Nhóm 44 công dân người Việt vừa được chính quyền Campuchia trả về Việt Nam đa số được giải cứu từ các casino.
Ngày 20/9, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Bộ đội Biên phòng An Giang) tiếp nhận 44 công dân Việt Nam do phía Campuchia trao trả.
Theo thông tin ban đầu, đa số công dân Việt Nam trong nhóm này được giải cứu từ các casino hoạt động trá hình khu vực dọc biên giới Tây Nam.
Đây là lần thứ ba biên phòng tỉnh An Giang tiếp nhận người Việt từ các casino ở Campuchia trở về nước, với tổng số khoảng 110 người.
Tình trạng người Việt Nam chạy trốn khỏi các casino ở Campuchia gia tăng trong những tháng gần đây.
Mới đây nhất, tối ngày 18/9, một nhóm gần 70 người Việt Nam đã chạy trốn khỏi cơ sở lao động bất hợp pháp nằm trong khu Chinatown ở Sihanoukville , Campuchia, trang VnExpress đưa tin.
Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Sihanoukville cho biết hiện nay còn khoảng 200-300 trường hợp được cho là người Việt đang được giới chức Campuchia giữ lại, chờ giải quyết thủ tục về nước, vẫn theo bài báo.
BBC News Tiếng Việt cũng đã đưa tin ngày 17/9, 60 người Việt Nam bỏ chạy khỏi một sòng bạc ở thành phố Bavet, Campuchia, trong đó 4 người bị phía casino bắt lại.
Sau khi sự việc xảy ra, phía Việt Nam đã liên hệ với giới chức Campuchia để làm thủ tục đưa người về nước và giải cứu những người còn lại.
Chiều cùng ngày, thêm 11 người Việt Nam được casino này thả, theo yêu cầu của cảnh sát Campuchia. Những người này được phía cảnh sát Campuchia bảo vệ, lấy lời khai.
Xôn xao
Trước đó, vụ việc 40 người Việt bơi vượt sông trốn khỏi casino ở Campuchia để về nước hồi tháng Tám khiến một người chết gây xôn xao dư luận.
Chính quyền Campuchia gần đây đẩy mạnh chiến dịch đàn áp tội phạm buôn người vào nước này.
Từ đầu năm đến nay, lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville đã phối hợp với các cơ quan chức năng Campuchia thực hiện 50-60 cuộc tìm kiếm và giải cứu hơn 600 người khỏi lao động cưỡng bức, theo trang Khmer Times của Campuchia.
Kể từ năm ngoái, hơn 800 người Việt Nam đã được cứu khỏi tỉnh Preah Sihanouk, vẫn theo bài báo.
Tuy nhiên, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sihanoukville Vũ Ngọc Lý cho biết con số thực tế nạn nhân người Việt Nam của các băng nhóm lao động bất hợp pháp ở Campuchia còn lớn hơn nhiều, và các nỗ lực giải cứu gặp nhiều thách thức.
Số lượng lao động bất hợp pháp từ Việt Nam vào Campuchia ngày càng tăng.
\”Mỗi lần chúng tôi đưa một người ra thì lại có hai hoặc ba người khác bị đưa vào,\” bài báo trích lời ông Lý.
Hầu hết người Việt vào Campuchia bất hợp pháp, với lời hứa \’việc nhẹ lương cao\’, cuối cùng trở thành nạn nhân của lao động cưỡng bức, hoặc bị bán làm nô lệ hiện đại.