Cà phê đường tàu Hà Nội: Chính quyền muốn bỏ, người dân muốn giữ

7 giờ trước

\"Năm
Chụp lại hình ảnh,Năm 2019, UBND thành phố Hà Nội từng ra quân xử lý, cưỡng chế các quán cà phê vi phạm hành lang an toàn đường sắt

Chiều 14/9, Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết sẽ tạm đóng cửa các quán cà phê đường tàu nổi tiếng ở gần đầu phố Phùng Hưng giao Trần Phú và thu hồi giấy phép với các hộ kinh doanh vi phạm an toàn hành lang đường sắt.

Trước đó hai ngày, tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị UBND thành phố Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.

Theo tổng cục đường sắt Việt Nam, đầu năm 2018 khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua.

Năm 2019, UBND thành phố Hà Nội từng rầm rộ ra quân xử lý, cưỡng chế các quán cà phê vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Tuy nhiên, sau 2 năm Covid, gần đây khu cà phê đường tàu mở cửa trở lại và thu hút đông đảo du khách nước ngoài và những người trẻ Việt.

Trong dịp lễ 2/9 vừa qua, lượng khách đến con phố này để tham quan, chụp ảnh và quay phim ngày càng tăng, nhất là khi có tàu chạy qua. Cùng với đó là các hàng quán bày bàn, ghế bán nước cho khách du lịch.

Địa điểm thu hút khách du lịch

Trao đổi với BBC Tiếng Việt chiều 14/9, Phạm Hoài Nam, một người làm trong ngành du lịch ở Hà Nội cho biết dù đây không phải là một địa điểm du lịch chính thức trong các tour được bán nhưng lại là một nơi lí tưởng để chụp ảnh.

\”Hàng ngày lượt tìm kiếm trên Google cũng như check-in trên mạng xã hội tăng lên theo cấp số nhân vì khách du lịch và người trẻ đều muốn đến đây một lần để chụp hình sống ảo\”, anh Nam nói.

Lý giải về hiện tượng này, anh Nam kể rằng khách du lịch chia sẻ đây là một địa điểm để họ có thể có thể chụp được những bức hình đẹp vì vừa có nhà, vừa có hoạt cảnh đời thường bên đường ray uốn lượn.

Phương Trâm (24 tuổi), làm thiết kế đồ họa ở Đà Nẵng cho biết cô tới khu cà phê đường tàu này vào đúng ngày 2/9, trước khi qua lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

\”Tôi ra đúng dịp 2/9, cờ đỏ sao vàng được treo khắp nơi khiến trải nghiệm này trở nên đáng nhớ hơn\”, Trâm nói.

Cô gái trẻ cũng chia sẻ về khoảnh khắc mà cô được nhìn thấy tàu chạy ngang qua: \”Khi thấy mọi người đều đứng dậy nép vào để tránh tàu, rồi cảm giác lúc tàu chạy qua mình gần sát bên mình đúng là hơi đứng tim, nhưng rất thú vị.\”

\"Phương
Chụp lại hình ảnh,Phương Trâm và mẹ tới uống cà phê đường tàu đúng dịp 2/9

Khách du lịch nước ngoài lại càng hào hứng với cảm giác ngồi uống cà phê tại những quán nhỏ hẹp, đơn sơ và ngắm đoàn tàu chạy qua sát bên.

Josephine Richardson, một khách du lịch người Anh cho biết cô biết đến nơi đây sau khi xem một video của một trang chuyên về du lịch Việt Nam trên nền tảng Instagram.

Nói với BBC, Josephine cho biết cô đã tìm hiểu về khu cà phê đường tàu, và rất vui sau khi được khám phá thêm một nét sinh hoạt văn hóa \”độc, lạ\”, tận mắt chiêm ngưỡng đường tàu của một thời lịch sử khi đến Hà Nội.

\”Tôi đã từng đến chợ xe lửa Maeklong ở Thái Lan, nơi có nhiều đông du khách hơn nơi này. Ở đó người dân họp chợ và buôn bán ngay trên đường ray, tôi có quay lại cảnh hàng quán nhanh chóng dọn dẹp mỗi khi có tàu chạy qua còn khách du lịch thì ùa ra quay phim chụp ảnh.\”

\”Tuy nhiên, khu cafe đường tàu ở Hà Nội này rất khác biệt với nét xưa cũ của những nhà dân hai bên, và cafe Việt Nam thì rất ngon\”, Josephine cho biết.

https://www.bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/vietnam-62912488/p06pzb95/viChụp lại video,

Đường tàu phố cổ Hà Nội: khách du lịch đổ tới chụp hình

Ý kiến của chuyên gia

Đánh giá về thực trạng diễn ra ở khu cà phê đường tàu, kiến trúc sư, tiến sĩ Trương Ngọc Lân – Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) nói với BBC: \”Khu phố cà phê đường tàu là một nơi thể hiện sức sống của đô thị, rất đặc biệt và rất Việt Nam. Người Việt Nam linh hoạt và rất giỏi xoay sở khi đã biến một điều kiện bất lợi thành một hình thức du lịch có lợi.\”

\”Thật ra về mặt tình cảm cá nhân, tôi rất thích khu phố cà phê đường tàu, nhưng về mặt lý trí tôi nghĩ rằng làm gì cũng cần theo quy định của pháp luật, tức là đảm bảo an toàn giao thông\”, tiến sĩ Trương Ngọc Lân cho biết.

Tuy nhiên ông cũng cho rằng nếu cực đoan và cứng nhắc quá mà dẹp hết các quán cà phê đường tàu cũng không phải là một biện pháp hay.

\”Trên thực tế đường tàu đi trong đô thị cũng có nét hấp dẫn riêng, trên thế giới một số nước cũng có hình thức du lịch liên quan đến cảnh quan đường tàu, tiêu biểu như khu phố cổ thập phần ở Đài Loan. Đường tàu đã trở thành một hình ảnh trong ký ức của du khách khi đến với một thành phố nào đó.\”

\”Ví dụ như khi bạn lên Instagram, có nhiều video quay về cảnh tàu đi ngang qua phố thu hút được tương tác của rất nhiều người. Rất nhiều khách quốc tế đã đăng hình ảnh về khu cafe đường tàu lên trang cá nhân mà không bêu riếu hay nói xấu, ngược lại họ nói về nét hấp dẫn lạ lùng của Hà Nội\”.

Theo ông Lân, không nên xóa bỏ hẳn việc kinh doanh cà phê đường tàu mà nên có những giải pháp để vừa đảm bảo an toàn giao thông đường sắt mà vừa giữ lại địa điểm thu hút du lịch, đem lại lợi ích cho cảnh quan đô thị.

\”Khó có thể đưa ra các phương án cụ thể ngay mà cần thêm khảo sát, nhưng theo tôi nghĩ có thể lập rào chắn cao ngang ngực người lớn, kết hợp với cây xanh, giải tỏa phạm vi đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, tạo đường đi bộ cho khách du lịch hoặc có những hình thức kinh doanh ngắm tàu từ trên ban công các tầng cao…\”

\"TS.
Chụp lại hình ảnh,TS. Trương Ngọc Lân

Khách du lịch mong muốn giữ lại điểm đặc biệt của văn hóa thủ đô

Josephine chia sẻ cô rất buồn khi biết khu cà phê đường tàu sẽ bị đóng cửa. Cô cho biết: \”Tôi hi vọng phố đường tàu sẽ mở cửa trở lại cho du khách, bạn bè tôi rất nhiều người vẫn chưa kịp đến đây\”.

Phương Trâm cũng đồng tình với ý kiến này, cô cho rằng cà phê đường tàu là \”nét đẹp văn hóa thủ đô\”.

\”Thay vì dẹp bỏ thì có thể nghĩ cách nào đó để đảm bảo cho người dân và khách du lịch\”.

\"Đường
Chụp lại hình ảnh,Đường tàu được bao bọc bởi những ngôi nhà và quán cà phê san sát

Trong khi đó, anh Hoài Nam đề xuất các phương án cụ thể hơn, bao gồm tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân sống hai bên đường tàu, làm các biển cảnh báo bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, ghi rõ giờ tàu đi và về, đồng thời cảnh báo về tốc độ tàu và có thêm nhân viên cảnh báo hoặc giám sát.

\”Tôi nghĩ nên giữ lại văn hóa cà phê đường tàu, tuy nhiên vẫn phải xây dựng hệ thống cảnh báo, tuyên truyền ý thức người bán hàng phải đảm bảo an toàn và mọi người phải đứng ở điểm an toàn trong nhà khi quan sát tàu\”, anh kết luận.

Chợ đường tàu hút khách du lịch ở Thái Lan

Phóng viên BBC News Tiếng Việt cũng đã có dịp tham quan khu chợ đường tàu nổi tiếng Maeklong ở Thái Lan mà nhân vật Josephine nhắc đến ở trong bài này.

Khu chợ trải dài 100m dọc theo tuyến đường ray giữa hai ga Maeklong và Mahachai, cách trung tâm thủ đô Bangkok chỉ 60km.

\"Chợ
Chụp lại hình ảnh,Chợ đường tàu Maeklong ở Thái Lan

Mỗi ngày khu chợ mở cửa từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều, hàng hóa được bày bán sát dọc đường ray. Mỗi lần có tàu tới, người dân nơi đây nhanh chóng chuyển hàng hóa ra khỏi đường ray và cất dù che, khi tàu đi qua thì họ lại bày bán như cũ.

Khu chợ thu hút rất đông khách du lịch quốc tế đến quay phim, chụp ảnh và trải nghiệm cảm giác mạnh khi tàu chạy ngay sát bên mình.

Bài Liên Quan

Leave a Comment