Đăng ngày: 08/09/2022
Trong chuyến công du hai ngày tại Indonesia, (04-05/09/2022) tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và người đồng cấp Indonesia tái khẳng định các cam kết về quốc phòng và an ninh, tăng cường hợp tác giữa hai nước, trong bối cảnh Trung Quốc “giương oai giễu võ” ở vùng eo biển Đài Loan.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Jakarta kể từ khi ông đắc cử vào tháng 05/2022. Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai, 05/09, lãnh đạo hai nước Đông Nam Á khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ mậu dịch song phương, đồng thời thảo luận về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và cuộc chiến ở Ukraina – nguyên nhân cản trở sự phục hồi kinh tế còn \”mong manh\” sau đại dịch. Hai ông Marcos và Widodo nhất trí gia hạn thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh. Philippines và Indonesia nhấn mạnh nhu cầu hợp tác “toàn diện” và cụ thể, trong bối cảnh tình hình địa chính trị “rất bất ổn”. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sau đó đã đưa ra tuyên bố chung của hai nước, được AP trích dẫn :
“Chúng tôi đã thảo luận rất lâu về vai trò của ASEAN, trong bối cảnh chúng tôi đang gặp khó khăn trong một thời điểm có nhiều biến động về địa chính trị, không chỉ trong khu vực mà ở phần còn lại của thế giới. Cả hai nước đều nhất trí rằng ASEAN có thể trở thành nhân tố dẫn đầu trong những thay đổi trong tương lai qua việc tiếp tục mang lại hoà bình ở đất nước chúng tôi.”
Nguy cơ Trung Quốc“mập mờ” trong các thỏa thuận hợp tác tác an ninh song phương
Theo hãng tin AP, trong cuộc hội đàm hôm thứ Hai, 05/09, hai lãnh đạo Philippines và Indonesia đã ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng. Hai vị tổng thống cũng gia hạn Thoả thuận 1997 về các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, cũng như Kế hoạch hành động Indonesia – Philippines, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế trong khu vực, trong các lĩnh vực như nông nghiệp và năng lượng.
Manila và Jarkarta cũng nhất trí xem xét lại các thỏa thuận an ninh biên giới. Vào đầu năm 2022, bộ Ngoại Giao Indonesia cho biết cả hai bên đã cam kết đẩy nhanh các cuộc đàm phán về việc phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với hai đường ranh giới riêng biệt ở biển Celebes và biển Philippines.
Theo chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại đại học Padjadjaran ở Indonesia, ông Teuku Rezasy, được South China Morning Post trích dẫn, tuyên bố chung này khẳng định quan hệ hợp tác của hai nước trong nhiều lĩnh vực đã được lên kế hoạch, nhưng lại bỏ qua một vấn đề quan trọng : liệu hai nước có hành động cùng nhau để có thể đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán hay không ?
Tuy nhiên, ông Teuku Rezasy muốn tin rằng : Philippines có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước châu Á khác về cách để thắng Trung Quốc trong vụ kiện về tranh chấp Biển Đông. Trong vụ kiện ở Tòa Trọng tài Thường trực La Haye vào năm 2016, Manila đã thắng kiện: Tòa đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông.
Cả Indonesia và Philippines đều bác bỏ yêu sách \”đường lưỡi bò\” của Trung Quốc và đều đang phải đối phó với các hành động “ngang ngược” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Teuku Rezasy nói thêm : “Tôi cho rằng Philippines và Indonesia cũng cần có quan điểm đồng nhất về cách đối phó với cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan, vì rất nhiều công dân của hai nước này đang sinh sống tại Đài Loan. Nếu cuộc khủng hoảng leo thang, Manila và Jakarta cần phải thực hiện các biện pháp giải cứu công dân. ”
The Diplomat nhắc lại : Biển Đông có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm giữa các tuyến đường biển có nhiều tàu bè qua lại nhất thế giới, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Với khoảng một nửa lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua vùng biển Đông Nam Á, các vùng biển và eo biển của khu vực rất quan trọng đối với an ninh hàng hải của thế giới.
Dưới chế độ của Marcos Jr., Philippines rất có thể sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược với Indonesia. Manila và Jarkarta đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1949. Trong 70 năm, hai bên đã ký hơn 20 hiệp định song phương về quốc phòng và an ninh. Đây là con số lớn nhất giữa hai quốc gia thành viên của ASEAN.
Liên minh Indonesia – Philippines
Hai quốc gia Đông Nam Á vẫn duy trì tình hữu nghị và không có bất cứ tranh chấp lãnh thổ nào đáng nói, không giống như giữa Philippines và Malaysia. Quan hệ giữa Manila và Jarkarta được nâng cấp, không khác gì một hình thức liên minh (treaty alliance).
Philippines tiếp tục coi Indonesia như mội đối tác chiến lược, điều này được thấy rõ qua đề xuất ký với Jakarta Thoả thuận Thăm viếng quân sự (SOVFA). Thỏa thuận này được mô phỏng theo thỏa thuận mà Philippines đã ký với Úc năm 2012, để điều chỉnh các hoạt động của lính Indonesia được triển khai tại Philippines. Việc ký thoả thuận này giúp gắn kết quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia có số lượng quần đảo lớn nhất thế giới.
Chuyến thăm của tổng thống Marcos ở Jarkata có thể mở thêm nhiều cánh cửa cho hai nước, nhằm phát triển và nâng cao khả năng quốc phòng, The Diplomat kết luận : Cả hai có thể cùng giải quyết các vấn đề ở vùng biển Đông Nam Á.
Philippines và Indonesia cứng rắn hơn ?
Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan, cách đây không lâu, vào tháng 8, Indonesia đã tổ chức cuộc tập trận thường niên Garuda Shield với Mỹ, nhưng lần này số nước tham gia được mở rộng. Theo Financial Times, đây là lần đầu tiên cuộc tập trận có cả Nhật Bản, Singapore và Úc cùng tham gia. Trước hành động này, Trung Quốc, thường sử dụng các cuộc tập trận riêng để đối lại, cùng lúc đó đã tổ chức một cuộc thao dượt cùng không quân Thái Lan.
Về phía Philippines, trong cuộc gặp với ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hồi đầu tháng 9, tổng thống Marcos Jr. nhận định rằng chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ đến Đài Loan không làm “gia tăng căng thăng”, bởi vì tình hình chính trị trong khu vực vốn đã có nhiều biến động. Giới quan sát cho rằng Marcos đang thể hiện rõ chiến lược xoay trục sang Mỹ, rời xa Trung Quốc, khác với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.
Hôm 05/09, tờ Nikkei Asia dẫn lời của đại sứ Philippines tại Washington, cho biết Manila có khả năng sẽ cho phép các lực lượng Hoa Kỳ sử dụng căn cứ quân sự của nước này trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan, vì đây là điều “quan trọng với an ninh của chính Philippines.”
Nếu như Mỹ đề cao lợi ích của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương, thì Trung Quốc đưa ra các biện pháp khuyến khích, cho vay và các cơ hội kinh tế khác cho chính phủ các nước trong khu vực.