3 giờ trước
Có những video cho thấy một số cư dân thành phố Thành Đô của Trung Quốc, nơi xảy ra động đất, đã bị chặn, không cho bỏ chạy khỏi các tòa nhà ở, nơi đang bị phong tỏa do Covid, và việc này đã làm bùng lên cơn giận dữ, phản ứng trên mạng.
Một số người ở Thành Đô nói rằng họ được yêu cầu ở trong nhà sau thời gian xảy ra trận động đất mạnh 6,6 độ Richter hôm thứ Hai, là vụ khiến ít nhất 65 người thiệt mạng.
Những người bỏ chạy nói rằng họ thấy các lối ra đều bị đóng chặt do có các hạn chế phòng chống Covid.
Thành Đô, nơi có 21 triệu dân, hiện đang bị phong tỏa nghiêm ngặt.
Trung Quốc theo đuổi chính sách Không Covid-19, và việc phong tỏa thường xuyên được áp dụng tại những cộng đồng có phát hiện ra các ca nhiễm virus.
Trong một số trường hợp, các tòa nhà chung cư nơi có ít nhất một người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid bị coi là \”khu vực cần đóng kín\” – nơi cư dân bị cấm ra khỏi nhà bất kể họ có nhiễm virus hay không.
Các đoạn video được chia sẻ trên Douyin, nền tảng TikTok của Trung Quốc, cho thấy những cư dân hoảng loạn đứng sau những cánh cổng khóa bằng xích, gào thét đòi mở cổng để thoát ra ngoài.
Trong một video, một người đàn ông chửi bới nhân viên bảo vệ, lắc đẩy thứ trông như cổng căn hộ của ông và cố gắng mở ra. Ông hét lên: \”Nhanh lên, mở cửa, động đất rồi!\” Các nhân viên bảo vệ đáp lời: \”Xong rồi, động đất đã xong rồi.\”
Một video khác, được cho là bản ghi âm của một thông điệp phát trên loa phóng thanh, có nội dung như sau: \”Hãy trở về nhà, không tụ tập tại đây, đó chỉ là một trận động đất thôi. Chúng ta [ở Tứ Xuyên] đã rất có kinh nghiệm [với chuyện động đất].\”
Một người đàn ông nói với BBC rằng ông đã chạy ra khỏi tòa nhà 30 tầng của mình sau khi cảm nhận được cơn chấn động của trận động đất. Khi nhận ra mình bị mắc kẹt, ông đã phàn nàn giữa đám đông tụ tập ở cổng.
\”Cái nào quan trọng hơn? Phong tỏa hay động đất?\” Lu Siwei, luật sư ở Thành Đô, hét lên.
Ông nói rằng người hàng xóm của ông trả lời: \”Đừng xúi bẩy tâm tình mọi người và đừng có mà nói chuyện chính trị.\” Sau khi đôi co mấy câu, ông Lu nói rằng người đàn ông đó đã tấn công ông.
Không có tin tức nào cho thấy có bất kỳ ca tử vong nào do động đất liên quan tới tình trạng phong tỏa các khu nhà, nhưng những nội dung trên đã gây ra chỉ trích dữ dội từ những người dùng trang tiểu blog Weibo.
\”Thật là một trò đùa khi chúng ta phải thảo luận về một câu hỏi như vậy,\” một người bình luận dưới bài đăng trên trang tin tức địa phương, trong đó có dẫn lời một luật sư nói công dân \”theo hiến pháp\” được quyền tự do chạy trốn đến nơi an toàn. Bài đăng đã nhận được hơn 3,7 triệu lượt xem tính đến hôm thứ Ba.
\”Tôi đoán là sẽ không sao cả nếu tôi chết bên trong tòa nhà, ít nhất thì tôi cũng không bị nhiễm bệnh,\” một bình luận khác mỉa mai.
Ủy ban Y tế Thành Đô sau đó đã đăng trên tài khoản WeChat chính thức của mình rằng \”cần ưu tiên bảo vệ tính mạng của người dân trong các trường hợp động đất, hỏa hoạn, lũ lụt và các thảm họa khác\”.
Thành Đô, thủ phủ của Tứ Xuyên, mùa hè này đã bị nắng nóng, hạn hán, và tuần trước đã rơi vào tình trạng bị phong tỏa sau khi các ca nhiễm Covid gia tăng.
Các chính sách phòng chống Covid của Trung Quốc yêu cầu các thành phố phải thực hiện việc phong tỏa nghiêm ngặt – ngay cả khi chỉ có một số ít các ca nhiễm bệnh được phát hiện.
Tuy nhiên, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đảm bảo \”Không Covid\” đã gây ra bất bình công khai hiếm thấy từ người dân.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng trên thế giới vẫn đang cố dập tắt hoàn toàn các đợt bùng phát Covid, và tuyên bố điều này là cần thiết để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm virus trên diện rộng, có thể gây quá tải cho các bệnh viện.
Theo số liệu Đại học Johns Hopkins, nước này chính thức ghi nhận ít hơn 15.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu.