September 17, 2022
Tập Cận Bình đã lên nắm quyền trong nỗ lực chống tham nhũng nhưng cuộc chiến này mang màu sắc chính trị, chủ yếu là thanh trừng phe phái và còn lâu mới kết thúc, dù đã đưa 5 triệu đảng viên”vào lò”.
Theo giới quan sát, một chiến thắng quyết định và đạt được mục tiêu đã nêu là đảm bảo các quan chức “không dám, không thể và không muốn tham nhũng”, dường như là nhiệm vụ bất khả ở Trung Quốc.
Nếu có một lăng kính để diễn giải vai trò của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thập kỷ qua, thì đó sẽ là chiến dịch chống tham nhũng của ông này.
Từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập và những người ủng hộ ông đã khéo léo kết hợp nỗ lực này với ý định củng cố quyền lực bằng cách đè bẹp các đối thủ chính trị và củng cố quyền kiểm soát đối với mọi tầng lớp trong xã hội.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan chống tham nhũng chính của Đảng Cộng sản, cơ quan phê chuẩn hình phạt và khai trừ đảng – trong thập kỷ qua đã điều tra và kỷ luật gần 5 triệu quan chức cấp cao và cấp cơ sở, gọi là chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” theo cách nói của đảng.
Tại đại hội đảng lần thứ 20 diễn ra vào tháng tới, Tập được cho là sẽ củng cố quyền lực bằng cách đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là người đứng đầu đảng và bố trí nhiều đồng minh của ông được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo trong đảng và các cơ quan nhà nước, bao gồm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Chiến dịch “đốt lò” trở thành một trong những công cụ hiệu quả nhất để thúc đẩy sự tuân thủ chính trị và lòng trung thành của 97 triệu thành viên của đảng.
Hầu hết các quan chức hiện đang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương điều tra trước hết đều bị buộc tội vi phạm kỷ luật chính trị, dựa trên các thông báo gần đây của tổ chức này.
Những vi phạm này thường được diễn đạt trong các cụm từ như “nói xấu các chính sách của đảng”, “từ bỏ lý tưởng và niềm tin”, “không trung thực và không trung thành với đảng”.
Chẳng hạn, sau khi Thẩm Đức Vịnh, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, bị điều tra vào đầu năm nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cáo buộc ông này “từ bỏ lý tưởng, không trung thực và không trung thành với đảng”. Họ cũng cáo buộc ông ta lạm dụng quyền lực và chức vụ để nhận hối lộ một số tiền khổng lồ.
Các quan chức cũng có thể bị khai trừ vì các hoạt động tôn giáo, ngay cả những hoạt động được nhà nước chấp thuận, vì đảng chính thức theo chủ nghĩa vô thần, coi các tôn giáo bao gồm cả Phật giáo là “mê tín dị đoan” và cấm các tín đồ tôn giáo tham gia.