Đăng ngày: 05/09/2022
Ngày 03/09/2022, tập đoàn năng lượng Gazprom thông báo sẽ cung cấp khí đốt cho Liên Hiệp Châu Âu với hệ thống ống dẫn chạy qua Ukraina. Trước đó một hôm, thứ Sáu 02/09, tập đoàn năng lượng Nga giải thích đường ống dẫn Nord Stream 1 chưa thể hoạt động trở lại vì những lý do kỹ thuật. Theo giới quan sát, Matxcơva đang dùng khí đốt để « bắt chẹt » và gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng câu hỏi đặt ra, tại sao là vào lúc này, khi mà cuộc chiến tại Ukraina do Nga phát động đã kéo dài hơn 6 tháng qua ? Ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Washington, trong một bài nhận định đăng trên trang mạng Le Point (04/09/2022) cho rằng đó là vì cuộc chiến tại Ukraina đang rơi vào bế tắc, hai đối thủ giờ trong thế « giằng co » mà không cho thấy có một thắng lợi rõ nét nào từ cả hai phía.
Kiev không thể bảo đảm có được một chiến thắng quyết định bất chấp việc được phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ về mặt khí tài. Matxcơva, tuy có quân số đông và chuyên nghiệp, cũng như lượng vũ khí dồi dào nhưng vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ trước một đối thủ được tài trợ nhiều loại vũ khí tân tiến.
Trong bối cảnh này, để chấm dứt sớm cuộc chiến trước khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây bắt đầu có tác động lên nền kinh tế đất nước, chủ nhân điện Kremlin đặt cược nhiều vào sự chia rẽ trong khối 27 nước thành viên, giữa một bên mong mỏi một sự thất bại mang tính quyết định của Nga và bên kia là những nước hy vọng có được một đồng thuận ; giữa những nước từng nếm mùi sự cai trị tàn bạo của Matxcơva và những nước muốn xem Nga như là một đối tác, tuy khó khăn nhưng rất được trông đợi.
Và trên mặt trận này, khí đốt là một vũ khí lợi hại, được nguyên thủ Nga sử dụng một cách khôn khéo. Một mặt, ông Vladimir Putin sử dụng chiến thuật « lúc cứng lúc mềm », tức là lúc đóng lúc mở van khí đốt ; mặt khác, Nga tiến hành một chiến dịch đối xử phân biệt giữa các nước để chia rẽ châu Âu.
Về điểm này, trên đài RFI, chuyên gia Francis Perrin, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược giải thích rằng khi thông báo ngưng cấp khí đốt qua Nord Stream 1, điều đó không có nghĩa là Nga khóa chặt hoàn toàn van khí đốt, mà chỉ là khóa thêm vài vòng. Trên bình diện kinh tế, việc cung cấp năng lượng ít hơn cho châu Âu sẽ khiến thị trường khí đốt trên thế giới lo lắng và làm tăng giá bán.
Còn trên bình diện địa chính trị, việc khóa bớt van cung ứng, người dân châu Âu hoảng loạn và có thể sẽ tạo ra những hiệu ứng để bẻ gãy tình liên đới của châu Âu trong việc hậu thuẫn Ukraina. Trong nước cờ này, các chiến lược gia của Nga hoàn toàn có thể trông cậy vào con chốt đầu tiên là Hungary, gần đây đã ký kết một hợp đồng khí đốt mới với Nga. Rồi Bulgarie cũng đang bị dao động, tiếp đến có thể là nước Ý.
Theo ông Gerard Araud, trong mọi trường hợp, mục tiêu của Nga là nhằm gởi đến công luận châu Âu rằng đất nước của họ có thể được đối xử ưu đãi, với điều kiện thuyết phục được chính phủ của họ thông qua một « chính sách đúng đắn » trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Mặt khác, Matxcơva hiểu rõ là không chỉ liên quan đến vấn đề sưởi mùa đông, việc cắt giảm nguồn cung năng lượng sẽ còn đánh thẳng vào những nền công nghiệp nào phụ thuộc vào khí đốt của Nga, như là Đức chẳng hạn.
Trước nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng và rủi ro xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng, công luận của những nước này sẽ phản ứng ra sao, trong khi từ các phong trào dân túy cho đến các phe cực hữu hay tả đều không che giấu cảm tình của họ đối với Nga và không mấy gì hào hứng đồng tình hy sinh để bảo vệ Ukraina ?
Khi khởi động cuộc chiến khí đốt, rõ ràng tổng thống Nga hy vọng những nước này sẽ giảm bớt sự ủng hộ của họ đối với Ukraina, cũng như là có khả năng hối thúc đồng nhiệm Zelensky giảm bớt các mục tiêu chiến tranh của mình, thậm chí là thúc đẩy ông ngồi vào bàn đàm phán. Nếu như nguyên thủ Nga có thể chia rẽ được Liên Hiệp Châu Âu, đó cũng chính là mục tiêu dài hạn của ông Putin.
Cựu đại sứ Pháp kết luận : Mùa thu và mùa đông sắp tới sẽ là thời điểm sự thật cho châu Âu đối với Ukraina, cũng như là cho cả tương lai của Liên Hiệp Châu Âu.