Ukraina phản công: Putin dưới áp lực của phe “diều hâu”

Đăng ngày: 14/09/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky chung vui cùng những người lính ngay tại thành phố Izium (Ukraina) vừa được giải phóng, ngày 14/09/2022. Các chiến thắng liên tiếp của Ukraina gây áp lực nặng nề trên tổng thống Nga Putin. AP – Leo Correa

Thanh Phương

Việc quân Nga bị lực lượng của Kiev đánh bại ở miền đông Ukraina trong những ngày qua đã là một cú sốc đối với những nhân vật thuộc phe “diều hâu” ở Matxcơva. Những nhân vật này đã công khai chỉ trích chiến lược của điện Kremlin. 

Phản ứng của những người chủ trương “đánh đến cùng” càng mạnh hơn sau khi quân Nga phải rút khỏi vùng Kharkiv trước đà phản công của quân Ukraina. Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định không hề có chuyện bại trận, mà đây chỉ là “tập hợp lại” lực lượng.

Có thể đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền của tổng thống Vladimir Putin bắt đầu bực bội vì những lời chỉ trích đó: Hôm qua, 13/09/2022, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov đã yêu cầu những người chỉ trích nên “rất chú ý” chỉ phát biểu “trong khuôn khổ của luật pháp”, vì luật hiện hành của Nga trừng phạt nghiêm khắc những người “làm mất uy tín” quân đội.

Nhưng theo ghi nhận của hãng tin AFP, ngay cả các kênh truyền hình nhà nước, vốn rất trung thành với điện Kremlin, cũng không giấu được thái độ lo ngại. Sau khi lực lượng Ukraina chiếm lại được thành phố Balakliia ở miền đông bắc, một trong những nhân vật vẫn phát biểu thay cho chính quyền Putin trong giới truyền thông, ông Vladimir Soloviev, đã cho rằng tình hình “rất nghiêm trọng, khó khăn”.

Thậm chí lần đầu tiên, một số cây bút xã luận, nhà phân tích, blogger và quan chức vẫn ủng hộ hết mình “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina đã công khai chỉ trích điện Kremlin trên truyền hình và trên các mạng xã hội.

Phát biểu trên mạng Telegram hôm Chủ nhật vừa qua, lãnh đạo Tchetchenia Ramzan Kadyrov đã cực lực chỉ trích “những sai lầm” mà theo ông các viên tướng Nga đã phạm phải ở Ukraina.

Trong giới dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Nga, chiến dịch phản công thần tốc của quân đội Ukraina đã khiến nhiều người sững sờ, nhất là vì đây không phải thất bại đầu tiên của quân Nga: Vào tháng 3, lực lượng Nga đã phải triệt thoái khỏi vùng Kiev, rồi sau đó đến tháng 4 bị mất chiếc soái hạm ở Hắc Hải.

Đối với Egor Kholmogorov, một bình luận viên vẫn ủng hộ chiến tranh Ukraina, chỉ có hai giải thích cho tình hiện nay : hoặc “chúng ta bị phản bội”, hoặc “quân đội của chúng ta không có khả năng chiến đấu”.

Hãng tin AFP trích dẫn ông Boris Nadejdine, một cựu dân biểu, tuyên bố trong một cuộc tranh luận truyền hình: “ Không thể nào chiến thắng Ukraina với những nguồn lực như hiện nay, với những phương pháp chiến tranh của thời thuộc địa, tức là chỉ sử dụng quân nhân chuyên nghiệp và lính đánh thuê, mà không tổng động viên”.

Về phần những người ủng hộ mạnh mẽ nhất “chiến dịch quân sự đặc biệt”, kể từ nay họ thúc giục điện Kremlin tăng tốc ở Ukraina, thậm chí yêu cầu dùng vũ khí nguyên tử để oanh kích “cảnh cáo” vào đảo Rắn trên Hắc Hải, đảo mà quân Nga đã rút đi vào tháng 7.

Những chỉ trích của phe “diều hâu” phải chăng là một mối đe dọa đối với tổng thống Putin? Đối với bà Tatiana Stanovaia, người sáng lập R.Politik, một trung tâm phân tích chính trị độc lập, hiện giờ nguy cơ đối với chính quyền còn rất hạn chế. Nhưng bà Stanovaia cho rằng nếu tình hình chiến sự ở Ukraina xấu đi thêm, nếu quân Nga tổn thất thêm nhân mạng, bị thua trận, hoặc buộc phải triệt thoái, thì mối quan hệ giữa những thành phần “yêu nước” với chính quyền Putin sẽ “bị thử thách nặng nề”. Khác với phe đối lập với điện Kremlin, chính quyền sẽ khó mà trấn áp những tiếng nói phản kháng từ những thành phần “yêu nước” này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment