 4 thành viên HĐQT độc lập.
Báo cáo thể hiện các cá nhân còn lại nhận thù lao từ mức 517 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng và rằng tổng \”chi phí thù lao chi trả cho các thành viên của HĐQT doanh nghiệp này trong sáu tháng đầu năm chỉ hơn 4,5 tỉ đồng\”.
Tiền lương cho ban tổng giám đốc Vingroup được mô tả là \”giảm nhẹ 7% còn 19,6 tỉ đồng\” và chỉ có riêng lương của tổng giám đốc tăng 9% là gần 6,2 tỉ đồng.
Doanh thu và nợ của Vingroup
Doanh thu, lợi nhuận và nợ của Vingroup giai đoạn nửa đầu năm 2022 cũng là đề tài được truyền thông quan tâm theo đó tổng doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn giảm 48% so với cùng kỳ năm trước, đạt 31.613 tỉ đồng với lợi nhuận trước thuế (3.487 tỉ đồng) và lợi nhuận sau thuế (1.065 tỉ đồng).
Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh (Hiệp hội Đầu tư, xây dựng – dịch vụ nông, lâm nghiệp Việt Nam) ngày 20/8 có bài \”Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nợ cực \”khủng\”\”.
Bài này đăng tải trước khi Vingroup ra báo cáo tài chính (ngày 29/8) và được cho là gỡ bỏ vài giờ sau khi đăng.
Một nhà quan sát tại Hà Nội muốn ẩn danh xác nhận với BBC có việc gỡ bài này trong khi một người khác mô tả đó là \”việc dễ hiểu bởi Vingroup là \”đế chế\” không ai được đụng tới\”.
Tuy vậy, từ ngày 30/8, trên báo chí Việt Nam lại xuất hiện các bài nói về vấn đề nợ của Vingroup.
VnExpress viết: “Đến cuối quý II, Vingroup có gần 400.000 tỷ đồng nợ phải trả, hệ số nợ vay thuần là 0,24 lần và ở mức trung bình trong nhóm các doanh nghiệp bất động sản niêm yết.”
“Tại thời điểm kết thúc quý II, tổng quy mô tiền mặt và tương đương tiền của tập đoàn đạt hơn 42.200 tỷ đồng. Tỷ trọng nợ vay thuần – tính theo quy mô nợ vay sau khi trừ đi các khoản tiền và tương đương tiền – trên tổng nguồn vốn chỉ ở mức 0,24 lần…”
“Con số này ở mức trung bình so với nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn và thấp hơn một số nhà phát triển quy mô lớn khác…”
Báo PetroTimes của Hiệp hội Dầu khí Việt Nam vào ngày 1/9 có bài mô tả các chỉ số tài chính của Vingroup \”vẫn đang ở ngưỡng rất an toàn\”.
\”Nếu lấy khoản nợ vay thực sự, là 166 ngàn tỷ, trừ đi \”khoản dự phòng\” 42 ngàn tỷ, thì nợ vay thuần của Vingroup tính đến hết Quý II/2022 là 124 ngàn tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ của Vingroup, tính bằng tỷ lệ giữa nợ vay thuần và tổng tài sản, chỉ là gần 0,24. Nói cách khác, nợ thuần chỉ tương đương 1/4 tổng tài sản của Vingroup.
\”Nếu tính Hệ số Nợ/Tổng tài sản cho toàn bộ chỉ tiêu \”Nợ phải trả\” theo Báo cáo tài chính thì hệ số nợ của Vingroup là 0,75 lần. Một số Tập đoàn hay doanh nghiệp lớn khác như Nova Group có hệ số nợ là 0,82, hay Techcombank 0,83, Vietjet 0,73…,\” bài báo viết và nhận định \”khả năng trả nợ của cũng như tình hình tài chính ở ngưỡng \”an toàn\” của Vingroup\”.
Một số bình luận bên ngoài
Vào cuối tháng Bảy, trang AsiaTimes có bài lý giải vì sao Việt Nam không siết các siêu đại gia như Trung Quốc.
Bài của nhà báo David Hutt đề cập tới các diễn biến liên quan tới doanh nhân Trịnh Văn Quyết và bàn tới ông tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Bài này viết: “So với cuộc đàn áp do Đảng Cộng sản lãnh đạo đối với các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc, các tài phiệt của Việt Nam cho đến nay sống tương đối dễ dàng dưới sự cai trị của đảng cộng sản ở Hà Nội.”
Trong khi đó, học giả Lê Hồng Hiệp từ viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute tại Singapore, trong bài đăng ngày 15/7 trên trang Fulcrum biện luận rằng ít nhất trong tương lai gần, ông Phạm Nhật Vượng được an toàn.
\”Một yếu tố quan trọng cũng có lợi cho ông Vương là vị thế của Vingroup với tư cách là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bất động sản và khách sạn đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe và sản xuất.”
\”Đây là một công ty đóng thuế lớn và sử dụng hàng chục nghìn nhân viên. Việc khởi tố người sáng lập và chủ tịch chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng chấn động cho thị trường chứng khoán Việt Nam và thậm chí có thể đe dọa gây bất ổn nền kinh tế.\”
\”Tuy nhiên, ở một đất nước mà nạn tham nhũng vẫn phổ biến và hầu hết các doanh nghiệp vẫn dựa vào các mối liên hệ chính trị để phát triển, các chủ doanh nghiệp nhận thức được rằng chính các chính trị gia đã gây dựng nên họ, thì một ngày nào đó có thể sẽ hạ bệ họ. Ông Vượng sẽ phải chơi trò chơi chính trị một cách thận trọng và khôn ngoan để bảo vệ tài sản trong khi phát triển hơn nữa đế chế kinh doanh của mình,\” ông Hiệp viết.