Chiến tranh Ukraine: Người Nga trốn sang biên giới sau lệnh nhập ngũ

23 tháng 9 2022

David Molloy & Phelan Chatterjee

BBC News

\"Hàng
Chụp lại hình ảnh,Hàng dài xe đợi ở biên giới Nga-Phần Lan ngày 22/9

Nhiều người đàn ông Nga đang tìm cách rời quê hương để tránh bị triệu tập cho cuộc chiến Ukraine.

Tại cửa khẩu biên giới đã bắt đầu có hàng người chờ đi qua, từ khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố điều động quân sự một phần vào thứ Tư, có thể triệu tập khoảng 300.000 người để chiến đấu.

Điện Kremlin nói tin tức về đàn ông trong độ tuổi chiến đấu bỏ trốn là phóng đại.

Nhưng ở biên giới với Georgia đã hình thành hàng xe dài hàng dặm, trong đó có những người tìm cách trốn tham gia chiến đấu.

Một số người qua nước láng giềng bằng xe đạp để vượt qua dòng xe hơi và tránh lệnh cấm vượt biên bằng cách đi bộ.

Một trong những người đàn ông này, không muốn nêu tên, nói với Nina Akhmeteli của BBC rằng anh đã đợi từ 9:00 giờ địa phương (5:00 GMT) vào thứ Năm và vượt biên thành công tối hôm đó.

Một người đàn ông khác cho biết đã đợi 12 tiếng đồng hồ, nói rằng việc điều động một phần là nguyên nhân anh rời Nga để tiếp tục việc học.

Georgia là một trong số ít các nước láng giềng mà người Nga có thể vào không cần visa.

Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1.300 km với Nga, đòi hỏi visa và đã thấy tăng số lượng người đi qua ban đêm – nhưng cho biết vẫn ở mức kiểm soát được.

\"Hàng
Chụp lại hình ảnh,Hàng dài xe đợi ở biên giới Nga-Phần Lan ngày 22/9

Một số điểm đến khác có thể tới được đường máy bay – chẳng hạn như Istanbul, Belgrade hoặc Dubai – chứng kiến giá vé tăng vọt ngay sau khi lệnh triệu tập quân sự được công bố, và với một số nơi, vé được bán hết sạch.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nói lượng mua vé một chiều tăng đột ngột, còn các chuyến bay còn lại tới những điểm đến không cần visa có thể có giá vé lên tới hàng ngàn euro.

Bộ trưởng Nội vụ Đức hôm thứ Năm đã phát tín hiệu rằng người Nga chạy trốn nhập ngũ sẽ được chào đón ở nước bà.

Nancy Faeser nói người đào ngũ bị đe dọa bởi “đàn áp nghiêm trọng” sẽ được bảo vệ tùy trường hợp cụ thể, sau khi kiểm tra an ninh.

Lithuania, Latvia, Estonia, và Cộng hòa Czech thì khác, nói rằng họ sẽ không cho người Nga tỵ nạn.

\"Cảnh
Chụp lại hình ảnh,Cảnh sát bắt người biểu tình chống nhập ngũ ở Nga, ảnh chụp ngày 21/9

“Tôi sẽ làm gãy tay, gãy chân… bất kỳ thứ gì để tránh nhập ngũ”

Olesya Gerasimenko & Liza Fokht, BBC News

Sergei – không phải tên thật – đã bị triệu tập.

Nghiên cứu sinh và giảng viên 26 tuổi này đang chờ người ta giao hàng tạp hóa buổi tối trước khi Putin phát biểu, thì có hai người đàn ông mặc đồ dân sự tới đưa anh giấy tờ quân sự để ký.

Điện Kremlin cho biết chỉ những người đã thực hiện nghĩa vụ quân sự và có kỹ năng đặc biệt và kinh nghiệm chiến đấu mới được triệu tập.

Nhưng Sergei không có kinh nghiệm quân sự, và cha dượng của anh đang lo, vì trốn tránh quân dịch là một hành vi phạm tội ở Nga.

\"Giấy
Chụp lại hình ảnh,Nghiên cứu sinh Sergei bị triệu tập dù chưa bao giờ tham gia nghĩa vụ quân sự

Lệnh triệu tập đã dẫn tới biểu tình ở các thành phố lớn của Nga, bao gồm Moscow và St Petersburg, vào thứ Ba.

Cũng có báo cáo từ Nga rằng một số người bị giam giữ vì biểu tình đã được giao giấy nhập ngũ khi đang ở đồn cảnh sát. Người phát ngôn Điện Kremlin nói làm vậy không vi phạm luật pháp.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi người Nga chống lệnh nhập ngũ, trong bài phát biểu hàng đêm của ông hôm thứ Năm.

Khi nói đến người Nga thiệt mạng trong cuộc chiến, ông nói “Muốn thêm không? Không? Thế thì phản đối. Đánh trả. Bỏ chạy. Hoặc đầu hàng Ukraine.”

Kêu gọi huy động quân sự ở Nga đã dẫn tới phản ứng mạnh mẽ một cách bất thường.

Bộ Quốc phòng Anh trong cuộc họp sáng thứ Tư nói kêu gọi nhập ngũ “có khả năng không được nhiều bộ phận dân Nga ưa chuộng”.

“Putin đang chấp nhận rủi ro chính trị đáng kể với hy vọng tạo ra sức mạnh chiến đấu như họ cần. Hành động này là một kiểu thừa nhận Nga đã cạn kiệt số tình nguyện viên sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine.”

Quan chức Nga khẳng định lệnh triệu tập sẽ chỉ giới hạn với người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chứ không phải tất cả.

Tuy nhiên ở bên trong Nga, cũng có nhiều đồn đoán rằng đợt huy động quân có thể lớn hơn thông báo chính thức.

Tờ báo độc lập Novaya Gazeta, đã chuyển hoạt động sang Châu Âu khi truyền thông bị đàn áp sau chiến tranh, đưa tin rằng sắc lệnh của Vladimir Putin có một đoạn 7 bị xếp là tuyệt mật.

Tờ báo cáo buộc rằng đoạn bí mật cho phép triệu tập đến một triệu người chứ không chỉ như con số chính thức 300.000, trích dẫn một nguồn giấu tên từ chính phủ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment