Đăng ngày: 18/09/2022
Đụng độ biên giới giữa hai nước Armenia và Azerbaidjan bùng lên đầu tuần qua, khiến hơn 200 người chết. Hôm qua, 17/09/2022, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Armenia. Chuyến công du ba ngày của bà Pelosi chỉ được thông báo ngay trước đó một hôm.
Theo AFP, chủ tịch Hạ Viện Pelosi là lãnh đạo cao cấp nhất của nước Mỹ đến Erevan kể từ khi Armenia độc lập năm 1991. Hôm qua, bà Pelosi cho biết : chuyến đi này là ‘‘biểu tượng mạnh mẽ của sự cam kết vững chắc của Hoa Kỳ vì một Armenia hòa bình, thịnh vuợng và dân chủ, và một khu vực Kavkaz ổn định và an toàn’’. Về phần mình, chủ tịch Quốc Hội Armenia, Alen Simonyan, cũng nhấn mạnh : chuyến công du của chủ tịch Hạ Viện Mỹ ‘‘sẽ đóng một vai trò lớn trong việc bảo đảm an ninh cho Armenia’’. Tuyên bố được chủ tịch Quốc Hội Armenia đưa ra với báo giới, trước cuộc gặp lãnh đạo Hạ Viện Mỹ.
Hôm nay 18/09, trong một cuộc họp báo tại thủ đô Armenia, chủ tịch Hạ Viện Mỹ đã ‘‘lên án nghiêm khắc’’ các cuộc tấn công của Azerbaidjan. Cũng tại cuộc họp báo này, chủ tịch Quốc Hội Armenia khẳng định bạo lực chỉ tạm thời chấm dứt với một thỏa thuận ngừng bắn mong manh, ‘‘nhờ vai trò trung gian’’ của Mỹ.
Azerbaidjian là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia về nguyên tắc được Nga bảo trợ về an ninh. Matxcơva duy trì một căn cứ quân sự tại Armenia. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nga với hai nước Armenia và Azerbaidjian dường như đang sụt giảm mạnh. một nỗ lực trung gian hòa giải của Nga nhằm hạ nhiệt căng thẳng Armenia – Azerbaidjian trong tuần qua đã thất bại, trước khi Hoa Kỳ can thiệp thành công.
Chiến tranh giữa Armenia và Azerbaidjan bùng lên vào năm 2020, liên quan đến vùng tranh chấp Thượng Kabarakh, khu vực thuộc Azerbaidjian nhưng đa số dân cư là người Armenia. Kể từ đó, bạo lực có xu hướng gia tăng ở quy mô chưa từng có, đe dọa phá vỡ tiến trình tìm kiếm hòa bình giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.