Đăng ngày: 18/09/2022
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thành viên đầu tiên trong liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, liên kết cả về chính trị, kinh tế và an ninh với Trung Quốc và Nga ? Trở về nước sau thượng đỉnh Samarkand- Uzbekistan, hôm 17/09/2022 tổng thống Erdogan thông báo mục tiêu đưa Ankara trở thành « thành viên » thường trực của một tổ chức muốn làm đối trọng với phương Tây.
« Mong muốn » này thể hiện đường lối đối ngoại của tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trên bàn cờ quốc tế đồng thời từng bước « giữ khoảng cách » với phương Tây.
Thông tín viên Anne Andlauer từ Istanbul phân tích :
« Từ 2013 Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác đối thoại của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải OCS. Định chế này đã ra đời năm 2001 với các nước sáng lập viên gồm Trung Quốc, Nga và bốn quốc gia Trung Á. Sau đó đã kết nạp thêm ba thành viên là Ấn Độ, Pakistan và Iran.
Recep Tayyip Erdogan khẳng định mục tiêu giờ đây là tham gia OCS. Chưa bao giờ ông lại tuyên bố một cách thẳng thừng như vậy về ý định gia nhập một tổ chức mà tới này vẫn được coi là có vai trò làm đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây, cạnh tranh với các định chế như NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên.
Phát biểu của ông Erdogan để lộ rõ chính sách đội ngoại của Ankara. Đối với ông, Thổ Nhĩ Kỳ không có bạn hay thù, không có những mối liên minh vĩnh viễn hay những quan hệ có thể đối chọi với nhau, hiểu theo nghĩa, việc Ankara tham gia một tổ chức này, không cấm cản Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên của một định chế khác. Recep Tayyip Erdogan chỉ nhìn vấn đề dưới khía cạnh được hay thua trong quan hệ với phương Tây cũng như là với Nga.
Dù vậy, về đối nội, thông báo của ông Erdogan liên quan đến ý định gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải cho thấy, trở thành thành viên một khối quy tụ các quốc gia xem nhẹ các giá trị về nhân quyền, dân chủ, không là một vấn đề đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ».