Vụ sách giáo khoa giả: Loạt cán bộ thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng bị truy tố

13/09/2022


\"Ông
Ông Trần Hùng, cựu kiểm soát viên của Tổng cục QLTT Bộ Công thương (hàng trên, bên trái) và các bị cáo bị truy tố trong vụ sản xuất và tiêu thụ sách giáo khoa giả ở Việt Nam. (Ảnh Bộ Công an cung cấp – chụp màn hình Lao Động)

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam hôm 13/9 truy tố hàng chục người bị cho là thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng trong vụ sản xuất buôn bán hàng triệu sách giáo khoa giả, trong đó một cán bộ của Bộ Công thương bị truy tố tội nhận hối lộ để giúp ‘bà trùm’ buôn lậu thoát tội.

Theo truyền thông trong nước, Viện KSND Tối cao ra quyết định truy tố ông Trần Hùng, cựu kiểm soát viên chính của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công thương và 33 bị can khác về nhiều tội danh liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Pháp, Đội QLTT số 17 Hà Nội và Tổng cục QLTT.

Ông Hùng bị truy tố về tội “nhận hối lộ” trong khi 33 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “sản xuất hàng giả”, “mua bán hàng giả”, môi giới hối lộ” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Trong số này, nhóm bị can thuộc Đội QLTT số 17 bị truy tố tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Bị can Cao Thị Minh Thuận, giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, được cho là người chủ mưu trong vụ án này và bị truy tố về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả” quy định tại điều 192 Bộ luật Hình sự, theo truyền thông trong nước.

Cáo trạng được Tiền Phong trích dẫn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, bà Thuận cùng đồng phạm tổ chức sản xuất và nhập kho gần 10 triệu quyển sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác với tổng trị giá hơn 260 tỷ đồng. Vẫn theo cáo trạng, những bị can này đã tổ chức tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển và thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng sau khi trừ chiết khấu.

Công an xác định rằng Bà Thuận từng bị Đội QLTT số 17 thu giữ hơn 27.000 cuốn sách giả nhưng ông Hùng không báo cáo sự việc với Tổng cục QLTT để kiểm, xử lý, theo Thanh Niên.

Theo cáo trạng mà Thanh Niên trích dẫn, ông Hùng đã nhận 300 triệu đồng từ bà Thuận thông qua bị can Nguyễn Duy Hải, một lao động tự do và bị truy tố tội “môi giới hối lộ”, và hướng dẫn bà Thuận “thay đổi lời khai về nguồn gốc sách giả”. Ngoài ra, ông Hùng còn bị cáo buộc đã tạo điều kiện cho bà Thuận theo hướng xử lý hành chính.

Cùng nhận hàng trăm triệu đồng hối lộ từ bà Thuận, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17 Lê Việt Phương cũng bị truy tố trong vụ án này vì bị cáo buộc đã chỉ đạo xây dựng hồ sơ, báo cáo đề xuất theo hướng xử lý hành chính theo ý kiến của ông Hùng, theo Thanh Niên.

Sách giả, sách lậu nhiều năm nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản ở Việt Nam và nhiều phụ huynh, học sinh lo ngại việc sách giáo khoa bị làm giả, in lậu được bán tràn lan trên thị trường, thậm chí trong các nhà sách lớn và có thương hiệu hiện nay, theo báo Công Thương.

Trong một động thái liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam, cựu Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ và các quan chức trong ban các sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật vì những vi phạm trong việc biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa và các sai phạm khác, theo VietNamNet.

Kết luận của UBKT Trung ương đưa ra hôm 8/9 cho rằng những vi phạm, khuyết điểm này đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương về giáo dục và đào tạo; nguy cơ gây thất thoát, lãnh phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, nguồn lực của xã hội và những hệ lụy khác.

Ông Nhạ bị xem xét kỷ luật khi đang làm phó Ban Tuyên giáo Trung ương trong hơn một năm qua. Trước khi chuyển sang vị trí này, ông Nhạ, trong nhiệm kỳ bộ trưởng Giáo dục từ 2016-2021, đã gắn liền với nhiều vụ bê bối về sách giáo khoa, nâng điểm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, bị tố đạo văn và đăng bài ở các tạp chí khoa học giả.

Bài Liên Quan

Leave a Comment