- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
Bị chích điện vào chân, bị bỏ đói và không được điều trị khi mắc Covid, bé An, 15 tuổi nhắn về cho mẹ: \”Mẹ ơi cứu con, con sợ đất Cam lắm rồi.\”
Dòng tin nhắn chỉ vỏn vẹn vài ba chữ nhưng đủ sức đâm thẳng vào trái tim của người mẹ có con mất tích hơn một tháng trời ở Campuchia.
Chị Tâm, mẹ bé An kể với BBC nỗi niềm của bậc làm cha, làm mẹ khi có con là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo ở xứ chùa tháp.
\”Lúc con bé nhắn về kêu tôi chuyển tiền chuộc vì làm hết nổi rồi, tôi chưa có chạy đủ tiền nên chỉ biết khuyên con ráng làm. Tôi lo sợ đủ thứ, sợ con mình bỏ mạng nơi đất khách, hay đi biền biệt mười mấy hai chục năm như những trường hợp khác mà tôi nghe kể lại.
\”Sáng nào tôi cũng đi vô ngôi chùa gần nhà, lạy mẹ Quan Âm và vái Thần Phật xin bình an cho bé. Tôi còn cầu nguyện với Đức Phật rằng, nếu con tôi được về mà đổi lấy mấy chục nằm tuổi thọ của bản thân, tôi cũng cam tâm,\” chị Tâm nói với BBC.
Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi vì bảo vệ danh tính.
Linh tính của người mẹ
Chị Tâm quê ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Gần chục năm nay, công việc chính của chị là cạo xơ dừa với thu nhập tầm vài chục cho đến trăm ngàn đồng mỗi ngày. Trước đây chị Tâm làm cho một công ty thì đồng lương khấm khá hơn, nhưng vì đại dịch, công ty giảm biên chế và chị Tâm thất nghiệp.
Không được bồi thường do chỉ là hợp đồng thời vụ, gia đình chị nhờ tiền bảo hiểm để sống qua ngày. Sau đó, chị được chủ vựa dừa thuê làm theo ngày. Rồi biến cố ập xuống gia đình chị Tâm.
Ngày 14/5, trên đường đi làm ngang qua trường học của bé An, chị Tâm bỗng linh cảm có điều chẳng lành liền quay xe vô trường gặp bạn bè con chị hỏi thăm.
\”Hôm đó như linh tính của người mẹ, tôi hỏi thì bạn bè An nói không thấy bé đâu. Tụi nó nói bé An bị ai đó dụ đi rồi nên xin nghỉ học một ngày lên Sài Gòn làm thử, được thì đưa qua Campuchia làm luôn,\” chị Tâm nhớ lại.
Không tin được đứa con gái 15 tuổi chưa bao giờ đi qua đêm hay bước chân ra khỏi làng xã mà lại dám sang tận Campuchia, chị Tâm chạy đôn chạy đáo tìm con với hy vọng An vẫn còn ở Việt Nam.
\”Lúc đầu tôi chạy lên công an xã Phong Nẫm nói 24 tiếng đồng hồ mới được báo án. Sau đó tôi làm đúng y vậy thì công an nói bây giờ chưa xác định được rằng con tôi có phải bị người ta lừa đi hay không, nên gia đình tự tìm người trước.
\”Hai ngày đầu bé mất tích, tôi gọi điện thoại bé có đổ chuông nhưng không bắt máy. Tới ngày thứ ba thì không gọi được nữa. Một tuần sau, do nhắn được cho tôi qua Facebook, An nhắn cho dì con bé ở dưới Long An rằng: \”Dì hai ơi, con bị người ta gạt bán con qua bên Campuchia rồi. Giờ dì hai nói với mẹ lo chạy 80 triệu chuộc con về.\”
\”Khi đó tôi chới với, mới nhận thức được chuyên gì xảy ra,\” chị Tâm hồi tưởng.
Vái \’bốn phương tám hướng\’ tìm con
Ngay khi nhận được tin nhắn yêu cầu tiền chuộc, chị Tâm lên công an tỉnh để tiếp tục báo án thì được hướng dẫn phải viết đơn ở huyện, rồi huyện mới gửi lên tỉnh để điều tra. Tối đó, chị lại nhận được tin của con gái hối thúc chuyển 48 triệu tiền chuộc.
\”Lúc đó tôi không chắc người chat có phải thực sự là con mình không vì chỉ có tin nhắn chứ không gọi video được. Tôi mới kêu bé gửi định vị nhưng tới trưa hôm sau bé mới gửi, kèm theo là số tài khoản ngân hàng.
\”Lần nữa tôi lại đem nội dung tin nhắn đó xuống báo công an huyện, họ có ghi lại hồ sơ vụ việc. Tới chiều, tôi gọi cho bé nhưng người bắt máy là một phụ nữ, giọng miền Bắc. Người này tự xưng là quản lý và dùng tài khoản Zalo của bé kêu tôi chuyển tiền, hù dọa nếu không nộp tiền chuộc ngay thì sẽ bán bé qua công ty khác.
\”Tôi năn nỉ họ cho thêm thời gian, nói gia đình nghèo mà số tiền lớn quá, không thể xoay liền được. Tôi cũng xin cho tôi đem tiền qua Campuchia chuộc người trực tiếp nhưng họ không chịu. Họ nói nếu không bắn tiền qua trong đêm nay thì sáng mai sẽ bán con bé sang công ty khác, muốn chuộc thì liên hệ với công ty đó.\” chị Tâm thuật lại.
Lòng như lửa đốt mà tin nhắn An gửi về cứ nhỏ giọt, trả lời nhát gừng khiến chị càng thêm hoang mang. Chị bỏ hết công việc để tìm con.
\”Tôi mất ăn mất ngủ, cứ ôm điện thoại chờ tin nhắn con. Tôi chạy bốn phương tám hướng, hết nhờ công an đến gửi thư cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia. Một hai ngày bé mới trả lời tin nhắn mà toàn giấc khuya, sau này tôi mới biết bé phải làm ca đêm nên không được dùng điện thoại,\” chị Tâm nói.
Tới ngày 23/6, khi con gái chị đã bị bán sang ba công ty thì chị mới liên hệ được với một nhóm tình nguyện qua Campuchia cứu người.
Sau khi nghe chị Tâm trình bày hoàn cảnh và xác minh thông tin, nhóm này đã nhận lời giúp chị Tâm đưa bé An về nhà.
\”Nhóm em Phong Bụi nhắn với tôi 27-28/6 sẽ có chuyến qua Campuchia và hứa sẽ giúp chuộc bé An vào ngày 29/6. Bên công ty biết có người chuộc thì họ ra giá USD 3.460 và giữ An lại, không bán sang công ty khác nữa nhưng vẫn bắt bé làm việc cho tới ngày hẹn.
\”Lúc giải cứu An, nhóm em Phong phải chờ bên ngoài hai tiếng đồng hồ nhưng phía bên kia họ không giao người. Tới một tiếng sau, em Phong nhận được cuộc gọi kêu quay lại. Lúc chờ đợi lòng tôi như lửa đốt, mấy ngày liền tôi không tài nào chợp mắt được,\” chị Tâm nhớ lại.
Theo lời chị, trước khi đưa An ra, quản lý bắt bé phải xóa hết tất cả tin nhắn, dữ liệu trong điện thoại.
\”Do bé An chụp hình cổng công ty gửi cho Phong để nhận viết địa điểm, tên quản lý đã dọa bé rằng có tin công ty nhận tiền chuộc nhưng bé sẽ bị bán quan công ty khác không,\” chị Tâm kể.
Để gặp được con, chị Tâm đã chầu trực từ sáng sớm để chờ tin. Tới 10 giờ sáng thì chị được báo cả đoàn đã về tới cửa khẩu nhưng tận 3-4 giờ chiều, chị mới nhận thêm tin tức của bé An báo phải làm giấy tờ bảo lãnh qua cửa khẩu.
\”Tôi lên công an làm hai ba lần thì bên phía biên phòng mới chịu vì mấy lần đầu không có hình của bé. Qua ải cửa khẩu thì tới khi qua huyện An Phú, tỉnh An Giang, cả nhóm lại bị giữ lại để công an họ ghi nhận vụ việc, tôi đợi thêm hơn hai tiếng đồng hồ nữa,\”
Người giúp chở bé An về lại Bến Tre là một trong những phụ huynh có con là nạn nhân được chuộc về cùng đợt với bé An. Vì kẹt phà Đình Khao mà tới 3 giờ rươci sáng, mẹ con chị mới được gặp nhau.
\”Lúc đó tôi chỉ biết ôm con vào lòng và khóc…,\” chị Tâm bộc bạch.
Theo lời chị Tâm, ban đầu nhóm tình nguyện cho chị mượn trước số tiền chuộc. Nhưng sau đó, vì thấy hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, họ quyết định tặng luôn số tiền chuộc em An cho gia đình, chưa kể phí phạt khi quay về Việt Nam vì em An nhập cảnh trái phép.
\’Con sợ đất Cam lắm rồi mẹ ơi\’
Gửi cho BBC News Tiếng Việt cuộc trò chuyện mà chị Tâm còn lưu lại khi con chị vẫn còn ở \”địa ngục\” bóc lột lao động bên Campuchia, chị Tâm rưng rưng:
\”Tôi không bao giờ quên được tin nhắn này, bé An gửi khi bé bị nhiễm Covid nhưng vẫn bị bắt làm việc ngày đêm ở công ty thứ hai. An nói rằng không làm nổi nữa, sợ đất Campuchia lắm rồi, muốn về với mẹ.\”
Tuy về nhà an toàn gần một tháng, chị Tâm kể bé An đêm ngủ vẫn nói mớ và khóc lóc.
\”Hồi đầu về bé không kể gì với tôi về chuyện đã trải qua. Về cả tháng nhưng tối ngủ bé vẫn nằm mơ nói mớ dữ lắm, cứ nửa đêm khóc lóc phải gọi bé dậy.\”
\”Lúc ở công ty thứ hai, có lần bé chứng kiến một người Trung Quốc trong công ty bỏ trốn không thành nên bị đánh, bị lôi vô phòng tra tấn. Vì vậy, bé bị ám ảnh. Cũng ở công ty này, bé An bị nhiễm Covid nhưng không được chữa trị đàng hoàng nên có thể vì vậy mà hiện bị di chứng viêm phế quản cấp, ho nhiều phải đi khám thường xuyên,\” chị Tâm kể lại.
Thời gian một tuần đầu, An vẫn không biết mình bị lừa, vẫn nghĩ là sang Campuchia đi làm và cuối tháng sẽ được lãnh lương như lời người ta đã hứa. Cho tới khi em làm kiệt sức, không ngồi dậy nổi nữa, nói muốn nhận lương và về Việt Nam thì quản lý đòi tiền chuộc.
Lúc này, An mới rơi vào hoảng sợ.
Trước đó, An quen một người bạn trên Facebook cũng ở Bến Tre. Sau một tuần trò chuyện, người này đã rủ sang Campuchia để làm việc, nói là mỗi ngày làm có mấy tiếng đồng hồ trên máy tính mà lương tháng 18-20 triệu.
Trong gần hai tháng ở Campuchia, An bị sang tay cho ba công ty.
Ở công ty thứ nhất, An bị đánh và chích điện khi không làm đủ chỉ tiêu. Chị Tâm kể, hiện trên chân bé vẫn còn vết nám của những cú chích điện vì không kiếm được khách.
Tới ngày 24/5, An bị bán qua công ty thứ hai. Tại đây, An nhiễm Covid nhưng quản lý là người Việt vẫn bắt em làm việc trong phòng cùng những nhân viên khác. Vì kiệt sức, An gục xỉu trên bàn. Sau đó, công ty thông báo em bị sa thải do không đạt chỉ tiêu.
Chị Tâm giải thích với BBC, bọn lừa đảo đã dọa ép bé An ký vào một hợp đồng có thời hạn là sáu tháng. Vì vậy, khi bị đuổi, bé phải đền tiền hợp đồng 3.800 USD.
\”Họ nói với tôi họ mua bé An từ công ty đầu tiên với giá 2.600 USD mà mấy chục ngày liền, bé được bao ăn ở nên tiền chuộc phải tăng. Tới ngày 19/6, An nhắn về cho tôi nói do không có người chuộc, bé bị bán cho công ty thứ ba,\” chị Tâm nhớ lại.
Ở công ty này, An bị bắt làm việc từ 8 giờ tối tới 9 giờ sáng hôm sau. Nếu không kiếm được \”con mồi\” thì phải tăng ca đến 12 giờ trưa.
Mỗi ngày, công ty chỉ cho các nhân viên ăn một bữa lúc 2 giờ sáng. Bé An bị hậu Covid nên hành sốt, tuột canxi nhưng vẫn bị bắt làm việc với cường độ cao.
Công việc của An ở ba công ty đều tương tự nhau, đó là đi lừa đảo, chèo kéo người vào chơi và nạp tiền vô các trang cờ bạc, đánh bài online.
Ngoài hình thức này, các bạn như An còn phải dụ dỗ những người Việt Nam mở tài khoản tiền Việt để nhận hoa hồng. Theo đó, mỗi phi vụ tống tiền hay lừa đảo sẽ được gửi vô các tài khoản này. Chủ tài khoản sẽ nhận được 10% hoa hồng phí \”cho thuê\”.
Bây giờ An đã tốt nghiệp cấp hai. Nhưng em không còn học chữ nữa mà đi học nghề trang điểm ở sở lao động của tỉnh.
Chị Tâm, mẹ của An nói gia đình, cô giáo cũng động viên nhưng bé nói không học nổi nữa, muốn có công việc để phụ giúp gia đình.
Không chỉ riêng An mà nhiều nạn nhân từng bị lừa sang Campuchia cũng phải đối mặt với tình cảnh tương tự.
Khi trở về Việt Nam, người mang trên vai gánh nặng nợ nần vì số tiền chuộc khổng lồ, người chật vật tìm việc, người sống với nỗi mặc cảm làm khổ gia đình.
Ở xã Phong Nẫm của chị Tâm, nhiều gia đình có con đi xuất khẩu lao động, nhưng rốt cuộc không qua Hàn Quốc, Nhật Bản như đã hứa mà bị lừa sang Campuchia.
Đưa bàn tay thô ráp đầy vết chai, chị Tâm nói: \”Tôi làm nào giờ nuôi con, bỏ sức lao động kiếm tiền tới mức tay chai sần hết còn không kiếm được bao nhiêu, ai mà bỏ tiền nhiều cho mình làm việc sung sướng. Tôi cũng mong những bé mới lớn, các bạn trẻ đừng tin vào việc nhẹ lương cao mà nghe lời dụ dỗ,\” chị Tâm nhắn nhủ.