Ấn Độ và chính sách thực dụng mới « đa liên kết »

Đăng ngày: 19/09/2022

\"\"
\"\"
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tại Samarkand, Uzbekistan ngày 16/09/2022. via REUTERS – FOREIGN MINISTRY OF UZBEKISTAN

Minh Anh

Gần gũi với Nga, phát triển quan hệ đối tác với phương Tây, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trương một đường lối đối ngoại mới thực dụng hơn : « Đa liên kết ». Mục tiêu là nhằm khai thác tối đa những mâu thuẫn của thế giới để phục vụ các lợi ích quốc gia và nhất là phần nào cản bớt đà tham vọng của Trung Quốc.  

« Tôi biết rằng thời kỳ hiện nay chưa phải là thời kỳ của chiến tranh, và tôi đã nói với ông điều này qua điện thoại ». Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói như vậy với tổng thống Nga, trong cuộc gặp hôm thứ Sáu, 16/09/2022, bên lề thượng đỉnh  Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO) tại Samarcande, Uzbekistan.   

Tuy nhiên, theo quan sát của Le Monde, New Dehli  đang đi một nước cờ đầy mâu thuẫn : Một chân trong phe phương Tây, còn chân kia trong vùng ảnh hưởng của Nga, nhưng không bao giờ để bị trói chặt tay. Là một bên tham gia trong Bộ Tứ – QUAD chống Trung Quốc, nhưng Ấn Độ từ chối lên án hành động xâm lược của Nga tại Ukraina, không tham gia các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và vẫn tiếp tục mua vũ khí và dầu hỏa từ Nga với giá rẻ.   

Trên bình diện quân sự, New Dehli một mặt tham gia cuộc tập trận « Vostok 2022 » do Nga tổ chức với sự tham dự của Trung Quốc. Mặt khác, vào tháng 10/2022 sắp tới, Ấn Độ có cuộc tập trận chung với Mỹ, gần vùng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.   

Theo trang mạng Le Monde, cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga đã làm sáng tỏ một chiến lược mới mà New Dheli đang triển khai : « Đa liên kết ». Học thuyết này được ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar đề xướng trong tập sách « The Indian Way », phát hành năm 2020, đoạn tuyệt với chính sách « phi liên kết » của Nehru, thủ tướng Ấn Độ giai đoạn 1947 – 1964, được hình thành dựa trên tư tưởng Gandhi, chủ trương chống bạo lực.   

Theo New Delhi, chính sách đối ngoại phải tập trung vào các lợi ích quốc gia cốt lõi, gạt sang một bên các cân nhắc về đạo đức, hay bất kỳ các giá trị quốc tế nào. Ấn Độ cần tránh các liên minh, tạo nhiều cam kết qua việc « xác định và khai thác các cơ hội do những mâu thuẫn toàn cầu tạo ra. » Cũng theo học thuyết này, giờ là lúc để Ấn Độ « giao kết với Mỹ, đối phó với Trung Quốc, vun đắp quan hệ với châu Âu, trấn an nước Nga, mời gọi Nhật Bản, thu hút các láng giềng, nới rộng quan hệ láng giềng và mở rộng các nhóm hậu thuẫn truyền thống. »  

SCO – Cơ hội vàng để New Dehli thể hiện vị thế ?  

Lập trường này giải thích phần nào thái độ thận trọng của New Dehli tại thượng đỉnh SCO. Ấn Độ ý thức được rằng Trung Quốc và Nga (trong một chừng mực nào đó) đang sử dụng tổ chức này để xúc tiến tầm nhìn của hai nước về thế giới. Do vậy, việc không có một cuộc gặp song phương Ấn – Trung nào được dự kiến bên lề cuộc họp, theo cách nhìn của báo Pháp L’Opinion, là vì New Dehli không mong muốn một cuộc gặp như thế được diễn giải như một sự ủng hộ hoàn toàn trước các ý tưởng của Bắc Kinh vào lúc cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế « dầu sôi lửa bỏng ».   

Nhưng Ấn Độ cũng sẽ được lợi khi can dự nhiều hơn vào tổ chức SCO vào lúc Bắc Kinh đang có những dao động trên bình diện kinh tế do chiến lược « Zero – Covid » cũng như là chính sách do Mỹ tiến hành nhắm vào Trung Quốc. New Dehli cũng cho rằng Trung Quốc chỉ có thể xem xét lại được một trật tự thế giới mới như nước này đòi hỏi khi phải có sự tham dự của Ấn Độ. Trong chiều hướng này, thượng đỉnh Samarcande là một cơ hội hấp dẫn để New Dehli đặt những quân cờ của riêng mình.   

Chính sách tự chủ chiến lược này cho phép chính quyền thủ tướng Modi giữ khoảng cách với những vùng xung đột giữa phương Tây với hai cường quốc đối thủ chính là Nga và Trung Quốc, như cuộc chiến tại Ukraina chẳng hạn, đồng thời có thể đưa ra hình ảnh nhà « kiến tạo hòa bình » và nhắm cho mình một vị trí với tư cách là một cường quốc sắp tới đang lên.   

L’Opinion kết luận : Chỉ cần nhìn trong những tháng gần đây đủ để thấy thủ đô Ấn Độ đã trở thành điểm dừng bắt buộc cho nhiều nhà ngoại giao lớn trên thế giới như thế nào : Từ ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, đến Vương Nghị của Trung Quốc, và mới đây là Catherine Colonna của Pháp… đều tìm cách ve vãn New Dehli.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment