Phật giáo Việt Nam \’hưng thịnh không phải nhờ chùa đồ sộ\’

  • Mỹ Hằng
  • BBC News Tiếng Việt

13 tháng 9 2022

\"Vesak\"/
Chụp lại hình ảnh,Tượng Phật khổng lồ ở Sơn Tây trước lễ Vesak 2019

Đại đức Thích Đồng Long, Chánh Thư ký Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Thống Nhất Miền Quảng Đức, trao đổi với BBC News Tiếng Việt về ý nghĩa của Phật giáo ngày nay tại Việt Nam, sau nhiều hiện tượng thu hút sự chú ý và bức xúc từ dư luận, xảy ra ở các chùa chiền.

BBC: Vừa qua xảy ra việc hai nhà sư được cho là có vai vế công kích nhau trên mạng xã hội. Việc này có thể nhìn nhận thế nào trong môi trường tu tập Phật giáo?

Phật giáo chúng tôi, kể cả tu sỹ và người tu tại gia đều được Đức Phật dạy sống theo tinh thần Lục Hoà, tức là sáu phép hoà kính với nhau.

\"Tu

Một trong sáu phép hoà kính đó được gọi là Kiến Hoà Đồng Giải. Tức là khi có những nhận định, kiến giải bất đồng với nhau thì chúng ta cùng trao đổi để đưa đến sự thống nhất chung. Sự trao đổi, bàn bạc này phải theo tinh thần hoà hợp, xây dựng, tôn trọng lẫn nhau. Như vậy mới là chánh pháp

Còn nếu việc này dựa trên tinh thần bài bác, gây chia rẽ, không tôn trọng nhau thì đó là chuyện thị phi tranh cãi ở đời không đúng như lời Phật dạy.

Việc hai nhà sư nói trên đưa ra các nhận định trên mạng xã hội cũng là một cách trình bày quan điểm. Tuy nhiên, một số quần chúng Phật tử, tạm gọi là fan của hai bên như ngôn ngữ ngày nay, đã có những vị quá khích, công kích, bôi bác lẫn nhau, gây chia rẽ. Như thế là không tốt cho Phật giáo nói chung và cho vấn đề xây dựng, phát triển chánh pháp.

BBC: Thầy có ủng hộ việc phóng sinh nói chung? Vừa qua có hiện tượng nhiều nơi mua cá, chim, thậm chí là động vật quý hiếm, hoặc động vật xâm hại… để phóng sinh. Thầy có nhìn nhận gì về việc này dưới góc độ một người tu hành?

Việc phóng sinh từ lâu đã là một trong những điều lành của Phật giáo nói chung, căn cứ vào điều Phật dạy là không được sát sinh. Tuy nhiên những năm gần đây, việc phóng sinh này bị lạm dụng hoặc làm sai cách, gây ra những tai tiếng không tốt cho Phật giáo.

Riêng với cá nhân tôi, nếu việc phóng sinh đúng theo tinh thần của Phật giáo Việt Nam thì tôi ủng hộ. Còn phóng sinh gây ra tai tiếng không hay thì tôi không ủng hộ.

Phóng sinh đúng cách là bằng tâm tốt, lòng từ bi, muốn cứu mạng những sinh vật có nguy cơ bị giết hại, chứ không phải để cầu danh hay làm cho có hình thức, khoe khoang với người khác. Phóng sinh phải làm đúng lúc, đúng thời điểm. Phóng sinh những con vật nguy hiểm như vừa rồi bị lên án là phá hoại môi trường thì đó là việc làm không đúng. Trước tiên chúng ta phải xem xét để việc phóng sinh của mình là việc lành, không gây tổn hại nào cho môi trường, chúng sinh và các sinh vật khác.

Theo quan điểm của tôi việc thu mua chim, cá cảnh, v.v… để phóng sinh là việc làm không nên. Hình thức của việc này là phóng sinh nhưng trên thực chất hoàn toàn không có ý nghĩa như vậy, thậm chí trái ngược với tinh thần của Phật giáo vì vô tình tiếp tay cho những người săn bắn.

Theo quan sát của tôi, hiện tại phóng sinh theo hình thức rất rầm rộ, trong khi phóng sinh thật do cái tâm muốn cứu chúng sinh thì còn rất ít.

BBC: Việc sư Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, mới đây vừa được bổ nhiệm chức vị phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2022-2027 gây nhiều bàn tán trong dư luận. Thầy có bình luận gì về việc này?

Dưới góc độ của một công dân Việt Nam, chúng tôi không bàn cãi gì về nội bộ của GHPHVN. Bởi vì là công dân Việt Nam, chúng tôi mong muốn đất nước có tự do tôn giáo, có nghĩa là các tổ chức tôn giáo ví dụ như Phật giáo hay Thiên Chúa giáo phải được độc lập với chính quyền.

\"Getty

GHPGVN là một tổ chức do chính quyền Việt Nam dựng lên và được điều hành gián tiếp dưới bàn tay của chính quyền thì điều đó chúng tôi không ủng hộ.

Do vậy, chúng tôi không can thiệp hay xen vào nội bộ của một tổ chức Phật giáo quốc doanh như thế.

Dưới góc độ của một tu sỹ Phật giáo, chúng tôi nhận thấy nếu một vị tu sỹ nào đó không phân biệt tổ chức nào, làm được lợi ích cho đạo pháp, cho dân tộc, cho quần chúng nhân dân thì dù ở đâu chúng tôi cũng ủng hộ.

Riêng việc thầy Thích Thái Trúc Minh vào Quảng Bình làm trong ban trị sự thì chúng tôi cũng vừa hay biết sau các sự việc ồn ào về khất thực và cúng dường. Tôi nhận định việc này cũng do ít nhiều sự tổ chức, sắp xếp của GHPGVN.

Tất nhiên bổ nhiệm ai, ở đâu để thuận lợi cho hoạt động của tổ chức Phật giáo quốc doanh này thì đó là việc giữa chính quyền Việt Nam và ban trị sự GHPGVN các cấp quyết định.

Chúng tôi không có ý kiến gì vì chúng tôi không cùng tổ chức và đương nhiên chúng tôi cũng không tán đồng, ủng hộ những vấn đề đó.

\"Getty

BBC: Theo thầy thì một người tu hành có nên có vị trí trong bộ máy chính quyền Việt Nam hay không? Vì sao?

Phật giáo Việt Nam luôn có tinh thần hộ quốc an dân, tức là bảo vệ tổ quốc và giúp người dân được bình an, sống cuộc sống an lành hạnh phúc. Qua mọi triều đại, thể chế, Phật giáo luôn đồng hành cùng với dân tộc, cho nên, việc ngày xưa các vị cao tăng đóng góp ý kiến để xây dựng đất nước, làm cho xã hội tốt đẹp là rất đáng hoan nghênh, tôn trọng.

Nhưng các ngài không giữ vị trí, vai trò nào như một quan chức của bất kỳ thể chế, triều đại nào.

Trong xã hội hiện nay, nếu có vị tu sỹ nào muốn đóng góp ý kiến xây dựng đất nước thì đáng quý, đáng trân trọng.

Nhưng nếu đứng trong hàng ngũ của bộ máy chính quyền, nhận bất kỳ chức vụ lớn nhỏ nào, làm việc giống như một quan chức và chịu sự sai khiến để hoạt động theo đường hướng của chính quyền đề ra, trong đó có những điều có thể không hợp lòng dân, trái với tinh thần của người tu sỹ Phật giáo thì chúng tôi không ủng hộ, không riêng với chính quyền Việt Nam mà tất cả các thể chế khác cũng như vậy.

BBC: Ý nghĩa của việc cúng dường là gì? Việc kêu gọi \’càng nghèo càng nên cúng dường\’ nên hiểu thế nào cho đúng?

Nếu nói đơn cử duy nhất câu \’càng nghèo càng nên cúng dường\’ thì nó có phần phiến diện, thiếu khách quan. Bởi vì quan niệm của Phật giáo là giàu nghèo là do phước báo của chúng ta tạo ra.

Người nghèo là do phước của họ trong quá khứ ít hơn người giàu, và nếu muốn trong tương lai giàu sang sung sướng thì chúng ta phải tạo phước, và một trong những cách tạo phước là cúng dường.

Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là người nghèo phải cúng của cải vật chất cho thật nhiều để chóng giàu. Nói như vậy là chưa đúng và có thể khiến họ khởi phát lòng tham.

Việc này đúng nếu người nghèo làm phước, cúng dường với mức độ vừa phải, tuỳ tâm, xuất phát từ lòng mộ đạo và hiểu biết Phật pháp của họ.

Về ý nghĩa của cúng dường: Chúng tôi là tu sỹ thì có vai trò hoằng pháp, tức là đem giáo pháp của Phật, của Tổ để chỉ dạy, truyền bá, giúp chúng sanh tu học theo để có được sự an lạc. Còn Phật tử giữ vai trò chính là hộ pháp. Tức là giúp chư tăng, quý thày có được điều kiện tốt, hoàn cảnh thuận lợi để hoằng pháp.

Cúng dường là một trong những hình thức hộ pháp của người Phật tử.

Tuy nhiên, việc cúng dường như tôi nói phải tuỳ tâm, tuỳ điều kiện, tuỳ hiểu biết của người Phật tử muốn gieo trồng phước báo và giúp cho Phật giáo được hưng thịnh, chứ hoàn toàn không có sự ép buộc hay khuyến khích cúng thật nhiều, vấn đề đó không đúng chánh pháp của Phật.

\"Tăng
Chụp lại hình ảnh,Sư tăng ở Việt Nam – Hình minh họa

BBC: Những sự việc ồn ào vừa qua trong giới tu khiến nhiều người đặt câu hỏi về ý nghĩa của Phật giáo, thậm chí một số ý kiến cho rằng Phật giáo tại Việt Nam đang suy tàn. Ông có suy nghĩ gì?

Đó cũng là một trong những hệ luỵ của việc thiếu tự do tôn giáo ở Việt Nam sau 1975. Bởi vì Phật giáo, kể từ khi thành lập GHPGVN luôn bị thâu tóm, kiểm soát bởi chính quyền VN.

Những vị tu hành nổi tiếng, thuộc GHPGVN thì đều ít nhiều liên quan đến bộ máy nhà nước. Do vậy, dễ xảy ra những điều trái với lòng phật tử theo tinh thần của truyền thống Phật giáo VN. Nếu nhìn vào đó thì có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đang suy thoái.

Tuy nhiên, suy thoái ở đây không có nghĩa Phật giáo sẽ bị diệt vong, tan rã, nhưng so với trước khi thành lập GHPGVN thì Phật giáo hiện tại suy yếu và kém hơn rất nhiều so với trước.

Kém ở đây là kém về hoằng pháp và uy tín đối với quần chúng Phật tử, đối với tinh thần quốc gia dân tộc. Thời GHPGVN Thống nhất phát triển mạnh mẽ, các tu sỹ tham gia, lên tiếng trước những vấn đề của đất nước, xã hội, dân tộc. Uy tín của Phật giáo thời đó rất cao, được lòng quần chúng Phật tử.

Tuy nhiên ngày nay, GHPGVN gần như không làm được điều đó.

Nhiều người nhìn vào việc xây dựng các ngôi chùa đồ sộ vài trăm tỷ để nói Phật giáo Việt Nam đang hưng thịnh. Nhưng Phật giáo không chú trọng hình thức. Nếu chùa lớn thế mà nhà sư và phật tử không đem chính pháp giảng dạy vì lợi ích chúng sanh thì đó cũng chỉ là những vật chất vô tri, không có ý nghĩa gì trong phát triển Phật giáo.

Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đầu tư, bảo trợ một số nơi xây chùa lớn thể hiện rằng đất nước có tự do tôn giáo, Phật giáo đang phát triển, nhưng đó chỉ là hình thức hào nhoáng bên ngoài. Bên trong, hoằng pháp và các vấn đề xã hội thì rất yếu kém.

BBC: Vậy muốn Phật giáo Việt Nam hưng thịnh, theo ông, cần phải làm gì?

Thứ nhất, Phật giáo muốn hưng thịnh thì phải tách biệt với bộ máy chính quyền, không theo khuynh hướng chính trị nào, không chịu sự điều khiển, dẫn dắt của chính quyền. Bởi vì một bộ máy chính quyền, một thể chế, một chế độ chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định.

Thứ hai, quá trình đạo tạo, giáo dục, hoằng pháp của Phật giáo không phải chịu sự kiểm soát, chỉ đạo của chính quyền Việt Nam. Tất nhiên Phật giáo không được làm điều sai trái, nhưng chính quyền không được can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Phật giáo thì từ đó mới xuất hiện những nhà tu hành tài năng đóng góp cho Phật giáo, dân tộc.

Còn nếu việc đào tạo, hoằng pháp của Phật giáo bị kiểm toả, kiểm sát, khống chế, thì không thể tạo ra những con người tài giỏi, và như thế thì Phật giáo sẽ suy kém, và bị quốc doanh hoá, bị lệ thuộc vào chính quyền.

Bài Liên Quan

Leave a Comment