Đài Loan tăng cường vận động quốc tế chế tài Trung Quốc

15/09/2022


\"Đại
Đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Washington, Hsiao Bi-khim.

Đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Washington, Hsiao Bi-khim, hôm 13/9 chủ trì cuộc họp với hàng chục nhà lập pháp quốc tế, những người ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì hành vi gây hấn với Đài Loan.

Cuộc họp không loan báo của khoảng 60 nghị sĩ từ châu Âu, châu Á và châu Phi tại dinh thự ngoại giao của Đài Loan ở Washington là động thái mới nhất trong nỗ lực của Đài Bắc nhằm thuyết phục các nền dân chủ đồng hành chống lại Trung Quốc kể từ khi Nga xâm lược Ukraine làm gia tăng lo ngại rằng Bắc Kinh có thể cố gắng chiếm đảo Đài Loan bằng vũ lực.

Tại Bắc Kinh hôm 14/9, Trung Quốc nói việc phấn đấu cho Đài Loan độc lập và ly khai là một “ngõ cụt”.

Nhóm, bao gồm các thành viên của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) họp tuần này tại Washington, dự kiến sẽ ký cam kết thúc đẩy chính phủ của họ áp dụng “sự răn đe lớn hơn đối với quân đội hoặc các hành động uy hiếp” của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chống lại Đài Loan, theo bản dự thảo mà Reuters nhìn thấy.

“Chúng tôi sẽ vận động để đảm bảo các chính phủ của chúng tôi báo hiệu với CHND Trung Hoa rằng hành động gây hấn quân sự đối với Đài Loan sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt”, bản dự thảo viết.

“Các biện pháp kinh tế và chính trị, bao gồm các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa, nên được xem xét để ngăn chặn leo thang quân sự, và để đảm bảo thương mại và các trao đổi khác với Đài Loan có thể tiếp tục không bị cản trở.”

Dự thảo viết rằng mối quan hệ của các nước với Đài Loan không phải do Bắc Kinh chỉ định, và họ sẽ thúc đẩy các nhà lập pháp tăng cường các chuyến thăm qua lại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ đưa Đài Loan nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh và không loại trừ việc sử dụng vũ lực.

Ông Tập được cho là sẽ có thêm nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba tại đại hội Đảng Cộng sản vào tháng tới.

Chính phủ Đài Loan bác bỏ mạnh mẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters rằng Washington đang xem xét các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc để ngăn chặn Bắc Kinh xâm lược Đài Loan, trong khi Đài Loan cũng tăng áp lực ngoại giao để Liên minh châu Âu làm điều tương tự.

“Điều quan trọng là phải chứng minh với kẻ bắt nạt rằng chúng tôi cũng có bạn bè”, bà Hsiao nói với các khách mời đến từ các quốc gia như Úc, Anh, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Lithuania, Hà Lan, New Zealand và Ukraine, theo một danh sách mà Reuters nhìn thấy.

“Chúng tôi không tìm cách khiêu khích kẻ bắt nạt, nhưng cũng không cúi đầu trước áp lực của chúng.”

Bà Hsiao chào đón hai đại diện của Ukraine.

“Chúng tôi chắc chắn hy vọng rằng khi cộng đồng quốc tế sát cánh với Ukraine, cộng đồng quốc tế cũng sẽ sát cánh với Đài Loan … để cùng nhau chúng ta có thể ngăn chặn những hành động gây hấn hơn nữa đến từ Trung Quốc.”

Cam kết IPAC, dự kiến sẽ được ký vào ngày 14/9, cũng kêu gọi các nước đảm bảo chuỗi cung ứng không xuất phát từ lao động cưỡng bức ở Tân Cương, đồng thời theo đuổi các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Hong Kong, chế tài các công ty Trung Quốc hỗ trợ ngành công nghiệp quân sự của Nga.

Tại Bắc Kinh, khi được hỏi về cuộc họp này, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối việc bất kỳ quốc gia nào mà họ có quan hệ ngoại giao có giao du chính thức với Đài Loan.

Người phát ngôn Mao Ning nói: “Chính quyền của Đảng Dân tiến thông đồng với các thế lực bên ngoài và phấn đấu cho nền độc lập và ly khai của Đài Loan là một ngõ cụt.”

Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự theo kiểu phong tỏa xung quanh Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo vào tháng trước.

Đài Loan cũng đang thúc giục Washington, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của họ, đẩy nhanh việc giao vũ khí đã được phê duyệt nhưng phải đối mặt với sự chậm trễ vì các vấn đề chuỗi cung ứng và nhu cầu tăng cao từ cuộc chiến ở Ukraine.

Bài Liên Quan

Leave a Comment