2022.09.14
Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc GreenID tại văn phòng ở Hà Nội hôm 6/2/2020
52 khôi nguyên của Giải Môi trường Goldman hôm 14/9 đã gửi thư đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thúc giục tổ chức này từ chối Việt Nam làm thành viên của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2023 – 2025.
Bức thư được gửi nhân dịp khóa họp thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền LHQ nơi các nước trình bày các báo cáo về tình hình nhân quyền của mình.
Các khôi nguyên đến từ 42 quốc gia trong thư gửi Hội đồng Nhân quyền lên án việc bỏ tù các nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam trong năm nay với các báo buộc liên quan đến tội danh trốn thuế vốn đã bị quốc tế chỉ trích.
Trong năm 2022, Việt Nam đã bỏ tù bốn nhà hoạt động môi trường với tội danh trốn thuế với các án tù từ hai đến năm năm.
Những người này bao gồm: nhà báo Mai Phan Lợi – Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), Bạch Hùng Dương – Giám đốc MEC, Đặng Đình Bách – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) – đồng thời là khôi nguyên của giải Goldman năm 2018.
Theo bức thư, trong suốt 10 năm qua, bà Ngụy Thị Khanh, người đang thụ án tù 24 tháng, đã “làm việc cùng với Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy các chiến lược đặt nền tảng cho các mục tiêu về môi trường đầy tham vọng của đất nước, bao gồm cả cam kết về phát thải ròng về 0 vào năm 2050 được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra vào tháng 11 năm ngoái ở Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP26).”
Bức thư cũng khẳng định bà Khanh và ông Bách là những người luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Việc Chính phủ Việt Nam bỏ tù các nhà hoạt động môi trường về các tội danh trốn thuế đã bị các Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Quyền tự do lập hội và hội họp ôn hòa, tự do bày tỏ ý kiến xác định là không tương thích với các quy tắc về nhân quyền. Các Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ đã cảnh báo về những án tù dài và những điều mơ hồ trong vi phạm trốn thuế sẽ khuyến khích việc tự kiểm duyệt và bóp nghẹt các thảo luận về các vấn đề đáng quan tâm của công chúng.
“Bà Khanh, ông Bách và các nhà bảo vệ môi trường khác hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam đã cống hiến cuộc đời họ để tạo ra một môi trường sạch, lành mạnh và bề vững là một trong những quyền phổ quát được đưa ra tại Đại hội đồng Liên Quốc hồi năm ngoái” – Bức thư có đoạn viết.
Các khôi nguyên của giải Goldman cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải sửa đổi luật thuế để luật này không còn được sử dụng như công cụ để dập tắt các tiếng nói của xã hội dân sự; trả tự do cho bà Khanh, ông Bách và những nhà hoạt động môi trường khác, cho họ được quyền tiếp xúc với luật sư và người thân trong quá trình giam giữ.
Các khôi nguyên giải Goldman nhìn nhận “những gì đang xảy ra ở Việt Nam chỉ là phần nổi của tảng băng”, và thúc giục Hội đồng Nhân quyền LHQ sử dụng cơ hội này để cho Việt Nam cùng các nước khác thấy được các yêu cầu để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân Quyền phải được xem xét kỹ lưỡng và cộng đồng quốc tế đang theo dõi.