Liên Hiệp Quốc tố cáo Trung Quốc phạm “tội ác chống nhân loại” tại Tân Cương

Đăng ngày: 01/09/2022

\"\"
\"\"
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet trong một buổi họp báo tại trụ sở ở Geneve, Thụy Sĩ, ngày 25/08/2022. AFP – FABRICE COFFRINI

Trọng Nghĩa

Sau nhiều tháng chờ đợi và sau một chuyến thăm gây tranh cãi tới vùng Tân Cương, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet hôm qua, 31/08/2022, đã công bố bản báo cáo về cách thức Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc. Kết luận của tài liệu này rất rõ ràng : Bắc Kinh đã có nhiều hành vi có thể gọi là “tội ác chống nhân loại” tại Tân Cương.

Bản báo cáo dài chưa đầy 50 trang, công bố vài phút trước 12 giờ đêm ngày 31/08, tức là trước khi bà Michelle Bachelet rời khởi chức vụ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, không có bất kỳ tiết lộ thực sự mới nào, nhưng đã được đóng dấu ấn của Liên Hiệp Quốc trên những cáo buộc được đưa ra từ nhiều năm nay nhắm vào Bắc Kinh.

Những kết luận trong bản báo cáo rất nghiêm khắc đối với chính quyền Trung Quốc, vì vậy trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc công bố tài liệu này.

Bản báo cáo đặc biệt nhấn mạnh : “Quy mô to lớn của những vụ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với những người thuộc sắc dân Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người Hồi Giáo khác (…) có thể cấu thành những tội ác quốc tế, đặc biệt là tội ác chống nhân loại”.

Từ Genève, nơi đặt trụ sở Phủ Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, thông tín viên RFI Jérémie Lanche cho biết thêm về nội dung bản báo cáo :

\”Liên Hiệp Quốc đã phỏng vấn 40 nhân chứng hoặc nạn nhân của các vụ ngược đãi ở Tân Cương. Trong số này, có 26 người bị giam giữ trong các trại cải tạo hoặc “trung tâm dạy nghề”, theo cách gọi chính thức của Trung Quốc.

Họ đều kể lại những câu chuyện giống nhau : Bị đánh đập dã man, bị tra tấn, bị cưỡng bức dùng thuốc, đôi khi bị cưỡng hiếp, và cứ như thế trong nhiều tháng trời. Họ hầu như không được liên lạc với gia đình. Tệ hại hơn cả là họ bị hành hạ mà không có lý do rõ ràng, ngoại trừ việc họ thuộc về một nhóm dân tộc thiểu số bị chính quyền trung ương ghét bỏ. Bản báo cáo cũng nêu lên những vụ cưỡng bức triệt sản và kiểm soát thông qua hệ thống nhận dạng khuôn mặt.

Đối với Liên Hiệp Quốc, đó là những vụ vi phạm nhân quyền hàng loạt, cho dù không thể xác định rõ số lượng.

Đã nhanh chóng có những phản ứng về bản báo cáo. Trong lúc các tổ chức phi chính phủ lấy làm tiếc rằng bà Michelle Bachelet đã chần chờ quá lâu trước khi công bố tài liệu, Human Rights Watch đã yêu cầu Hội Đồng Nhân Quyền thụ lý hồ sơ và khởi động một cuộc điều tra mới.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh đã tố cáo một báo cáo “đầy những điều dối trá và phớt lờ thực tế tại Tân Cương\”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment