Trung Quốc tái khẳng định hậu thuẫn dành cho Nga, đối tác đang trong thế yếu

Đăng ngày: 15/09/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 15/09/2022. via REUTERS – SPUTNIK

Trọng Nghĩa

Trong cuộc tiếp xúc trực diện đầu tiên vào hôm nay, 15/09/2022, với tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ ngày Matxcơva xua quân tấn công Ukraina, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tái khẳng định lập trường ủng hộ cố hữu của Bắc Kinh đối với đồng minh. Theo giới quan sát, ngoài sự tương đồng giữa hai bên trong mục tiêu chiến lược là chống lại Hoa Kỳ và phương Tây, Trung Quốc còn nhắm vào nhiều mối lợi khác khi siết chặt thêm quan hệ với một đối tác đang trong thế yếu.

Cho đến nay, trên vấn đề Nga xâm lược Ukraina, Trung Quốc không công khai ủng hộ, nhưng cũng không hề lên án hành động của Nga. Thậm chí Bắc Kinh còn tố cáo các biện pháp trừng phạt Matxcơva và việc phương Tây bán vũ khí cho Ukraina.

Theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, từ nhiều ngày qua, sau khi thông tin về cuộc gặp hôm nay giữa hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin được xác nhận rõ ràng, cụm từ những “mặt trận thống nhất” với Nga chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây đã xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Lập trường ủng hộ Matxcơva đã được ông Lật Chiến Thư, chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đến thăm Nga kể từ ngày chiến tranh Ukraina bùng lên, tuyên bố công khai trên truyền hình Nga vào tuần trước, khi ông tố cáo: “Mỹ và NATO đã trực tiếp tông vào cửa nhà của Nga, đe dọa an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân Nga. Nga đã thực hiện các bước cần phải thực hiện. Trung Quốc hiểu rõ những lợi ích cốt lõi này và luôn luôn hoàn toàn ủng hộ Nga.”

Theo nhiều nhà phân tích được hãng tin Pháp AFP phỏng vấn, xu hướng xích lại gần Nga của Trung Quốc đã được thúc đẩy thêm trong bối cảnh quan hệ của Bắc Kinh với Washington ngày càng xung khắc thêm.

Theo bà Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung Tâm Stimson ở Washington, với tư cách là cường quốc hạt nhân quan trọng thứ hai trên thế giới, “Nga là một tác nhân địa chính trị khó có thể bị lơ là”.

Đối với Trung Quốc, Matxcơva là đối tác chính để làm đối trọng với Washington trên trường quốc tế. Ngày 12/09 vừa qua, nhân vật phụ trách đối ngoại cao cấp nhất của Trung Quốc là Ủy Viên Quốc Vụ Dương Khiết Trì đã cho rằng Nga và Trung Quốc có thể cùng nhau ‘thúc đẩy sự phát triển của trật tự quốc tế theo hướng công bằng và hợp lý hơn”.

Về mặt thương mại, lợi dụng việc Nga bị phương Tây cấm vận dầu mỏ, Trung Quốc đã mua thêm dầu của Nga trong những tháng gần đây, và với giá rất hạ, một hành động góp phần giúp Matxcơva giảm thiểu tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt.

Đối với chuyên gia Yun Sun, nếu Nga “bị suy yếu trong cuộc chiến Ukraina, điều đó không hẳn là tin xấu đối với Trung Quốc, vì Bắc Kinh nhờ đó sẽ có thêm nhiều ưu thế hơn trong quan hệ song phương”.

Còn về chiều ngược lại, theo ông Hal Brands, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện John Hopkins ở Washington: “Với việc vị thế của Nga bị suy yếu, Putin sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc”.

Ông Joseph Torigian, chuyên gia về chính sách quốc tế tại Đại Học Mỹ ở Washington cũng thấy rằng cuộc gặp hôm nay của hai nhà lãnh đạo mở ra \”vào thời điểm có nhiều chuyển động lớn trên chiến trường, điều đó có nghĩa là Nga trông cậy nhiều vào sự giúp đỡ của Trung Quốc”.

Vấn đề đặt ra là Trung Quốc sẽ phải cân nhắc xem họ có thể giúp đỡ như thế nào mà không phải hy sinh lợi ích kinh tế của chính mình và tránh được các trừng phạt của phương Tây.

Bài Liên Quan

Leave a Comment