Tuyến đường vào Bắc Cực và sự phi thường của người Na Uy

Anthony Ham

BBC Travel

\"Getty

Con đường ven biển của Na Uy từ thị trấn Stiklestad đến thành phố Bắc Cực Bodø là hành trình dài 670 km giữa hai thế giới rất khác nhau. 

Đây cũng là một trong những hành trình rong ruổi đẹp nhất hành tinh.

Địa hình hiểm trở

Ở một đầu là sự tinh tế yên ắng của miền trung Na Uy, với những đồng cỏ được cắt tỉa hoàn hảo và những cabin gỗ đỏ. Đầu bên kia là vẻ đẹp thanh bình của miền bắc: thế giới của sông băng, những ngọn núi phủ băng và những chân trời xa xôi, trơ trọi. 

Nối giữa hai đầu là Kystriksveien – cung đường còn được gọi là Đường Ven biển, hoặc là Fv17 – uốn lượn dọc theo bờ biển, uốn cong và đan xen theo mép biển gồ ghề đến tận Bắc Cực.

Quốc gia Scandinavia này được ưu đãi với một trong những dải bờ biển đẹp nhất nhưng có địa hình hiểm trở nhất châu Âu. 

Có vẻ như uốn quanh đất nước như lá chắn trước Bắc Cực băng giá, đường bờ biển của Na Uy dường như vỡ vụn dưới sức ép, bị xé toạc ra với các hòn đảo và vịnh hẹp cắt sâu vào đất liền. 

Dọc theo bờ biển như vậy, dường như không thể nào có một con đường ở đây. Nói tóm lại, dường như con đường tồn tại như một phép lạ.

Do đó, có lẽ sẽ thích hợp để bắt đầu hành trình rong ruổi của mình, cũng như nhiều hành trình châu Âu khác, tại một điểm hành hương cổ xưa.

\"Getty
Chụp lại hình ảnh,Con đường The Kystriksveien chạy dài 670km dọc theo đường bờ biển tuyệt đẹp Nordland

Stiklestad là nơi bắt đầu câu chuyện về Na Uy hiện đại. Chính tại đây, vào năm 1030, Vua Olav Haraldsson theo Kitô giáo đã bị đội quân Viking giết hại. 

Bất chấp thất bại rõ ràng, Olav và cái chết của ông trở thành lời hiệu triệu cho Kitô giáo lan truyền và là bước ngoặt trong cuộc đấu tranh thống nhất Na Uy, với trận chiến mở đầu sự cáo chung của người Viking ở Na Uy và các lãnh chúa thù nghịch. 

Vào năm 1164, Giáo hoàng Alexander Đệ Tam đã phong thánh cho Olav, và địa điểm xảy ra trận chiến – cùng với Thánh đường Trondheim, nơi vẫn còn lăng mộ của Olav – trở thành điểm hành hương kể từ đó.

Stiklestad là nơi thích hợp để tôi bắt đầu hành trình của mình, bởi vì Kystriksveien mở lên về phía bắc cũng đi thẳng vào cách làm thế nào người dân Na Uy nhìn nhận bản thân và đất nước của mình.

Sức chịu đựng kiên cường

Rất ít, nếu có, nước nào ở châu Âu đã vượt qua được những thách thức ghê gớm như Na Uy khi họ định cư ở vùng đất này. 

Nơi các lãnh đạo Na Uy qua nhiều thế kỷ đã sử dụng câu chuyện Stiklestad để đoàn kết đất nước – xây dựng bản sắc dân tộc mạnh mẽ xung quanh câu chuyện về một quốc gia Kitô giáo thống nhất, độc lập vốn đã bỏ lại sau lưng quá khứ Trung cổ – những người làm đường và người tiên phong sau này đã chăm chú nhìn vào khí hậu Bắc Cực và cận Bắc Cực nghiệt ngã và những thách thức đặt ra bởi địa hình đẹp nhưng khắc nghiệt để mở ra một cung đường như Kystriksveien.

“Chúng ta đã chiến thắng đất” là câu nói giống như thần chú quốc gia. Các bảo tàng khắp đất nước xây dựng triển lãm xung quanh câu thần chú này để kể về làm sao mà Na Uy đã được chinh phục để có thể cư trú được. “Nếu đỉnh Everest ở Na Uy,” nhà sử học Mette Larsen của Stiklestad nói với tôi, “chúng tôi sẽ xây dựng một con đường lên đỉnh.”

\"Getty
Chụp lại hình ảnh,Torghatten hiện ra trên tuyến đường, rất dễ nhận biết với lỗ hổng đặc trưng giữa núi

Lúc đầu, khó mà hình dung ý của cô ấy. 

Khi tôi lái xe lên phía bắc từ Stiklestad, con đường thôn quê mềm mại ôm lấy mép nước đến thị trấn tỉnh Steinkjer. Xa hơn Steinkjer, nơi Na Uy hẹp lại và hướng đến Bắc Cực, Kystriksveien cắt ngang vùng đất ngày càng trơ trọi và thưa thớt người ở.

Tuy nhiên, khi cảnh quan trở nên càng hoang dã và càng ít có dấu hiệu về sự hiện diện của con người, người ta nhanh chóng nhận ra việc xây dựng bất kỳ con đường nào dọc theo bờ biển nứt nẻ này chắc chắn là chiến công của sự tài tình và nghị lực con người.

“Ở Na Uy, nếu có chướng ngại vật, như ngọn núi hay một vùng nước, chúng tôi sẽ làm đường đi qua hoặc vòng quanh nó, làm cầu bắc ngang hoặc đường hầm bên dưới,” Larsen nói. “Chúng tôi có những đường hầm đường bộ dài nhất thế giới. Chúng tôi làm đường ở những nơi người khác nghĩ là không thể. Và ở chỗ không thể làm đường hầm, chúng tôi đưa phà đến.”

Huyền thoại tâm linh

Trở lại giữa thế kỷ 20, Larsen nói với tôi, các dự án làm đường là để xây dựng tính cách cũng như xây dựng một quốc gia. 

Vào năm 1939, những thanh niên không có việc làm đã được đưa làm con đường Sognefjellet dài 108 km băng qua nóc nhà Na Uy và qua khu vực mà ngày nay là Công viên quốc gia Jotunheimen. 

Vài năm sau, vào thập niên 1940, gần 150.000 tù nhân và người thất nghiệp được giao nhiệm vụ không kém phần thách thức là thuần hóa bờ biển với cung đường Kystriksveien. 

Một số trở ngại họ đối diện sớm trở nên rõ ràng. Không xa trước khi đến thị trấn Brønnøysund, nơi những ngôi nhà gỗ được sơn phết rực rỡ nhìn nước vỗ ở trung tâm thành phố, những mỏm đá lạnh lẽo chặn cung đường, buộc nó phải tìm lối khác. 

Ngay ngoài khơi, một mỏm đá như vậy, Torghatten, mọc lên từ bờ một hòn đảo. Nó không giống gì khác hơn con quỷ lưng gù, bị đông cứng thành đá nhìn xuống thị trấn. Khi mây cuộn vào, nó ẩn hiện như thể chơi trốn tìm.

\"Anthony
Chụp lại hình ảnh,Cầu Helgeland Bridge, mở từ 1991, kết nối Alstahaug với Leirfjord ở Nordland

Vượt qua Brønnøysund, tôi lái xe qua khung cảnh nguyên sơ chỉ có đá và băng, nước và đồi. Cứ mỗi cây số đi qua con đường lại cao hơn và cảnh quan dường như ngày càng kịch tính đến tận thị trấn nhỏ Sandnessjøen. 

Trong khi Brønnøysund được đánh dấu bằng lời nhắc duy nhất giống con quỷ về thế giới tâm linh, Sandnessjøen còn gấp đến bảy lần: thần thoại địa phương kể rằng bảy đỉnh của Syv Søstre (núi Bảy Chị Em) có độ cao từ 910 mét đến 1.072 mét, là những nữ quỷ phải chịu sự trừng phạt muôn đời.

Những câu chuyện thế này đặc trưng cho tính cách người Na Uy cũng như đam mê làm bằng được của họ khi xây những con đường bất khả thi. 

“Chúng tôi thích làm việc cần cù,” Larsen nói với tôi. “Nhưng chúng tôi cũng thích kể chuyện. Nhìn vào cảnh quan anh đi qua. Làm sao có thể không tin vào quỷ, thần và những bí ẩn? Đó là câu chuyện chúng tôi kể cho con cháu, nhưng cuối cùng hầu hết chúng tôi đều tin.”

Thật khó biết liệu có phải là cô ấy nói đùa hay không.

‘Ngoạn mục nhất châu Âu’

Con đường tiếp tục đi về phía bắc, băng qua Helgelandsbrua (Cầu Helgeland), vốn chỉ mất có năm phút, mà nếu không sẽ phải đi đường vòng mất một giờ. 

Những ngọn núi, tuyết phủ đến tận mùa hè, sừng sững xung quanh. Mặc dù tôi chưa đi tới Bắc Cực, nhưng con đường uốn lượn qua những cao nguyên trơ trọi cây cối, tất cả trừ vị trí địa lý đều giống Bắc Cực. 

Sau đó, nó chạy tới bờ hồ, bến cảng và vịnh hẹp. Đâu đâu cũng là nước.

Tại ngôi làng nhỏ Låvong, con đường dừng ở mép nước. Không có cầu và không thể nhìn thấy nó đi tiếp tới đâu ở đằng xa. Không có đường hầm nào để đi tiếp cho ngọt. Tôi hòa cùng hàng dài xe chờ phà. 

\"Getty

Tôi nói chuyện với Joost và Anneke Visser, những người Hà Lan lái xe cắm trại đã lần thứ 5 đi trên đường Kystriksveien. (Dù bạn có thể đi Kystriksveien quanh năm, nhưng nó ở đẹp nhất và đông nhất là vào mùa hè.) 

“Lần đầu chúng tôi đến, chúng tôi không thể tin là nó đẹp như thế nào,” Joost nói. “Bây giờ chúng tôi không có cảm giác mùa hè trừ phi đi trên con đường này.” 

“Đó là bờ biển ngoạn mục nhất châu Âu,” Anneke đồng ý. “Lúc đầu Joost không muốn đi đâu. Bây giờ anh ấy lại người đi bao nhiêu cũng không đủ. Và anh ấy đúng. Mỗi lần chúng tôi đi trên con đường này, chúng tôi lại phát hiện ra điều mới mẻ.”

Giống như toàn bộ phà Na Uy, chiếc phà đến theo khung giờ riêng và trả đón khách với hiệu quả đặc trưng của vùng Scandinavia. Ở phía xa, tại Nesna, một làng nhỏ Na Uy khác, con đường ôm lấy bờ biển của các vịnh hẹp, không bao giờ cách mép nước quá vài mét, đi qua nhà sàn và rào đá, như thể nó lần theo đường rìa ngoài cùng của lục địa Bắc Âu.

Phía xa thị trấn nhỏ yên tĩnh Stokkvågen, đường Kystriksveien đi qua pháo đài thời Đệ nhị Thế chiến tại Grønsvik. 

Có những nơi, có cảm giác như là không còn chỗ để con đường đi tiếp, nó bị chặn bởi bức tường núi tuyệt đẹp hoặc chân trời toàn là nước. 

Nhưng mỗi lần, đôi khi vào phút chót, tôi phát hiện những người làm đường Na Uy đã tìm ra giải pháp đưa tôi đi tới về phía bắc vào chân trời đầy núi.

Có lúc trên hành trình, trên đỉnh Bắc Cực thực sự, tôi tấp vào lề. Những ngọn núi dốc ken đặc bờ biển. Biển Bắc sâu và xanh thẳm. Ở ngoài khơi, những hòn đảo sừng sững vươn lên từ mặt biển như điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình đến nơi tận cùng của Trái Đất. 

\"Getty
Chụp lại hình ảnh,Saltstraumen là vùng nước xoáy thủy triều lớn nhất hành tinh

Trên chuyến phà Kilboghamn-Jektvik dài một tiếng, cung đường băng qua vịnh hẹp nhưng ta có cảm giác như biển rộng, chân trời phía xa đầy những rặng núi lởm chởm, cái này đến cái khác, xa đến nơi mắt thường còn thấy được. Nhà văn được yêu thích của Na Uy, Henrik Ibsen, từng mô tả vùng núi Na Uy là ‘cung điện chồng cung điện’. Ở đây, hơn lúc nào hết, tôi hiểu ý ông.

Một lúc sau khi rời Kilboghamn, nhưng trước khi phà đến Jektvik, tôi đã băng qua Vòng Bắc Cực. Ở phía bắc của dòng này, vào ngày 21/12, ngày ngắn nhất của năm, Mặt Trời sẽ không mọc; vào ngày 21/6, Mặt Trời sẽ không lặn.

Mỗi chuyến trong số 6 chuyến phà trên tuyến đường đều giống như nghi thức trưởng thành, nhưng tất cả đều không bằng băng qua Vòng Bắc Cực. 

Một đường vẽ trên bản đồ không tạo nên khác biệt, nhưng ở đây núi dường như còn cao hơn, băng xanh thẳm hơn. 

Tảng băng Svartisen rộng lớn là một trong những tảng băng lớn nhất trên đất liền Na Uy, nằm khuất tầm nhìn bên ngoài bức tường núi. Lưỡi sông băng quét dốc xuống từ trên cao đến bờ vịnh hẹp xanh mà bản thân chúng được các sông băng cắt thành từ rất xa xưa; một số vịnh hẹp ở đây sâu hơn 1 km.

Cung đường tuyệt đẹp gần như đã đến đoạn kết. Mật độ xe, tiếng ồn và các tòa nhà bên đường tụ hội khi gần đến điểm cuối Bodø. 

Nhưng bất ngờ nữa đang chờ đợi: Saltstraumen, vùng nước xoáy thủy triều lớn nhất hành tinh. Hãy tìm khắp thế giới thác nước ngang, eo biển Saltstraumen dài 3km, rộng 150m chảy ầm ầm với 400 triệu mét khối nước sau mỗi sáu giờ. Lúc mạnh nhất, nó như loạt xoáy nước khổng lồ dọa hút mọi thứ xuống độ sâu vô hình dưới mặt đất. 

Đây là Na Uy, cho nên có cầu bắc qua, và nhìn xuống mặt nước dâng từ trên cao, khó mà không cảm thấy chóng mặt. 

Chỉ một chuyến mà đã vậy là quá kịch tính, quá nhiều cái đẹp để tiếp nhận, quá nhiều thứ kỳ diệu để tiếp thu. 

Không phải lần đầu tiên, tôi đã hiểu tại sao Joost và Anneke quay lại để đi trên đường Kystriksveien hết lần này đến lần khác. Tôi biết rằng đi một lần sẽ không bao giờ đủ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment